Nhiều ứng dụng công nghệ đáng chú ý tại Dự án sáng tạo khởi nghiệp lần 4
Cuộc thi Dự án sáng tạo khởi nghiệp lần 4 với chủ đề "Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”, đang diễn ra vòng bán kết 2 tại TP.HCM. Có 42 dự án đến từ 11 tỉnh, thành sẽ tranh tài để chọn ra những dự án xuất sắc tham gia vòng chung kết diễn ra vào cuối tháng 10/2018...
Được phát động từ tháng 5/2018, cuộc thi Dự án sáng tạo khởi nghiệp lần 4 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng các đối tác chiến lược tổ chức đã thu hút 159 dự án, ý tưởng nộp hồ sơ tham gia, tăng gần 30% so với cuộc thi năm 2017. Các đề tài đáp ứng được tiêu chí theo chủ đề của cuộc thi. Qua vòng sơ loại, Hội đồng giám khảo đã chọn ra 110 dự án, ý tưởng tiêu biểu tham gia vòng bán kết diễn ra tại 3 địa điểm là Bến Tre, TP.HCM và Hà Nội.
Đồng Tháp là địa phương góp mặt đông nhất với 19 dự án, tập trung vào nguồn tài nguyên của tỉnh liên quan đến nguồn thủy sản thiên nhiên hay các sản phẩm từ sen. Trong khi đó, TP.HCM góp mặt với 5 dự án chế biến nông sản bằng công nghệ. Nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa và được bán ở Phiên chợ Xanh - Tử tế như nước thảo mộc Goji, sữa dinh dưỡng từ các loại hạt Grain Milk, bột rau má Quảng Thanh...
Tại vòng thi này, nhiều dự án ứng dụng công nghệ đáng chú ý như "Tranh thư pháp trên lá sen, vỏ tràm và một số nguyên liệu khác" của Trịnh Phi Long (Đồng Tháp), "Nước thảo mộc Goji, sữa dinh dưỡng từ các loại hạt Grain Milk" của Nguyễn Thị Bích (TP.HCM), hay "Máy lọc nước biển thông minh" của nhóm Lê Kiều Phượng (Lâm Đồng)...
Các dự án tham gia theo nhóm như "Bột rau má sấy lạnh" của nhóm Nguyễn Hồng Bắc (TP.HCM), "Thiết lập chuỗi cung cấp thiết bị, giải pháp nông nghiệp tối ưu Asop" của nhóm Nguyễn Ngọc Hiển (Vũng Tàu) và "Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Fram Hipb" của nhóm Nguyễn Đức Tài (An Giang) cũng tạo ấn tượng mạnh.
Cuộc thi Dự án sáng tạo khởi nghiệp được triển khai từ năm 2015 nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thực hiện sản phẩm. Điểm mới của cuộc thi lần này là Ban tổ chức mở rộng đến đối tượng giảng viên và sinh viên các trường đại học. Do đó, nhiều sinh viên đã hưởng ứng tích cực và có nhiều đề tài khá tốt.
Tại vòng bán kết 1 diễn ra ở Bến Tre trong 2 ngày 15 và 16/9, Hội đồng giám khảo đã chọn ra 11 dự án xuất sắc trong 41 dự án dự thi đến từ 6 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng và Hậu Giang vào chung kết.
Đây là những dự án có sự vượt trội về cả nội dung lẫn tính thực tế khi đưa vào cuộc sống. Sản phẩm của các dự án này đã được thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Sau các vòng bán kết 1, 2 và 3, Ban tổ chức sẽ chọn khoảng 35 dự án vào vòng chung kết diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
Theo DNSG Online