Tìm phương án cho sản phẩm nhưng không có đủ vốn để mua máy móc,dây chuyên sản xuất

 Tôi đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất sản phẩm từ một loại cây trồng nông nghiệp nhưng không có đủ vốn để mua máy móc, thiết bị cho dây chuyền sản xuất của mình. Có phương án nào cho tôi?

Người hỏi: Hoa Hiên Ngày gửi: 20/09/2018

1. Căn cứ pháp lý:
Luật Doanh nghiệp 2015

Luật Thương mại 2005

2. Ý kiến tư vấn

Theo như nội dung bạn trình bày, chúng tôi hiểu rằng bạn đang gặp vấn đề không có đủ vốn để đầu tư mua máy móc, thiết bị và dây chuyền phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm từ một loại cây nông nghiệp do bạn nghiên cứu. Tuy nhiên, do nội dung bạn trình bày chưa nói rõ quy mô dự kiến bạn sản xuất sản phẩm này như thế nào? Bạn có dự định thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm này hay không? Do đó, chúng tôi không nêu các phương án một cách chi tiết mà chỉ có thể đề xuất một số phương án định hướng chung nhằm giải quyết vấn đề bạn đang thiếu vốn kinh doanh.

Trước hết, theo chúng tôi bạn nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với phương pháp sản xuất sản phẩm nông nghiệp này dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc bí quyết kinh doanh hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo hộ cho bạn công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp này.

Về việc lựa chọn phương án để thực hiện đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp này, có nhiều phương án khởi sự để bạn có thể lựa chọn, với mỗi phương án sẽ cần những thủ tục khác nhau và có những ưu nhược điểm khác nhau về mặt thủ tục, thuế doanh nghiệp, mức độ phức tạp khi thực hiện và rủi ro pháp lý. Chúng tôi gửi bạn thông tin ban đầu để bạn tham khảo, để có thể quyết định phù hợp bạn nên dành thời gian nghiên cứu cụ thể cho từng phương án. Các phương án như sau:

Phương án 1: Bạn vay vốn người thân và/hoặc ngân hàng để đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp này

Theo phương án này bạn có thể với tư cách cá nhân hoặc thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp để vay vốn từ người thân và/hoặc ngân hàng phục vụ đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất.

Nếu vay vốn người thân, bạn bè của bạn, có thể bạn không cần có tài sản thế chấp và mức lãi suất có thể sẽ được “ưu ái” hơn so với lãi suất ngân hàng nhưng có nhược điểm là nguồn vốn có thể không ổn định (VD: người thân của bạn có việc đột xuất cần lấy lại khoản tiền đã cho bạn vay,…) có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của bạn.

Nếu bạn muốn sử dụng nguồn vốn ngân hàng thì bạn cần vượt qua các yêu cầu của Ngân hàng để có thể “được tiếp cận” nguồn vốn ổn định này. Thông thường, Ngân hàng sẽ yêu cầu bạn có tài sản thế chấp (VD: Nhà đất, xe cộ,…) và số tiền vay sẽ tùy thuộc vào giá trị tài sản thế chấp của bạn. Bạn cũng nên lưu ý chi phí sử dụng vốn ngân hàng (lãi vay), đây sẽ là gánh nặng chi phí cho hoạt động kinh doanh của bạn. Nếu chọn phương án này, bạn nên làm việc thật kỹ lượng với nhân viên tín dụng ngân hàng để có thể tìm được khoản vay phù hợp với chi phí thấp nhất.

Phương án 2: Bạn hợp tác với đối tác có sẵn nguồn vốn để sản xuất sản phẩm nông nghiệp này

Đối với phương án này chúng tôi lưu ý một số vấn đề sau đây:

a.      Tiêu chí để lựa chọn đối tác: Bạn cần đặt tiêu chí lựa chọn đối tác như: về nguồn lực tài chính; kinh nghiệm trong việc sản xuất sản phẩm tương tự; thế mạnh đối tác trong việc phân phối, bán sản phẩm…

b.      Hình thức hợp tác: bạn và đối tác có thể lựa chọn các hình thức hợp tác sau:

(1)   Hai bên sẽ hợp tác thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp này. Đối với hình thức này, bạn và đối tác cần thỏa thuận thống nhất một số nội dung cơ bản sau:

-          Lựa chọn loại hình doanh nghiệp;

-          Mức vốn điều lệ của doanh nghiệp;

-          Tài sản góp vốn và định giá tài sản góp vốn: theo đó bạn sẽ góp quyền sở hữu trí tuệ đối công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp đã được pháp luật công nhận dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc bí quyết kinh doanh, bạn và đối tác định giá quyền sở hữu trí tuệ có giá trị bao nhiêu tương đương bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ doanh nghiệp thành lập; đối tác góp bằng tiền hoặc nhà máy sản xuất (trong trường hợp đối tác có sẵn nhà máy sản xuất) tương đương bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ doanh nghiệp thành lập…;

-          Cơ cấu tổ chức quản lý điều hành doanh nghiệp và việc các bên cử người tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp như thế nào.

(2)   Hai bên sẽ hợp tác sản xuất sản phẩm thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không thành lập doanh nghiệp. Đối với hình thức này, bạn và đối tác cần thỏa thuận thống nhất một số nội dung cơ bản của hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm:

-          Điều khoản nội dung hợp tác;

-          Điều khoản thời hạn hợp tác;

-          Điều khoản kế hoạch hợp tác;

-          Điều khoản thành lập, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của ban điều phối  để thực hiện hợp đồng hợp tác (nếu các bên thấy cần thiết);

-          Điều khoản vốn đầu tư và góp vốn đầu tư: bạn sẽ góp quyền sở hữu trí tuệ đối công nghệ sản xuất sản phẩm nông nghiệp đã được pháp luật công nhận dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc bí quyết kinh doanh, bạn và đối tác định giá quyền sở hữu trí tuệ có giá trị bao nhiêu tương đương bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư; đối tác góp bằng tiền hoặc nhà máy sản xuất (trong trường hợp đối tác có sẵn nhà máy sản xuất) tương đương bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư …. Bạn nên lưu ý vấn đề định giá tài sản góp vốn tại thời điểm hợp tác làm ăn theo đúng các quy định tại Luật Doanh nghiệp, tránh gặp các rủi ro pháp lý sau này.

-          Điều khoản phân chia kết quả hợp tác;

-          Điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên;

-          Điều khoản phân công trách nhiệm nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính nhà nước phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh;

-          Điều khoản trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hợp tác;

-          Điều khoản chuyển nhượng hợp đồng hợp tác;

-          Điều khoản về việc chấm dứt hợp đồng;

-          Điều khoản biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (nếu các bên thấy cần thiết);

-          Điều khoản rõ lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp xảy ra là Tòa án hay Trọng tài. Trường hợp chọn Trọng tài, bạn lưu ý chỉ rõ là trung tâm trọng tài nào và xét xử theo quy tắc tộ tụng của trung tâm trọng tài nào. Nếu chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) giải quyết tranh chấp, bạn có thể quy định theo điều khoản trọng tài khuyến nghị của VIAC như sau:

Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

hoặc,

Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung:

(a) số lượng trọng tài viên là [một hoặc ba].

(b) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia].

(c) luật áp dụng cho hợp đồng là ……….. (chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài).

(d) ngôn ngữ trọng tài là …. (chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

-          Điều khoản hiệu lực của hợp đồng hợp tác kinh doanh;

Các Điều khoản khác căn cứ vào yêu cầu của các bên khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ngày trả lời: 20/09/2018 Lượt xem: 1685 Cơ quan trả lời: Cơ quan 1