Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025
Vneconomy.vn - Phát triển doanh nghiệp số gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số...

Mục tiêu, quan điểm này được đưa ra trong dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến.

Theo dự thảo, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, Chính phủ số dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, phát triển các yếu tố nền tảng mang tính tạo nền móng cơ bản, thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Kinh tế số và xã hội số là hai mặt không tách rời của quá trình chuyển đổi số cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương. Phát triển kinh tế số mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành xã hội số. Trong phát triển xã hội số, người dân thành thạo kỹ năng số sẽ hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ số, từ đó nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ số.

Dự thảo chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số với kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GDP, tạo nền móng vững chắc để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, xã hội số an toàn, nhân văn, rộng khắp, cải thiện chất lượng cuộc sống, người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn, góp phần giải quyết các vấn đề thiên niên kỷ về phát triển bền vững, bao trùm.

 



Dự thảo cũng đặt mục tiêu cụ thể trong phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, danh tính số, thanh toán số, kỹ năng số, nhân lực số, doanh nghiệp số, phát triển môi trường số an toàn lành mạnh và cải thiện xếp hạng quốc gia.

Dự thảo chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số với kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GDP...

Cụ thể, đến năm 2025 đặt mục tiêu đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng chuyển đổi số đạt 75%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng tên miền .vn đạt 75% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

Dự thảo xác định phát triển doanh nghiệp số gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030.

Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hóa đơn điện tử phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép thanh toán hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử.

Cùng với đó sẽ triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; khảo sát, phân nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và quy mô. Đặc biệt, sẽ đánh giá, giới thiệu các nền tảng số xuất sắc Make in Việt Nam phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng phân nhóm, kết hợp với tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số, ... Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động theo từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương.

Trước đó, tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam diễn ra cuối tháng 12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau một năm Chỉ thị 01 của Thủ tướng về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ban hành, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%, với cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp./.

 

Theo Bản tin khởi nghiệp số 28.2021