Hiểu về đầu tư mạo hiểm - Quá trình thẩm định startup - Phần 1
Để thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn vào công ty, các nhà sáng lập Việt Nam cần phải dành thời gian và nỗ lực để hiểu cách suy nghĩ của các nhà đầu tư mạo hiểm, cũng như cách thức hoạt động của quy trình đầu tư mạo hiểm
Các hình thức cung cấp vốn cho các dự án kinh doanh mới đã có từ lâu, ngay cả ở Việt Nam, chẳng hạn như các khoản đầu tư từ bạn bè và gia đình, các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, hoặc đầu tư thiên thần từ các cá nhân giàu có.
Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây thì đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - hay viết tắt là VC) mới được biết đến như một nguồn hỗ trợ khả thi, một phần cũng vì số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Trên thực tế, theo số liệu của Tech in Asia, năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ ba trong số các hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất Đông Nam Á khi xét đến các hoạt động đầu tư mạo hiểm.
Hơn nữa, việc Việt Nam xử lý tốt cuộc khủng hoảng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 đã cho phép nền kinh tế mở cửa trở lại một cách an toàn và sớm hơn so với các nước láng giềng, trở thành nơi thu hút một lượng lớn các khoản đầu tư mạo hiểm trong khu vực. 
Tuy nhiên, hầu hết các khoản đầu tư VC đều được rót vào các công ty ở giai đoạn sau, tạo ra khoảng cách lớn giữa đầu tư cho công ty lâu năm và công ty mới khởi nghiệp trong nước. Theo tôi, điều này phần lớn là do hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ, hầu hết các nhà sáng lập đều gọi vốn lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư.
Điều này dẫn đến sự chênh lệch kỳ vọng cũng như khả năng đàm phán giữa nhà đầu tư và nhà sáng lập tại Việt Nam. Trên thực tế, trong các công ty mà tôi từng tiếp xúc khi thẩm định, một vài bên đã bán phần lớn quyền sở hữu của họ (35% - 50%) trong hai vòng gọi vốn đầu tiên. Do đó, nhiều nhà sáng lập được coi là không có kinh nghiệm và đang đối mặt với vô vàn thách thức để huy động nguồn vốn mạo hiểm một cách thành công.
Để thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn vào công ty, các nhà sáng lập Việt Nam cần phải dành thời gian và nỗ lực để hiểu cách suy nghĩ của các nhà đầu tư mạo hiểm, cũng như cách thức hoạt động của quy trình đầu tư mạo hiểm. 
Trước hết, các nhà sáng lập cần hiểu về Quá trình thẩm định. Khi những người sáng lập lần đầu tiên làm việc với các nhà đầu tư mạo hiểm, quá trình thẩm định thường bắt đầu sau khi những người sáng lập đăng ký phỏng vấn với quỹ hoặc được giới thiệu qua một mối quan hệ chung. Nếu nhà đầu tư có sự quan tâm, họ sẽ gọi điện thoại hoặc sắp xếp một buổi gặp mặt ngắn để tìm hiểu thêm.
Sau lần đầu tiếp xúc, doanh nghiệp có thể sẽ trao đổi thêm qua email hoặc gọi điện trực tiếp với hội đồng thẩm định đầu tư. Quá trình này có thể mất từ ​​2 tuần (tại các quỹ nhỏ như Hustle Fund với khoản đầu tư tương đối nhỏ) đến vài tháng (tại các quỹ lớn hơn với số tiền đầu tư lớn hơn).
Bất kể là trong khoảng thời gian hay giai đoạn đầu tư nào thì các nhà đầu tư thường cần trả lời 5 câu hỏi chính nhằm xác định xem một công ty có phù hợp với danh mục đầu tư của họ hay không. Điều quan trọng là đội ngũ khởi nghiệp phải hiểu được góc đánh giá này và dự đoán trước những câu hỏi mà họ sẽ gặp phải.
5 câu hỏi chính bao gồm: 
1. Vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết là gì?
2. Giải pháp của bạn là gì?
3. Bạn đã chứng minh được sản phẩm đó phù hợp với thị trường chưa?
4. Chiến lược tiếp cận thị trường của bạn là gì?
5. Đội ngũ sáng lập công ty bạn là ai?
Ở phần tiếp theo của bài viết, chúng ta sẽ đi tìm hiểu sâu hơn về nhưng câu hỏi này.
Phần 2:  http://startup.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?l=Tintucsukien&ItemID=294
Phần 3:  http://startup.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?l=Tintucsukien&ItemID=295