STARTUP ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ NHƯ THẾ NÀO? (Phần 1)
Là nhà sáng lập một doanh nghiệp khởi nghiệp, đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao Facebook chi những 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp, một công ty chỉ mới 5 năm tuổi với vỏn vẹn 50 nhân viên? Tại sao Uber thua lỗ gần 3 tỷ USD vào năm 2016 nhưng vẫn được định giá 68 tỷ đô la Mỹ? Những con số rất cao này được xác định dựa trên cơ sở nào hay nói cách khác các doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá như thế nào?

Bài viết này nhằm giúp độc giả tìm câu trả lời cho vấn đề định giá khởi nghiệp được nêu ở trên, bao gồm 3 phần chính:

➤ Khái niệm và vai trò của định giá startup

➤ Các cách định giá thông dụng

➤ Cách tối đa hóa giá trị của startup

  1. Khái niệm và vai trò của định giá doanh nghiệp

Định giá doanh nghiệp (Business Valuation) là việc điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của công ty nhằm xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một doanh nghiệp.  

Định giá doanh nghiệp không chỉ bao gồm các “yếu tố tài chính” như doanh thu, lợi nhuận mà còn có cả những yếu tố “phi tài chính” như đội ngũ sáng lập, lượng khách hàng, bằng sáng chế, thương hiệu, sự khác biệt của sản phẩm... Đôi khi những “yếu tố phi tài chính” này lại cực kỳ quan trọng và quyết định đến việc định giá nhiều hơn là các yếu tố tài chính. Minh chứng cho việc này phải kể đến việc các startup công nghệ được định giá cao, thậm chí rất cao trong thời gian gần đây. Như WhatsApp, một ví dụ được nêu ra ở đầu bài, sở dĩ được Facebook mua lại với giá 19 tỷ đô là vì nó có lượng người dùng (user base) lớn (500 triệu người dùng tại thời điểm được mua lại) với tốc độ tăng trưởng người dùng cao (cứ một ngày tăng thêm 1 triệu người dùng), chưa kể đến những giá trị khi cộng hưởng với các ứng dụng khác của Facebook.

Định giá phản ánh mức độ sẵn sàng của thị trường khi đầu tư cho ý tưởng của startup và khoản đầu tư mà startup sẵn sàng chấp nhận. Đây cũng là bước quan trọng để giúp nhà đầu tư ra quyết định có nên đầu tư hay không. Do đó, việc hiểu về các phương pháp định giá như vậy sẽ giúp startup hiểu hơn về cách đánh giá và quyết định của các nhà đầu tư, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận được nguồn vốn cũng như tìm ra cách để tối đa hóa giá trị của mình trong quá trình thẩm định đầu tư (sẽ được trình bày kỹ hơn ở mục 3: Cách tối đa hóa giá trị của startup).

Khi các startup định giá doanh nghiệp của mình và gọi vốn từ nhà đầu tư, họ cần biết về khái niệm giá trị Pre-money và giá trị Post-money. Hiểu đơn giản thì Pre-money là giá trị của công ty trước khi gọi vốn, và post-money là sau khi gọi vốn.

➤ Giá trị Post-money = Giá trị Pre-money + Vốn gọi

➤ Cổ phần chia cho nhà đầu tư = Vốn gọi / Giá trị Post-money

Giả sử nếu Shark Hưng định giá LuxStay là 17,5 triệu USD và quyết định đầu tư 1 triệu USD vào doanh nghiệp này thì:

  • Giá trị Post-money = 17,5 triệu USD

  • Giá trị Pre-money = 16,5 triệu USD

  • Cổ phần của Shark Hưng = 1/17,5 = 5,7 %

  1. Một số khái niệm và cách định giá phổ biến

Có rất nhiều phương pháp có thể được dùng để định giá một startup như phương pháp Berkus, so sánh với startup thành công thuộc cùng lĩnh vực (Comparables Method), hay những phương pháp định giá phức tạp hơn như phương pháp đầu tư mạo hiểm (VC methods), phương pháp chiết khấu dòng tiền (Discounted Cashflow Method), phương pháp dựa trên tài sản (asset-based method)... Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu 2 phương pháp định giá là Bội số doanh thu (Revenue Multiples) và phương pháp bảng điểm (Scorecard) vì đây là các phương pháp định giá tương đối (Relative valuation), đơn giản thường được sử dụng nhiều hơn cả, nhất là cho các startup công nghệ đang trong các vòng gọi vốn Series A và B. 

a. Bội số Doanh thu

Bội số doanh thu sử dụng các thông tin tương quan giữa các doanh nghiệp thành công trong ngành đã IPO và startup cần định giá để từ đó so sánh, ước lượng giá trị của startup.

Quy trình ước lượng giá trị startup theo phương pháp này như sau:

  • Bước 1: Tìm kiếm các công ty đã lên sàn có mô hình kinh doanh tương tự như startup cần định giá, xem giá trị (Enterprise Value - EV) và lợi nhuận của các công ty đó (Earnings) là bao nhiêu. 

  • Bước 2: Xác lập mối quan hệ trung bình giữa lợi nhuận và giá trị của những công ty đó thông qua tỷ lệ EV / EBITDA (Earnings before Interest, Taxes, Depreciation and Amortization) - Tỉ số giữa Giá trị doanh nghiệp trên Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần 

**Lưu ý rằng tỉ số EV / EBITDA không cố định mà biến đổi liên tục theo thời gian, phụ thuộc rất lớn vào kết quả kinh doanh trung bình của các công ty trong ngành.

  • Bước 3: Áp dụng cho startup cần định giá.

Ví dụ: Theo phân tích của Viet Capital Securities (VCSC), các công ty trong ngành dược và y tế hiện đang có tỉ số EV/EBITDA trung bình là 14x. EBITDA của startup là 500,000 USD, thì giá trị pre-money của startup đó là 7 triệu USD. 

b. Phương pháp Scorecard (Bảng điểm)

Ở phương pháp này, nhà đầu tư sẽ liệt kê từ 5-7 tiêu chí đánh giá startup với các trọng số khác nhau. Cần lưu ý rằng, việc đặt trọng số cho các tiêu chí như thế nào là tùy vào quan điểm của mỗi nhà đầu tư. Ví dụ, quỹ đầu tư ThinkZone định giá startup dựa trên 6 yếu tố: Chất lượng đội ngũ sáng lập, Quy mô và tiềm năng thị trường, Sản phẩm chất lượng/khác biệt, Khả năng cạnh tranh trên thị trường, Chiến lược marketing/phân phối, Feedback của khách hàng với các trọng số lần lượt là 30%, 20%, 20%, 15%, 10% và 5% thì bảng điểm họ dành cho startup đang được định giá sẽ như sau: 

 

Tiêu chí

Trọng số

Tỉ số tương đối

Hệ số

Chất lượng Founder/team

30%

125%

0.375

Quy mô và tiềm năng thị trường

20%

150%

0.3

Sản phẩm chất lượng/khác biệt

20%

110%

0.22

Khả năng cạnh tranh trên thị trường

15%

75%

0.113

Chiến lược marketing/phân phối

10%

75%

0.075

Feedback của khách hàng

5%

75%

0.038

Tổng

100%

 

1.12


Các bước định giá theo phương pháp này sẽ là:

  • Bước 1: Liệt kê các tiêu chí đánh giá và cho trọng số. 

  • Bước 2: Ước lượng tỷ số tương đối của từng tiêu chí bằng cách so sánh từng tiêu chí đó của startup với mức trung bình của các doanh nghiệp trong ngành 

  • Bước 3: Tính các hệ số thành phần bằng cách lấy tích các tỷ số tương đối của từng tiêu chí với Trọng số của tiêu chí đó. 

  • Bước 4: Tính Hệ số định giá cuối cùng bằng cách lấy tổng hệ số thành phần của tất cả tiêu chí 

  • Bước 5: Tính giá trị Pre-money của startup bằng cách lấy giá trị định giá trung bình (của các startup trong cùng thị trường, ở cùng giai đoạn) nhân với Hệ số định giá cuối cùng tìm được ở bước 4.

Như ví dụ ở trên, hệ số định giá của startup là 1.12. Giả sử trung bình các startup trong cùng thị trường và cùng giai đoạn có mức định giá trung bình là 6 triệu USD, thì giá trị Pre-money của startup cần định giá trong bảng trên là 6 x 1.12 = 6.72 triệu USD

Qua hai phương pháp định giá trên có thể thấy, các phương pháp định giá khác nhau hoàn toàn có thể cho ra những kết quả định giá khác nhau. Điều này là do mỗi nhà đầu tư, dựa trên mục tiêu đầu tư, phán đoán và kinh nghiệm của họ, sẽ có những kết luận khác nhau về nguy cơ rủi ro và cơ hội tiềm ẩn trong từng trường hợp. Nói cách khác, định giá mang đậm tính chủ quan của nhà đầu tư. Hơn nữa, đôi khi, một số phương pháp định giá lại phù hợp hơn cho một số ngành nhất định chứ không phải các ngành khác. Ví dụ: bạn sẽ không sử dụng phương pháp định giá dựa trên tài sản để định giá một doanh nghiệp tư vấn có ít tài sản; thay vào đó, cách tiếp cận dựa trên thu nhập như chiết khấu dòng tiền sẽ phù hợp hơn. 

Nguồn tham khảo:

  1. ThinkZone Blog, Định giá startup như thế nào:

http://thinkzone.vn/dinh-gia-va-goi-von-dieu-moi-founders-can-hieu-ro-phan-2

  1. Slim CRM, Startup Handbook 2.0, Chương 5: Định giá Doanh nghiệp.

  2. ThinkZone Blog, 5 phương pháp định giá doanh nghiệp thường dùng: http://thinkzone.vn/giai-ngo-5-phuong-phap-dinh-gia-doanh-nghiep-thuong-dung

  3. Vĩnh Nghi, Định giá doanh nghiệp: Đơn giản mà không đơn giản, Vietsourcing 

http://vietsourcing.edu.vn/goc-hoc-vien/tin-tong-hop/2021-dinh-gia-doanh-nghiep-don-gian-ma-khong-don-gian.html

  1. Khawaja Saud Masud (2018), Understanding Startup Valuation, Data Driven Investor, Medium:

https://medium.com/datadriveninvestor/understanding-startup-valuation-a393f6fadc6f

  1. EBITDA ngành Dược phẩm và Y tế, Viet Capital Securities: 

http://www2.vcsc.com.vn/Modules/Analysis/Web/IndustryAnalysis.aspx?tab=3&catTab=2&MenuID=5&cat=1&inTab=Nhomnganh&industryID=230&lang=vi-vn

  1. James Chen (2020), Valuation Definition, Investopedia:

https://www.investopedia.com/terms/v/valuation.as