Ưu tiên của startups trong từng giai đoạn phát triển là gì?
Trở thành một doanh nghiệp phát triển vững mạnh và có vị thế trên thị trường không phải là điều dễ dàng mà bất kỳ ai cũng làm được, điều này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau từ mô hình, chiến lược kinh doanh hợp lý đến nguồn vốn đủ lớn, nhân lực phù hợp, tiềm lực dồi dào,... Hơn thế, những người đứng đầu đơn vị kinh doanh cần biết đặt mục tiêu và hiểu việc gì nên ưu tiên trong từng giai đoạn phát triển của công ty. Bài viết này sẽ mang lại cho bạn cái nhìn tổng quát nhất.
Giai đoạn 1: Tìm kiếm thị trường và sản phẩm phù hợp
 
Sau khi đã phát triển ý tưởng và mô hình hoàn chỉnh cũng như đưa ra sản phẩm mẫu, mục tiêu chính của doanh nghiệp là đưa ra chiến lược phát triển hoàn chỉnh, bao gồm: tệp khách khách hàng, giá cả, doanh thu, chi phí dự kiến, mục tiêu,.. và tìm thị trường thích hợp với sản phẩm đặt ra. Hãy đảm bảo rằng bạn và cộng sự đã đánh giá thị trường kỹ lưỡng và khách quan, không bị chi phối bởi yếu tố giá và cơ hội nhất thời. Tiếp đến, hãy chứng minh giá trị của doanh nghiệp và tìm cách thu hút khách hàng tại thị trường đó.
 
Giai đoạn 2: Phát triển thị trường - Không ngừng cải thiện sản phẩm
 
Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp thực thi kế hoạch của mình tại thị trường đề ra. Lúc này, startup đã có sản phẩm và một lượng khách hàng nhất định, vì thế, hãy tận dụng điều này để ghi nhận ý kiến phản hồi từ khách hàng hoặc đánh giá từ họ để hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn. Thêm vào đó, startup ở giai đoạn này không nên quá “tham lam” trong việc thúc đẩy doanh số và bất chấp mở rộng thị trường khi chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy đi từng bước nhỏ!
 
Trên thực tế, thành công của doanh nghiệp BuyMed (một startup trong lĩnh vực công nghệ Y tế) là minh chứng rõ ràng cho ưu tiên của startup trong giai đoạn này. Theo đó, chính vì dẫn dắt công ty đi từng bước, thay đổi & phát triển dựa vào nhu cầu thị trường cũng như ưu tiên, chủ động đánh giá hiệu quả kinh doanh đã khiến startup này không ngừng cải thiện sản phẩm và nhanh chóng thu hút được đến 3 triệu USD từ các vòng gọi vốn trong Serie A từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Giai đoạn 3: Ổn định - ưu tiên nhìn lại quy trình quản lý và tuyển dụng
 
Nếu trụ được đến giai đoạn này,startup đã đi được nửa chặng đường tiến đến thành công. Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt cho việc phát triển và mở rộng trong thời gian đến, những người đứng đầu doanh nghiệp cần nhìn lại toàn bộ quy trình quản lý, đánh giá xem hoạt động quản lý nào là cần thiết hoặc không đáng tiếp tục để cải thiện quy trình và hiệu suất kinh doanh. Hơn thế, công ty bạn cũng nên có kế hoạch đào tạo và tuyển thêm nhiều nhân lực phù hợp, phân chia vị trí và phân quyền, xác định rõ vai trò công việc của từng người để họ có trách nhiệm với công việc của mình.
 
Giai đoạn 4: Tăng trưởng - tập trung mở rộng thị trường và phát triển mô hình
 
Sau khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn vốn, quy trình và nhân lực, công ty cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng quy mô nhằm nâng cao thị phần, vị thế, tăng doanh thu cũng như khẳng định được thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Vì thế, các hoạt động quảng bá, marketing rộng rãi hay liên tục đẩy mạnh doanh số là điều cần thiết phục vụ cho quá trình này. Người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch mở rộng thị trường đúng đắn, phù hợp với nhu cầu của thị trường và nền kinh tế trong thời gian này để giảm thiểu tối đa rủi ro.
 
Trên đây là những điều startup cần làm để đạt được mục tiêu và phát triển bền vững. Hi vọng rằng thông qua bài viết, doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về quá trình khởi nghiệp và xác định được mình đang ở vị trí, giai đoạn nào để đưa ra những chiến lược, mục tiêu và có ưu tiên phát triển phù hợp.