Khóa học Design Thinking - Nguồn lực của startup
Sau buổi học đầu tiên về Tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, học viên tiếp tục được tìm hiểu thêm những kiến thức chung về Vai trò của nhà sáng lập, Nguồn lực tài chính cho startup và Khái quát về Design Thinking
Nhắc đến startup, không thể không nhắc tới vai trò của các founder. Trước hết, một founder cần nắm bắt được tình hình thị trường (xu hướng, nhu cầu khách hàng, tính cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ) cũng như tình hình doanh nghiệp (khả năng cạnh tranh đối với doanh nghiệp khác, kinh phí sản xuất, nguồn nhân lực) để tìm ra cơ hội phát triển, tránh tình trạng rơi vào 10 lý do dẫn đến thất bại nêu trên, đặc biệt là vấn đề không đáp ứng được nhu cầu thị trường và kinh doanh không đúng thời điểm. Những startup nổi tiếng thế giới như Apple, Airbnb hay Microsoft có được thành công vang dội, trở thành những cái tên đầu tiên được nhắc đến trong lĩnh vực của họ, điều đó nhờ vào “tư duy đúng đắn và hành động đúng thời điểm” của các CEO Steve Jobs (Apple), Richard Branson (Airbnb) hay Bill Gates (Microsoft).
 
 

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp thường gặp phải đó là sự mâu thuẫn về tài sản và quyền điều hành doanh nghiệp, do vậy founder cần có định hướng rõ ràng cho sự phát triển của startup, đưa ra lựa chọn sáng suốt giữa tài sản và quyền điều hành doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn phát triển của mình.
 

Về tổng quan nguồn lực cần cho startup, ba nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của startup bao gồm: Nguồn lực con người (Human Capital), nguồn lực xã hội (Social Capital) và nguồn lực tài chính (Financial Capital). Trong đó, nguồn lực tài chính - hay còn gọi là vốn đầu tư dành cho startup, bao gồm nhiều giai đoạn có thể kể đến như sau: 

Vòng pre-seed: Lượng vốn đầu tư huy động được trong giai đoạn này chủ yếu nhằm xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là vòng tiền hạt giống (pre-seed round), mức đầu tư thường thấp hơn so với các vòng sau đó.

Vòng hạt giống (seed round): Số tiền đầu tư trong giai đoạn này nhằm mục đích giúp các startup xây dựng và cải tiến sản phẩm cho phù hợp với thị trường.

Các vòng Series A, B, C: Vốn đầu tư tại Series A hầu hết đến từ quỹ đầu tư nhằm giúp các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh và bước đầu tăng trưởng, mở rộng thị trường.

Các vòng series sau thường có giá trị lớn. Để huy động được lượng vốn lớn hơn từ thị trường thông qua IPO, các startup phải đạt đủ điều kiện theo quy định.


Bên cạnh những kiến thức tổng quan về khởi nghiệp, khoá học còn trang bị kiến thức về Design Thinking (Tư duy thiết kế). Phương pháp này bao gồm 5 giai đoạn: Emphasize - Thấu hiểu, Define - Nhận biết, Ideate - Lên ý tưởng, Prototype - Lên khuôn mẫu, Test - Thử nghiệm.

Mỗi giai đoạn đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vấn đề cần giải quyết thường không nằm trong tư duy của một cá nhân mà nằm ở nhu cầu của khách hàng, do vậy muốn có những giải pháp phù hợp, doanh nghiệp cần đặt mình vào vị trí khách hàng để hiểu rõ về giá trị mà họ đem lại. Thấu hiểu được vấn đề mà khách hàng đang gặp phải (emphasize), doanh nghiệp có thể nhận biết nhu cầu cũng như xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng (define), sau đó đưa ra mẫu ý tưởng (prototype) phù hợp. Thông qua quá trình thử nghiệm mẫu ý tưởng (test), công ty có thể nắm bắt về đối tượng khách hàng cũng như về sản phẩm/dịch vụ để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề của mình.

Design Thinking mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, bao gồm tăng khả năng tiếp cận thị trường nhanh gấp đôi, giảm thiểu tối đa lên tới 75% thời gian thiết kế và phát triển sản phẩm, ngoài ra cũng giúp giảm chi phí rủi ro và tăng lợi nhuận một cách hiệu quả (theo International Business Machines Corporation, 2018).
 


Không chỉ là một quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm, Design Thinking còn nằm ở sự phối hợp hài hoà và tâm huyết của cả đội ngũ doanh nghiệp dựa trên tinh thần thấu hiểu lẫn nhau cũng như thấu hiểu khách hàng và mục tiêu của họ thông qua những giải pháp “có tâm và có tầm”, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận phân khúc khách hàng mới.