Kiều bào hiến kế cho startup thời dịch
Các lãnh đạo startup ở hải ngoại dù tại Mỹ, Pháp, Phần Lan hay Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn có được một cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam với những hoạt động thực chất, hỗ trợ những người có ý tưởng kinh doanh.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở nước ngoài đã có những đóng góp tâm huyết tại hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam" tổ chức chiều 16/7 tại Hà Nội.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Ngoài thành phần tham dự trực tiếp còn có các đầu cầu dự trực tuyến tại TP. HCM, Mỹ, Pháp, Phần Lan, Nhật Bản, ...

Nỗ lực vượt khó

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trưởng ban Đề án 844, ông Trần Văn Tùng, cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, và "bài toán" mà các startup cần giải quyết đó là: làm thế nào để thích nghi, tồn tại và thậm chí phát triển trong tình thế đó.

Tại hội thảo, các diễn giả, những chủ doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng như nước ngoài đã chia sẻ các câu chuyện về nỗ lực để tồn tại trong đại dịch trong khi vẫn tiếp tục nuôi chí hướng phát triển một thương hiệu Việt trong lĩnh vực kinh doanh đang theo đuổi.

Ông Cao Anh Tuấn - Giám đốc công nghệ của Genetica, công ty xét nghiệm gene ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ) - cho biế công ty đã được cấp phép hoạt động ở 10 quốc gia và khi dịch bớt căng thẳng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của công ty.

Theo ông Tuấn, Công ty Genetica đã xây dựng phòng thí nghiệm (lab) tiêu chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và tiêu chuẩn Mỹ thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Singapore) để có thể dần đưa các dịch vụ giải mã gen của người châu Á về Việt Nam xử lý. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chỉ trong vòng 6 tháng, Genetica đã phát triển được công cụ G-Immunity giúp chẩn đoán những bộ gen có nguy cơ dễ mắc COVID-19 hơn và cả mức độ rủi ro biến chứng nặng nếu mắc bệnh.

Tham dự hội thảo, ông Phạm Kim Cương, nhà sáng lập Cohost AI - công ty có trụ sở chính tại thung lũng Silicon chuyên áp dụng công nghệ vào vận hành nhà cho thuê, kinh doanh lưu trú đa nền tảng, đã chia sẻ câu chuyện nỗ lực vượt khó rất sáng tạo của các nhóm kinh doanh homestay đã sống sót thành công trong dịch ở Việt Nam. Điển hình là nhóm Enjoy your trip ở Đà Lạt.

"Khi dịch bệnh xảy ra, họ nghĩ ra ý tưởng tổ chức du lịch an toàn cho các khách nội tỉnh, vì khi một số tỉnh đóng cửa phòng dịch, các tỉnh khác vẫn hoạt động. Họ thường xuyên cập nhật thông báo của Chính phủ, lập nhóm chat Zalo để chia sẻ, cập nhật thông tin và linh hoạt triển khai công việc theo tình hình cụ thể", ông Kim Cương chia sẻ.

Cộng đồng đổi mới sáng tạo Việt

Các lãnh đạo startup ở hải ngoại dù tại Mỹ, Pháp, Phần Lan hay Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn có được một cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam với những hoạt động thực chất, hỗ trợ những người có ý tưởng kinh doanh hay mới bước chân vào thương trường, chia sẻ cơ hội đầu tư, giao thương trong và ngoài nước.

Anh Trần Bảo Khánh - CEO Công ty Rens Original (Phần Lan), cho biết, tới nay, công ty anh đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, theo anh Khánh, Việt Nam vẫn là nơi an toàn để sản xuất. "Dù bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng chúng tôi tự tin sẽ sớm vượt qua những khó khăn hiện nay".

Doanh nhân trẻ của công ty sản xuất giày chống nước từ bã cà phê và nhựa tái chế - sản phẩm hiện đang bán tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chia sẻ mong muốn cộng đồng startup Việt có thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới để kết nối, sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau.

Đồng quan điểm này, ông Cao Anh Tuấn dẫn một ví dụ các startup Việt Nam có thể tham khảo là từ năm 1999, Argentina đã xây dựng một cộng đồng đổi mới sáng tạo. Ban đầu cũng chỉ là một vài mối liên hệ nhưng tới năm 2014, mạng lưới này của Argentina đã gần như bao phủ toàn bộ khu vực Nam Mỹ.

Cũng tại hội thảo chiều 16/7, ông Phạm Dũng Nam, giám đốc Văn phòng Đề án 844, đã phát động chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (Global Mentoring Program for V-Startups - GMPV).

Theo ông Nam - một người từng khởi nghiệp, ông hình dung trong những tình huống thách thức như đại dịch COVID-19, khi nhiều startup lúng túng trước khó khăn, nếu có được chia sẻ, gợi ý kinh nghiệm, có thể nhiều người sẽ vượt qua và tồn tại.

"Trong số khoảng 5,3 triệu kiều bào Việt Nam hiện nay, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức ở nhiều lĩnh vực. Làm sao để phát huy nguồn lực chất xám dồi dào là điều được Đảng và Nhà nước rất quan tâm". Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Bộ Khoa học và Công nghệ.

4 GIẢI PHÁP VƯỢT KHÓ CHO DU LỊCH

Theo ông Phạm Kim Cương, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, du lịch có 4 giải pháp vượt khó lúc này:

- Thứ nhất: chuyển đổi nguồn khách (khách nước ngoài không còn thì chuyển sang khách Việt);

- Thứ hai: chuyển đổi mô hình hợp tác (trước đây đi thuê nhà kinh doanh, nhưng giờ thì chia sẻ lợi nhuận với chủ nhà);

- Thứ ba: chuyển đổi mô hình tài chính (trước đây gọi vốn từ bố mẹ hay vay ngân hàng..., nay gọi vốn từ các nhà đầu tư);

- Thứ tư: chuyển đổi sang lĩnh vực khác.

 

Theo: Bản tin Khởi nghiệp số 27.2021