3 mô hình công nghệ nông nghiệp AgriTech đầy tiềm năng bạn cần biết
Trong những năm gần đây, lĩnh vực AgriTech (công nghệ nông nghiệp) tại các nước đang phát triển đã, đang trở thành xu hướng và đem lại những kết quả quan trọng. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp startup AgriTech công nghệ cao tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam,... được một số quỹ toàn cầu đầu tư trực tiếp và huy động được gần 17 tỷ USD nguồn vốn chỉ trong năm 2020, tăng đến 43% so với 1 năm trước. Đây là bằng chứng rõ ràng cho việc nỗ lực tập trung phát triển hiệu quả nền nông nghiệp của chính phủ và doanh nghiệp.

Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy với những cải tiến công nghệ nhằm không bị bỏ lại phía sau và trở nên tụt hậu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn 3 mô hình AgriTech đầy tiềm năng.

Mô hình canh tác thông minh

Phương pháp canh tác thông minh được phát triển dựa trên quá trình kiểm tra và nghiên cứu trước đó nhằm giúp quá trình trồng trọt trong trang trại và đồng ruộng trở nên hiệu quả và tối ưu hơn. Một số mô hình canh tác thông minh được các startup AgriTech áp dụng bao gồm:

  • Tưới tiêu tự động: Giúp tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường

  • Sử dụng sản phẩm dự báo thời tiết: tối ưu hóa việc gieo trồng và thu hoạch cây trồng 

  • Sử dụng các cảm biến, vệ tinh, máy bay không người lái: để đưa ra phán đoán chính xác cho các loại cây trồng và tính chất đất khác nhau để canh tác chính xác.

  • Canh tác theo phương thẳng đứng: trồng nông sản theo các lớp thẳng đứng bằng cách sử dụng hệ thống tưới nước thích hợp, bổ sung đầy đủ ánh sáng, oxy và các loại khí cần thiết ở không gian đô thị chật hẹp.

  • Thủy canh: là phương pháp trồng cây mà không cần đất, cung cấp các chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết qua nước với liều lượng chuẩn. Giúp cây trồng tránh khỏi tác động của biến đổi khí hậu.

 

Mô hình cung cấp các sản phẩm công nghệ cho nhà nông

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chân tay tại các nước phát triển cũng như tối ưu hóa chi phí sản xuất, nhiều startup đẩy mạnh mô hình cung cấp các sản phẩm công nghệ vượt trội, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào quá trình trồng trọt, thu hoạch. Không thể phủ nhận rằng, điều này đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi so với cách làm truyền thống.

Những startup điển hình triển khai hiệu quả mô hình này có thể kể đến Augmenta (Hy Lạp) với hệ thống robot thông minh Field Field Analyzer, dễ dàng giúp nông dân bón phân, phun thuốc trừ sâu và thu hoạch trái cây một cách chính xác nhất. Đặc biệt hơn cả, người nông dân có theo dõi tiến trình làm việc của những robot này thông qua thiết bị thông minh từ xa trong thời gian thực. Điều này đã giúp cải thiện chất lượng cây trồng đến 20%, tăng năng suất cây trồng lên 12% và giảm khối lượng sử dụng phân bón xuống còn 15%.

Ngoài ra, việc sử dụng BigData (dữ liệu lớn) nhằm tìm hiểu và phân tích các yếu tố liên quan đến đất trồng, lượng mưa, sản lượng,... để có hướng trồng trọt hợp lý hay ứng dụng công nghệ Blockchain (công nghệ chuỗi khối) trong chuỗi cung ứng để truy xuất nguồn gốc và thống kê nông sản tạo sự yên tâm cho khách hàng cũng được đẩy mạnh.

Mô hình kết nối nông dân với các nhà đầu tư quy mô nhỏ

Để nông dân yên tâm về vấn đề đầu ra cũng như xoay sở được nguồn vốn đầu tư trong quá trình trồng trọt, một số startup AgriTech đã đầu tư nền tảng kỹ thuật số giúp kết nối nhà nông với các nhà đầu tư có quy mô nhỏ dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuyệt vời hơn, điều này còn giúp các doanh nghiệp startup tìm được nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dùng theo đúng yêu cầu đặt ra nhằm phục vụ quá trình sản xuất và kinh doanh.

Một doanh nghiệp thành công điển hình với mô hình này có thể kể đến Farmcrowdy (Nigeria, Tây Phi), Với ứng dụng này, doanh nghiệp nhỏ có thể biết được nhu cầu và tài trợ kinh phí cho người nông trong mùa vụ và thu lại sản phẩm sau thu hoạch. Hơn thế còn giúp giảm tình trạng đói nghèo thông qua thúc đẩy sản xuất lương thực ở những nước nghèo. Với hơn 25.000 nông dân tham gia, Farmcrowdy đã nhanh chóng phát triển kể từ khi ra mắt.

Những mô hình AgriTech mà các doanh nghiệp startup đang áp dụng trên chính là điển hình  của việc thay đổi thành công quy trình nông nghiệp trong thời kỳ cách mạng số. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai, các startup cần không ngừng cải thiện và linh hoạt hơn nữa trong nhằm khẳng định tên tuổi và vị thế của mình trong tâm trí khách hàng.