Những điều cần nắm rõ trước khi quyết định sáng lập công ty startup MedTech
Gần đây, ngành MedTech (công nghệ y học) đang ngày càng chứng minh được tiềm năng to lớn bởi những ưu điểm mà ngành này mang lại. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn về thị trường MedTech thông qua các ví dụ điển hình của những startup khá nổi bật ở thời điểm hiện tại.

Những doanh nghiệp điển hình trong việc phát triển MedTech

Đầu tiên là nền tảng y tế từ xa tại Pháp - Qare, công ty được thành lập vào năm 2016 này chuyên cung cấp dịch vụ y tế toàn diện cho cộng đồng. Khách hàng có thể truy cập y tế online và offline theo nhu cầu với quyền truy cập không giới hạn vào mạng lưới độc quyền của các chuyên gia y tế. Ứng dụng này hỗ trợ khám tại nhà qua video và đặt lịch hẹn khám bệnh và hơn 12 chuyên khoa được bảo đảm. Vào tháng 4 năm ngoái, startup này đã nhận được khoản đầu tư 20 triệu euro cho việc phát triển.
 

Nền tảng khám bệnh từ xa qua video của startup MedTech - Qare
 
Bên cạnh đó là Doctor Anywhere với mạng lưới liên kết rộng khắp tại Singapore gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm. Nền tảng MedTech Doctor Anywhere còn cho phép người dùng quản lý sức khỏe của họ hiệu quả và dễ dàng hơn thông qua app Doctor Anywhere.
 

Những khó khăn thường gặp của các doanh nghiệp startup MedTech

Hầu hết các công ty MedTech thường không hình dung được những khó khăn nhất định khi bước chân vào lĩnh vực mang tính đặc thù cao này, đó chính là:
  • Bị phụ thuộc: Vì không thể chi phối và điều hướng các cơ sở y tế nên các startup MedTech thường không thể chủ động được chất lượng dịch vụ.
  • Khó thay đổi thói quen người dùng: đặc biệt là ở các nước đang phát triển, người dân thường quen với việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, vì vậy, việc thuyết phục họ là điều khá khó khăn.
  • Các vấn đề về lâu dài: làm thế nào để giữ chân được khách hàng khi họ đã tìm được cơ sở y tế chất lượng và phù hợp hay việc thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các startup vì mức lương của nguồn lao động này là khá cao.
  • Thiếu nhiều kiến thức chuyên môn: đa phần người sáng lập các công ty này thường xuất phát từ ngành kinh tế hoặc công nghệ, nên năng lực thường dừng ở việc tạo ra những chức năng cơ bản và kết nối người dùng. Vì vậy mà việc ứng dụng vào thực tiễn chưa thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, các startup MedTech tại các nước đang phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ thị trường như tiếp cận với các bệnh viện lớn, giới thiệu sản phẩm và mang lại niềm tin cho khách hàng. Đặc biệt là khả năng kết nối, gắn kết người dùng và các tổ chức y tế để tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
 

Hướng đi nào cho các công ty startup MedTech

Để giải quyết những khó khăn trên, Qare, Doctor Anywhere nói riêng và các startup MedTech nói chung thường:
  • Thiết lập các mối quan hệ lâu dài với bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực y tế để tư vấn và dần hoàn thiện quy trình nhằm phát triển hệ thống, tối ưu thời gian và chi phí so với việc thuê ngoài. Bên cạnh đó còn tìm đến sự hỗ trợ của chính quyền sở tại để dễ dàng kết nối hơn với các cơ sở y tế nhằm cải tiến và phục vụ cộng đồng.
  • Các startup Medtech thường cố gắng thay đổi người dùng bằng cách tận dụng mật độ sử dụng điện thoại ngày càng cao để đưa ra các chương trình livestream nhằm tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân, trung bình 1-2 lần/tháng và có xu hướng tăng. Việc này không chỉ tiếp cận khách hàng mà còn xây dựng thương hiệu, hình thành thói quen chủ động hơn trong tìm đến các dịch vụ y tế online.
  • Thêm vào đó, các công ty như Qare và Doctor Anywhere thường cố gắng tạo và nâng cấp các nền tảng ứng dụng trên điện thoại và xây dựng cơ sở khám chữa bệnh để tiếp tục hỗ trợ, chăm sóc khách hàng về sau.

Nền tảng ứng dụng Doctor Anywhere được phổ biến rộng rãi tại Singapore
 
  • Đặc biệt, các ứng dụng này còn cho phép người dùng thoải mái truy cập, tham khảo ý kiến bác sĩ mọi lúc, mọi nơi. Hơn thế, quá trình giao hàng cũng được triển khai nhanh nhất có thể, trong vòng 1-3 giờ để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Hơn thế, các doanh nghiệp này còn nâng cao uy tín bằng việc kết hợp với những “ông lớn” công nghệ để giải quyết vấn đề phát sinh trung gian như thanh toán, di chuyển,... hay các bác sĩ có uy tín trong ngành. Tại Việt Nam, Doctor Anywhere đã kết hợp tác với công ty Viettel để tích hợp cổng thanh toán của ViettelPay vào ứng dụng, giúp kết nối bác sĩ và cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến.
 
Trên đây là những điều mà các doanh nghiệp cần nắm rõ trước khi quyết định sáng lập hay đầu tư nghiêm túc vào công ty startup MedTech. Hãy suy nghĩ và nghiên cứu thị trường thật kỹ, xác lập hướng đi phù hợp trước khi đưa ra quyết định nhé!