Hệ sinh thái Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2019 (Phần 1)
Theo Báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, trong năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vươn lên đứng thứ ba trong số sáu quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% cho cả năm 2018, đứng thứ ba sau Indonesia (48%) và Singapore (25%).

GIỚI THIỆU

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp ngày càng được coi là một động cơ tăng trưởng cho cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay từ giai đoạn khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng được cải thiện với các thành tố chính trong hệ sinh thái từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng: Hành lang pháp lý đang dần được hình thành và hoàn thiện; số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự tăng trưởng ở cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công lập, hoạt động tích cực trong việc tìm kiếm doanh nghiệp khởi nghiệp để cố vấn, đầu tư.

Bên cạnh nguồn vốn của doanh nhân khởi nghiệp, nguồn vốn cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm nhiều loại hình: quỹ đầu tư; nhà đầu tư thiên thần; nguồn vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; nguồn ưu đãi tín dụng, vốn vay từ các ngân hàng, quỹ tài chính.

Cùng với sự bùng nổ của cơ sở vật chất dành cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là các khu làm việc chung, nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam đã bước đầu hình thành, hoạt động và có sự liên kết cao của các huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp chuyên nghiệp. Số tổ chức hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam của các tổ chức trung gian (cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh) tăng mạnh, từ 40 tổ chức năm 2018 tăng lên 61 tổ chức năm 2019.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã bước đầu tạo lập nền tảng kiến thức, văn hóa về khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong khối trường đại học, cao đẳng, lực lượng đoàn viên thanh niên tại các địa phương. Năng lực khởi nghiệp sáng tạo của lực lượng trẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã từng bước được nâng cao thông qua hoạt động đào tạo, huấn luyện, thuyết trình, tổ chức cuộc thi, tư vấn chuyên gia uy tín ở trong và ngoài nước trong khuôn khổ triển khai chính sách hỗ trợ từ Đề án 844.
 

Hình 1. Các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp (Nguồn: 2009, 2010, 2011 Daniel Isenberg)
 
Có thể thấy rằng các thành tố chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam: Chính sách, tài chính, văn hoá, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM NĂM 2019

Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê các thương vụ được công bố, tính đến cuối tháng 11/2019, đã có 29 thương vụ đầu tư với tổng giá trị 751 triệu USD.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang trở thành đích đến của các quỹ đầu tư Hàn Quốc khi số thương vụ ngày càng tăng, chiếm 30% tổng giao dịch, trong khi giai đoạn 2017 - 2018 phần lớn các giao dịch là từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore và Nhật Bản.

Hàng loạt sáng kiến và chương trình được triển khai tiếp thêm nguồn lực và động lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển, ví dụ như: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), được thành lập ngày 04/03/2019, là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). NSSC có chức năng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) là đầu mối dẫn dắt, kết nối và hỗ trợ các cơ sở ĐMST khác trong cả nước và cũng là phòng thí nghiệm về chính sách cũng như mô hình kết hợp giữa sự dẫn dắt của Nhà nước, cơ chế thị trường và sự tham gia của cả mạng lưới ĐMST, thu hút nhân tài của Việt Nam trên khắp thế giới.

Cùng với đó là sự tham gia tích cực từ phía các tập đoàn lớn, ví dụ như: Chương trình thúc đẩy kinh doanh VIISA (của tập đoàn FPT) đã mở đến mùa thứ 6, chọn lọc được các hạt giống tốt để ươm tạo; Tập đoàn Viettel tích cực tổ chức và tài trợ cho nhiều sự kiện khởi nghiệp như Viet Challenge, IOT Hackathon, Viettel Advanced Solution Track; Tập đoàn Vingroup phát triển mạnh định hướng công nghệ, hình thành quỹ Vintech City, Viện nghiên cứu VinAI, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup; Tập đoàn Asanzo thành lập Quỹ khởi nghiệp Asanzo Startup Fund...

Có thể thấy, các nguồn lực từ công nghệ, tài chính, con người, thông tin đang dần được hình thành và phát triển tại Việt Nam, tiếp sức cho hệ sinh thái ngày càng phát triển và năng động hơn.

CHÍNH SÁCH - HÀNH LANG PHÁP LÝ

• Luật 04/2017/QH14 - Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
• Nghị định 39/2018/NĐ-CP - Hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV 2017
• Luật 07/2017/QH14 - Chuyển giao công nghệ
• Nghị định 76/2018/NĐ-CP - Hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ
• Nghị định 34/2018/NĐ-CP - Thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV
• Nghị định 38/2018/NĐ-CP - Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo
• Luật 24/2018/QH14 - An ninh mạng
• Nghị định 55/2019/NĐ-CP - Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV
• Nghị định 13/2019/NĐ-CP - Doanh nghiệp KH&CN: Miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, ưu đãi thuế cho xuất nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất; hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi đối với doanh nghiệp KH&CN.

Về chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành tham mưu, xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (DNNVV) và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, trong đó có những nội dung hỗ trợ cho DNNVV khởi nghiệp ĐMST.

Ngoài những hỗ trợ trên, DNNVV cũng nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lý, được quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Cụ thể, DNNVV nhận được hỗ trợ về mặt tài chính đối với hoạt động tư vấn pháp luật tại các cơ quan nhà nước. Nghị định cũng quy định cơ chế hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình sang DNNVV, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

Về sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu, xây dựng Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Về việc thúc đẩy thu hút nguồn đầu tư trong nước, quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Công văn số 1128/ TTg-ĐMDN ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp, nghiên cứu đề xuất, ban hành các chính sách mới về thu hút nguồn đầu tư từ đại chúng như cơ chế thử nghiệm về gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng; hình thành Hiệp hội nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; cử đại diện khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tại các quốc gia phát triển; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho đầu tư và lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/ NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó có các định hướng xây dựng chính sách tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, cụ thể:

- Bổ sung các quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của ngân sách nhà nước, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh;

- Phát huy Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty;

- Hoàn thiện hệ thống thể chế để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp;

- Phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia;

- Đẩy mạnh cơ cấu lại chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, trong đó nổi bật là quy định miễn thuế cho doanh nghiệp KH&CN, cụ thể: Thu nhập của doanh nghiệp KH&CN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể được hưởng rất nhiều ưu đãi khi đăng ký là doanh nghiệp KH&CN.

Về đầu tư cho khởi nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 Quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV KNST và Nghị định số 34/2018/ NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

HỆ THỐNG THỂ CHẾ HỖ TRỢ

Từ khi Thủ tướng Chính phủ xác định năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, các đề án và các chính sách hỗ trợ lần lượt ra đời nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời, cũng dần hình thành các bộ phận, đơn vị chuyên trách.

Một số đầu mối tích cực trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như Bộ Khoa học và Công nghệ với sự tham gia của Văn phòng Đề án 844, Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, đại diện KH&CN của Việt Nam tại một số quốc gia.

Đến nay 52 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai. Một số tỉnh, thành phố giao cho Sở Khoa học và Công nghệ (39 tỉnh) là đầu mối triển khai; một số tỉnh, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (13 tỉnh).

CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ

Xét ở khía cạnh mục tiêu, đối tượng thì có 3 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ với mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
 

Hình 2. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp
 

ĐỀ ÁN 844

Tính đến tháng 3/2020, qua 4 năm thực hiện, Bộ KH&CN đã tiến hành tiếp nhận hơn 200 hồ sơ của các tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ Đề án. Tổ chức tuyển chọn được 58 đơn vị chủ trì và 44 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm để triển khai 82 nhiệm vụ của Đề án trong toàn quốc.

Đến hết năm 2019, Đề án 844 do Bộ KH&CN chủ trì triển khai đã hỗ trợ tổ chức 244 khóa đào tạo, hướng tới việc huy động các chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên gia quốc tế để đào tạo, nâng cao năng lực cho các đối tượng chính là cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, các giảng viên, cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp và lãnh đạo các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng thời Đề án cũng tập trung ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ (pháp lý, tài chính, sở hữu trí tuệ,...) và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt  là các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào công nghệ.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đã xây dựng nhiều tài liệu đào tạo, cẩm nang như sổ tay pháp lý, cẩm nang hướng dẫn Thực hành Cố vấn khởi nghiệp, tài liệu Hướng dẫn Thực hành đầu tư cá nhân...

Một số nhiệm vụ được Đề án 844 hỗ trợ có kết quả về gọi vốn như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã thực hiện các hoạt động kết nối đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với tổng giá trị lên tới 37 tỷ đồng. Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp (BSA) đã hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Hay như startup Liberzy, một startup tiêu biểu trong chương trình ươm tạo của Sông Hàn Incubator, đã kêu gọi thành công 11.000 USD trên chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa 3 (Shark Tank).

Năm 2019, Đề án 844 đã tổ chức gần 140 sự kiện khởi nghiệp, trong đó có gần 36% sự kiện quy mô lớn với hơn 500 người tham dự, và 64% sự kiện quy mô vừa và nhỏ khoảng từ 100 - 200 người tham dự. 

Các sự kiện ngày càng tập trung vào tính liên kết quốc tế để phát triển thị trường, huy động nguồn lực quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Với xu hướng đó, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm 2019 (Techfest 2019) đã được tổ chức tại các nước có hoạt động khởi nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) nằm trong top 10 cuộc thi khởi nghiệp ĐMST quốc gia qua các năm đã bước đầu đạt được nhiều thành tựu lớn như Abivin vinh dự vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của cuộc thi Startup Worldcup giành giải thưởng 1.000.000 USD đầu tư, Medlink, DNKN trong ngành Dược đoạt giải nhất Vietchallenge trị giá 25.000 USD hay như Finhay đã nhận gần 1.000.000 USD từ Insignia Venture Partners và các nhà đầu tư khác vào đầu năm 2019 ở lĩnh vực công nghệ tài chính.

ĐỀ ÁN 1665

Đề án 1665 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/10/2017 tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính là truyền thông, hỗ trợ đào tạo, xây dựng môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp.

Sau một thời gian triển khai, Đề án đã đạt được những thành công nhất định. Về công tác truyền thông Bộ Giáo dục và Đào tạo duy trì đều đặn các bài viết trên các cổng thông tin về khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, các video clip tuyên truyền, giới thiệu về Đề án và các hoạt động của Đề án tại địa phương, kết quả là 90% các Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1665, tích cực giới thiệu cho học sinh biết đến hệ thống thông tin hỗ trợ khởi nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đối tác như Hội đồng Anh, Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục NOVA, JA Việt Nam để xây dựng, hoàn thiện, thẩm định các bộ tài liệu: Hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo, hướng dẫn kỹ năng tài chính - hướng nghiệp - khởi nghiệp cho học sinh phổ thông, kỹ năng nền tảng cốt lõi để khởi nghiệp thành công cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức dành cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên hướng nghiệp, sinh viên, về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học cho 3 cơ sở đào tạo tại 3 miền, xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ hướng nghiệp khởi nghiệp online với mục đích giúp các bạn sinh viên có được cái nhìn tổng thể về các cơ sở đào tạo và hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ sở đào tạo.

50% cơ sở đào tạo đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; có khoảng 20 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh sinh viên; một số trường đại học lớn đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế; một số dự án được hỗ trợ nguồn vốn để thương mại hóa sản phẩm và được người tiêu dùng đánh giá cao; một số ít cơ sở đào tạo đã nhận được nguồn hỗ trợ cho nghiên cứu triển khai thử nghiệm các dự án.

ĐỀ ÁN 939

Năm 2019, Đề án 939 đã được Hội LHPN các cấp hưởng ứng và triển khai tích cực ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và đạt được một số kết quả nổi bật.

Các hoạt động chính được triển khai ở các tỉnh tập trung vào mục đích hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp, bao gồm việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để hướng dẫn lại cho cán bộ hội cấp cơ sở và trực tiếp hướng dẫn cho hội viên phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp, hoạt động tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, liên kết với các tổ chức, nhà đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Trung ương Hội đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho giảng viên về hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng quản trị thương hiệu, kỹ năng kinh doanh số... cho 380 cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh, huyện của 63 tỉnh/thành tại Hà Nội, Sơn La, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Cần Thơ, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh.

Ở cấp tỉnh, huyện đã có 34.342 cán bộ Hội và cán bộ của một số ban ngành được tập huấn về Đề án.
Các cấp Hội đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận nguồn tín dụng thông qua hoạt động phối hợp với các ngân hàng, các chương trình/dự án, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ phụ nữ vốn vay.

Năm 2019 hoạt động hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể đã được đẩy mạnh. Đã có 196 hợp tác xã, 1.067 tổ hợp tác/liên kết được thành lập; hơn 4000 cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác được đào tạo nâng cao năng lực.

Trong năm 2019, Hội LHPN cấp tỉnh đã phối hợp thành lập 42 Hội/CLB doanh nhân nữ, 48 CLB/vườn ươm khởi nghiệp, tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng tại 3 miền, Hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn; Triển lãm “Hành trình phụ nữ khởi nghiệp”.
Về hoạt động mở rộng thị trường, Hội LHPN các cấp đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm như tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ mua bán sản phẩm, đưa hàng vào siêu thị... 

Tiêu biểu, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã hỗ trợ trên 300 nữ doanh nhân tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phát triển các hợp đồng tiêu thụ hàng Việt trị giá hàng tỷ đồng tại thị trường Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc.