Các Shark lý giải vì sao Việt Nam chưa có nhiều startup vươn ra toàn cầu
Hai nhà đầu tư kỳ cựu của chương trình Shark Tank đã có những nhận định đối lập về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng như lý do vì sao nhiều startup Việt hiện nay chưa thể vươn mình ra khu vực cũng như thị trường toàn cầu.

Ngày 05/08/2021, Talk show Nguy Cơ có sự góp mặt của shark Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Vingroup Ventures, và đồng thời là chủ thương hiệu thời trang riêng Rita Phil, sau khi cô quyết định rời bỏ "giấc mơ Mỹ" của mình và trở về Việt Nam làm việc từ năm 2008. 

Bạn đồng hành của shark Linh trong talkshow lần này là shark Louis Nguyễn (Nguyễn Thế Lữ), chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) và được biết đến như là một nhà đầu tư lão luyện trong giới tài chính với kinh nghiệm làm việc tại Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng nhanh nhưng chưa có "lối ra" rõ ràng

Nhận xét về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, hai vị khách mời đã có những ý kiến đối lập. Shark Linh, sau khi trở về và hòa vào hệ sinh thái tại Việt Nam, nhận định 10 năm trước, Việt Nam còn rất non trẻ, không có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công với những vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, vòng gọi vốn series A hay E,F,G, v.v. thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Các startup Việt cũng đã trưởng thành và thực tế hơn về cách xây dựng hay phát triển một công ty. Đồng thời, với kinh nghiệm sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ, Shark Linh nhận xét thị trường Mỹ lớn hơn so với Việt Nam, nhưng Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với Mỹ gấp nhiều lần. Vì vậy, đầu tư ở Việt Nam có tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội hơn trong cuộc đua đường dài.

Đối lập với quan điểm của shark Thái Vân Linh, shark Louis Nguyễn cho rằng dù hiện nay, hệ sinh thái đã được hình thành, các thuật ngữ như "doanh nghiệp khởi nghiệp" hay "kỳ lân" đã trở nên phổ biến hơn, nhưng hệ sinh thái này vẫn chưa thể gọi là hoàn thiện. 

Khi tham gia vào một thị trường, ngay cả khi nó có tốc độ tăng trưởng tốt, các startup cũng cần chứng minh được doanh nghiệp của họ đã có "lối ra" thành công với bội số tốt để thu hút các nhà đầu tư. Để thuyết phục được shark Louis, các startup phải có chiến lược tấn công thị trường khu vực và có cách "hạ cánh" dự án rõ ràng, đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư về một thị trường Việt Nam sôi động. Kết luận quan điểm trên, shark Louis cho rằng chúng ta nên lạc quan, nhưng phải có một "cái đầu lạnh" để nhìn nhận vấn đề thực tế.

Việt Nam chưa có nhiều công ty vươn ra toàn cầu, do công nghệ, tiếp thị hay tài chính?

Với góc nhìn của một doanh nhân có thế mạnh về tiếp thị và truyền thông, shark Linh cho rằng, bí quyết để thành công bền vững của một doanh nghiệp nằm ở các bước: tạo ra sản phẩm và bán được sản phẩm. Các doanh nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng công nghệ cao nhưng chưa nắm rõ khả năng tiếp thị, khả năng tạo thông điệp, và khả năng truyền đạt thông tin đến khách hàng. 

Vì vậy, khi muốn chiếm lĩnh thị trường khu vực hay quốc tế, các kỹ năng mềm bị thiếu sót đã trở thành một rào cản cho doanh nghiệp Việt. Để làm rõ về sức mạnh truyền thông và tiếp thị, Shark Linh cũng nhắc đến câu chuyện của hai "người khổng lồ" là Samsung và Apple.

Khác với nhận định của shark Linh, shark Louis cho rằng, các nhà đầu tư có xu hướng "đi săn" các thỏa thuận. Khi một doanh nghiệp sở hữu một công nghệ đột phá, mang tính toàn cầu, hay đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư, thì danh tiếng của một doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư tiềm năng, đó là câu chuyện "trước khi tiếp thị". 

Để có thể tiếp cận được thị trường lớn, trước hết, doanh nghiệp phải nghĩ một cách nghiêm túc đến rào cản gia nhập, cụ thể là quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhà đầu tư. Ngoài ra, shark Louis còn chia sẻ một ví dụ thú vị về sao chép công nghệ. Doanh nghiệp có thể sở hữu độc quyền một sản phẩm, cũng có thể sao chép công nghệ từ một mô hình thành công. Dù vậy, để có thể đi nhanh, doanh nghiệp cần có vốn và "một đội hình trong mơ."

Yếu tố con người: Trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp và sự minh bạch

Host Nguyễn Phi Vân cho rằng, dù là yếu tố tiếp thị hay yếu tố công nghệ, cốt lõi của rào cản doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới chính là yếu tố con người. Một doanh nghiệp mạnh là khi mỗi cá nhân đều là yếu tố quan trọng quyết định hướng đi của doanh nghiệp.

Cả hai khách mời cùng đồng ý rằng để có thể tiếp cận tốt với thị trường quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp cần phải có những thành viên am hiểu về văn hóa của thị trường mà doanh nghiệp đang hướng đến. Ví dụ, để có thể thu hút được các nhà đầu tư tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, thì một doanh nghiệp châu Á phải có một người phát ngôn có vốn tiếng Anh vững chắc và am hiểu văn hóa bản địa, nhân tố này có thể tìm thấy ở chính thị trường mục tiêu. 

Sở hữu những nhân tố có thực lực và đã có thời gian trải nghiệm lâu dài tại môi trường bản địa, doanh nghiệp sẽ có một chiếc cầu nối vững chắc với các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư thấu hiểu và nhận thấy sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Tiêu biểu là những "anh lớn" là Vingroup, Masan và FPT. Họ luôn có một người phát ngôn thông thạo tiếng Anh 100% ở các hội nghị với đối tác.

Shark Louis bổ sung, yếu tố quan trọng khác mà một doanh nghiệp cần phải có là tính minh bạch trong tổ chức. Một trong những rào cản lớn nhất của các startup Việt Nam là sự không thẳng thắn trong khâu phân bố nhiệm vụ và chế độ phúc lợi khi hoàn thành KPI. Louis lấy ví dụ, khi một doanh nghiệp có một người kiêm nhiệm nhiều công việc, và họ hoàn thành KPI cho các đầu việc được giao, nhưng họ không được trả công tương xứng, phần nhiều là làm không công. 

Từ đó, nhân viên rất dễ có tâm lý ngại cống hiến vì họ sẽ không nhận được phúc lợi xứng đáng. Đó là một bài toán trong khâu quản trị.

Một yếu tố quan trọng khác cũng quyết định vào sự thành công của doanh nghiệp khi lấn sân sang thị trường quốc tế là yếu tố văn hóa. Shark Linh đã có những ví dụ thú vị về văn hóa bánh mì tại Việt Nam và văn hóa kem gelato tại Ý, cùng sự thất bại của Subway trong nỗ lực tiến vào thị trường Việt Nam, cũng như thất bại của Ben & Jerry’s khi tiến vào thị trường Ý. 

Khi một doanh nghiệp nhắm đến một thị trường mục tiêu, điều quan trọng là doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường và văn hóa tại quốc gia đó và tìm cách thích nghi sản phẩm của mình tại thị trường. Không nên cố gắng tiến vào nhiều thị trường cùng một lúc vì bạn sẽ không thành công ở đâu cả. Điều này cũng tương tự với việc tìm kiếm nhà đầu tư. Để có thể thu hút nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp phải xác định được "khẩu vị" của nhà đầu tư đó và thuyết phục họ những gì mà họ muốn nghe.

Tập 7 Talkshow Nguy Cơ mang đến một cuộc tranh luận sôi nổi giữa một cô "cá mập" Thái Vân Linh mềm mỏng, luôn lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp Việt, song hành với anh "cá mập" với góc nhìn nghiêm khắc, thực tế, luôn chỉ ra rất nhiều khoảng trống mà các startup có thể lấp đầy tại thị trường Việt Nam . Mặc dù có những ý kiến bất đồng nhưng vẫn có những điểm tương quan trong ý kiến của các shark.

Đầu tiên, đó là văn hóa bánh mì mà shark Thái Vân Linh nhắc đến. Doanh nghiệp nên hiểu về văn hóa trước khi tiến ra thị trường thế giới. Cần phải thích nghi, phải tìm hiểu thị trường, và phải nghiêm túc nghiên cứu thị trường trước khi đưa ra sản phẩm nào đó.

Điều thứ hai, shark Louis Nguyễn chia sẻ là tính minh bạch. Điều này cực kỳ quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào các doanh nghiệp này. Sự minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được niềm tin cũng như nguồn vốn của nhà đầu tư.

Cả hai vị khách mời đều đồng ý rằng tiếng Anh, giao tiếp và marketing đều quan trọng để doanh nghiệp tiếp thị bản thân cũng như sản phẩm và dịch vụ của mình ra thị trường quốc tế.

 

Theo: ETime