Hệ sinh thái Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2019 (Phần 2)
Theo Báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, trong năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vươn lên đứng thứ ba trong số sáu quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% cho cả năm 2018, đứng thứ ba sau Indonesia (48%) và Singapore (25%).
HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM NĂM 2019 

Tài chính
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam từng bước thu hút được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư, đặc biệt từ nguồn ngoài nước. Trong những năm gần đây, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao. Đặc biệt là số vốn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh nguồn vốn từ chính cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, nguồn vốn cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm nhiều loại hình: quỹ đầu tư; nhà đầu tư thiên thần; nguồn vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; nguồn ưu đãi tín dụng, vốn vay từ các ngân hàng, quỹ tài chính. 

Quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư trong tập đoàn, doanh nghiệp lớn 

Hành lang pháp lý về đầu tư đang được dần hoàn thiện đã góp phần thu hút được số lượng lớn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thời gian gần đây. Năm 2019, đã có 61 quỹ đầu tư có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018 trong đó phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. 

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, chính sách mới bước đầu đã khuyến khích việc hình thành các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Tới thời điểm tháng 12/2019 có 04 quỹ đăng ký theo Nghị định số 38/2018/NĐ-CP. 
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ trong đó cho phép sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp được đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Một số quỹ của các tập đoàn như Vingroup, FPT, CMC đã bắt đầu triển khai hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. 

Quỹ nhà nước 

Quy định về nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) đã được nêu tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tháng 5/2019. Quy định cho phép các tổ chức tài chính ngoài ngân sách tại địa phương được đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng đã được đưa vào Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. 

Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện và sớm trình Chính phủ quy định quản lý của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) về các hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh mới. 

Mạng lưới nhà đầu tư cá nhân

Một số câu lạc bộ, nhóm nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp sáng tạo đã được thành lập và đang hoạt động (ví dụ như: VIC Impact, Vietnam Angel Network, iAngel, Angel4us). 

Sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng

Một số sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng đã bắt đầu phát triển hoạt động tại Việt Nam: Kyber Network, Republic... 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tại Công văn số 1128/TTg-ĐMDN ngày 31/8/2018 theo đề xuất của Bộ KH&CN, các Bộ, cơ quan ngang Bộ triển khai các nhiệm vụ để thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ áp dụng thí điểm mô hình nền tảng gọi vốn cộng đồng và nền tảng giao dịch cổ phần của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi thí điểm, tạo hành lang pháp lý thu hút các loại hình sàn giao dịch này. 

Các nguồn vốn khác 

Bên cạnh những kết quả ấn tượng về đầu tư thu hút được cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong những năm gần đây, Bộ KH&CN triển khai tổ chức sự kiện Techfest quốc gia và hướng dẫn các địa phương triển khai sự kiện Techfest vùng, địa phương theo mô hình với nhiều hoạt động kết nối đầu tư quốc tế của Techfest quốc gia đã thúc đẩy một số ngân hàng thương mại đưa ra các giải pháp hỗ trợ, cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như Vietcombank, BIDV, VPBank, TPBank... 

Ngân hàng nhà nước cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động tín dụng. Cơ chế này sẽ tạo tiền đề cho các giải pháp sáng tạo được triển khai, khơi thông thêm nguồn vốn vay, tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 
 


Nhân lực 

Sức lan tỏa của tinh thần khởi nghiệp đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các trường đại học ở Việt Nam trong việc đào tạo thế hệ doanh nhân tiếp theo cho đất nước. 

Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch hằng năm trong khuôn khổ Đề án 844 để triển khai nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Các hoạt động này được triển khai dưới hình thức các khóa đào tạo, trao đổi quốc tế trong viện trường (Khóa tập huấn chuyên sâu Impact Consulting Boot Camp của trường Đại học Ngoại thương, Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo FTU phối hợp cùng Đại học Hanyang Hàn Quốc,...); hoạt động đào tạo của các chương trình startup exchange đến các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển (Runway To the World - Chương trình trao đổi startup Việt Nam và quốc tế do SIHUB,...); các cuộc thi, sự kiện kết nối quy mô quốc tế nâng cao năng lực startup (Techfest Hoa Kỳ 2020, Techfest Vietnam 2018 với startup Abivin - quán quân đại diện Việt Nam tham gia Startup World Cup 2019 đã giành chức vô địch,...). 
 


Bên cạnh đó, Đề án 844 hướng dẫn các địa phương cùng tập trung triển khai nhiệm vụ này để cùng hướng đến sự thống nhất về tư duy, nhận thức và phương pháp triển khai hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả, cập nhật với tình hình phát triển của khu vực và thế giới. Đến hết năm 2019, với hơn 244 khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo triển khai từ Đề án 844 tại trung ương và rất nhiều các khóa đào tạo triển khai tại các địa phương cho các loại hình chủ thể trong hệ sinh thái (cán bộ quản lý nhà nước, quản lý vận hành các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư tiềm năng), mặt bằng chung về tư duy, kiến thức khởi nghiệp sáng tạo đã được nâng lên, được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai các nội dung trong Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, phối hợp với Bộ KH&CN để xây dựng khung tài liệu về khởi nghiệp sáng tạo để triển khai phổ biến tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện tại đã hình thành các câu lạc bộ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại hơn 40 cơ sở giáo dục đào tạo. Một số trường đại học đã có kế hoạch đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính khóa. 

Cùng với việc cung cấp các khóa học chính thức, nhiều trường đại học như Trường Đại học Bách Khoa, trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung còn xây dựng mô hình ươm tạo và hỗ trợ một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trường Đại học Quốc gia những năm qua thông qua hỗ trợ của Đề án 844 cũng đã nghiên cứu xây dựng đề cương môn học, trong đó nhấn mạnh vào trải nghiệm thực tế thông qua các chương trình trao đổi ngắn, dài hạn cho các ứng viên khởi nghiệp “tiềm năng”. Ở các địa phương và các trường đại học khác, các chương trình đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp ĐMST cũng như các sân chơi về khởi nghiệp cũng đã được triển khai và gặt hái được nhiều thành quả. 

Hiện nay có khoảng 138 trường đại học, học viện, cao đẳng tổ chức những hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đã thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài. Nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ tinh thần doanh nhân, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong sinh viên, giảng viên; hỗ trợ hoạt động chuyển giao kinh nghiệm trong trường đại học; gắn kết trường đại học với các doanh nghiệp và phát triển kinh tế địa phương. 

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường diễn ra mạnh mẽ tại miền Nam (48% tổng số hoạt động trong cả nước) với các hoạt động của nhà trường và vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp thuộc trường tiêu biểu như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Khu công nghệ Phần mềm - ITP), Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ), Đại học Nguyễn Tất Thành; miền Bắc (31%) với các trung tâm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), Đại học Quốc gia Hà Nội (Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp - CSK), Đại học Ngoại thương (Trung tâm sáng tạo và ươm tạo - Fiis)…; và miền Trung (12%) tập trung nhiều tại thành phố Đà Nẵng như Đại học Đà Nẵng, Đại học Công nghệ thông tin (Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT-Lotus Hub), … Các trung tâm hỗ trợ, vườn ươm ở trường đại học chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu khi các ý tưởng của các sinh viên khởi nghiệp còn thô sơ và chưa biết cách triển khai do người khởi nghiệp còn thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản. Vườn ươm trường đại học sẽ có trách nhiệm đào tạo, nâng cao năng lực cũng như kết nối các nguồn lực từ tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước. 

Các cuộc thi khởi nghiệp cấp trường được tổ chức hàng năm với các chủ đề gắn với các ngành nghề đào tạo của nhà trường thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia, khoảng hơn 40% trong 100 trường trong tài liệu thống kê có hoạt động tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cấp trường. Việc tổ chức cuộc thi tại một số trường với mục tiêu khích lệ tinh thần khởi nghiệp, là nơi sinh viên có thể giao lưu, học hỏi và phát triển kỹ năng mềm… Chất lượng cuộc thi ngày càng tăng khi nhiều trường đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức cuộc thi, các trường đã chủ động trong việc tổ chức các hoạt động kết nối nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các cố vấn viên/huấn luyện viên nhằm tư vấn, hỗ trợ định hướng và phát triển hoàn thiện ý tưởng/sản phẩm, nên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên tiêu biểu một số cuộc thi như: Khởi nghiệp cùng Kawai (Đại học Ngoại thương), IStartUp (Đại học Kinh tế quốc dân), HueIC - challenge (Cao đẳng Công nghiệp Huế), Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp (Đại học Huế)… Cuộc thi nhằm lựa chọn các dự án, ý tưởng có tính khả thi để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực, quốc gia đồng thời là cơ hội để sinh viên khẳng định mình, được đào tạo và rèn luyện các kỹ năng trước và sau cuộc thi. Đặc biệt sự kiện Ngày hội khởi nghiệp học sinh, sinh viên (SV - Startup 2019) hằng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã thu hút được hơn 200 đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm; trung cấp sư phạm, trung học phổ thông tham gia cuộc thi, tiếp cận được trên 200.000 học sinh, sinh viên. 

Bên cạnh đó, một số trường đã và đang chủ động xây dựng bộ môn khởi nghiệp nhằm bổ trợ những kiến thức tổng quan và trang bị những kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp như: lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư… Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ra mắt chương trình cử nhân Khởi nghiệp và Phát triển kinh doanh (B-BAE), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế,… đã bắt đầu có bộ môn khởi nghiệp trong chương trình giảng dạy chính. Tuy nhiên, số lượng trường triển khai và số lượng tiết học chung cho khởi nghiệp tại một số trường mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm. 

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong trường Đại học những năm gần đây đã tạo ra một làn sóng tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong sinh viên. Nhà trường tích cực trong việc liên kết giữa các viện trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để tạo một môi trường thuận lợi giúp tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo - nghiên cứu - kinh doanh, đồng thời, chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên đi xa hơn hay tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế.

Tài liệu tham khảo: 

1. Báo cáo của Văn phòng Đề án 844
2. Cento (2019), Vietnam Tech Investment Report 
3. DealstreetAsia (2019), Vietnam’s Airbnb-like startup Luxstay raises $3m bridge round from CyberAgent, others  
4. ICTNews (2019), Ứng dụng đặt chỗ JAMJA được rót vốn 1 triệu USD từ CyberAgent Capital và Bon Angels  
5. ICTNews (2019), "Uber" trong lĩnh vực phòng tập Wefit nhận đầu tư 1 triệu USD từ quỹ CyberAgent Capital và KB Investment 
6. Techinasia (2019), In brief: Vietnam fintech platform bags funding from CyberAgent, Ncore Ventures