Chiến lược nào để vượt qua các thử thách mà các startup foodtech thường gặp phải
Cùng với cuộc chạy đua công nghệ ngày càng khốc liệt ở nhiều lĩnh vực, các công ty khởi nghiệp về công nghệ thực phẩm (startup FoodTech) đang ngày càng nhận được sự công nhận của thị trường. Với việc liên tục đổi mới, phát triển công nghệ từ tự động hóa dây chuyền đến việc tạo ra các loại thịt sạch và protein thay thế không chỉ ngon mà còn đảm bảo dinh dưỡng, các công ty này đã và đang góp phần tối ưu hóa khâu sản xuất và dần hình thành chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Trong số đó, đâu là các doanh nghiệp startup FoodTech nổi bật? Những thử thách thường gặp và chiến lược để vượt qua vấn đề đó là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn qua bài viết này!

Điểm qua những startup FoodTech ghi dấu ấn trên thị trường

Grain - Singapore

Là một dịch vụ thiết kế kế hoạch ăn hàng tuần cho những người bận rộn, startup Grain tập trung vào việc cung cấp một loạt các món ăn độc đáo cho khách hàng của mình, từ các món ăn địa phương đến những món ăn được yêu thích với sự biến tấu độc đáo. Tại Grain, thực đơn sẽ được thay đổi hàng tuần thông qua ứng dụng để khách hàng sẽ không cảm thấy nhàm chán. Giá cả mỗi thực đơn dao động từ 10,95 - 19,95 đô la Singapore với phí giao hàng khác nhau.
 

Grain cung cấp các thực đơn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng cho khách hàng

Rebellyous Foods

Một cái tên lớn khá thành công trên thị trường FoodTech tại Mỹ chính  là Rebellyous Foods. Với việc sản xuất các loại thịt được làm bằng 100% nguyên liệu nguồn gốc thực vật, Rebellyous Foods đã thành công khi nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Đây cũng là startup vừa trải qua đợt IPO (Phát hành công khai lần đầu) lớn nhất vào năm 2019 và được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng tốt trong tương lai (giá cổ phiếu tăng 645%, cao nhất trong phiên giao dịch). Đến nay, startup này vẫn đang cố gắng mở rộng thị trường và điều chỉnh giá hợp cạnh tranh hơn nhằm hướng đến các đối tượng khách hàng bình dân.
 

Các thử thách mà startup FoodTech thường gặp phải

Dù là một thị trường tiềm năng, đạt được sự tăng trưởng gấp 10 lần so với con số 2,4 tỷ đô la được đầu tư chỉ 5 năm trước trên toàn cầu, những startup FoodTech cũng gặp không ít thử thách nhất định, điển hình như:
 

Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

Ngành công nghiệp thực phẩm thế giới đã và đang tiêu thụ 30% năng lượng và thải ra đến 22% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG). Vì vậy, việc sử dụng công nghệ tối ưu hóa sản xuất nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường là bài toán mà startup FoodTech nào cũng cần phải giải quyết.
 

Yêu cầu về công nghệ cao

Tại các startup FoodTech, công nghệ được xem là yếu tố nòng cốt quyết định sự thành công của 1 doanh nghiệp. Việc lựa chọn, nghiên cứu thị trường, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra công nghệ vượt trội, chưa từng tồn tại trên toàn cầu với nguồn vốn hạn hẹp là thử thách  mà bất kỳ người sáng lập nào cũng gặp phải.
 

Áp lực khi là người tiên phong

Việc trở thành người tiên phong trong lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được các đòi hỏi cao của khách hàng cũng khiến không ít startup áp lực, đặc biệt hơn khi thực phẩm đã được bán đa dạng trên thị trường. Hơn thế, việc thay đổi thói quen khách hàng hay doanh nghiệp để thuyết phục họ trải nghiệm, sử dụng sản phẩm cũng là điều không dễ dàng.


Chiến lược nào để startup FoodTech giải quyết vấn đề

Nhờ những chiến lược sau đây, hàng loạt startup FoodTech đã giải quyết được một số thách thức quan trọng, có thể kể đến như:
 

Giảm chất thải bằng việc nâng cao công nghệ quản lý

Bằng việc thu gom và sử dụng ‘lương thực dư thừa’, biến nó thành các sản phẩm tiêu thụ được như bánh mì nướng, snack,... những doanh nghiệp như Barilla hay ToastAle đang thành công rực rỡ và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
 
Ngoài ra, bao bì làm bằng vật liệu phân hủy sinh học cũng đang trở thành xu hướng chủ đạo được nhiều nhà sản xuất lớn thực hiện chuyển đổi, trong đó có Nestle.
 

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng bao bì sinh học
 

Cá nhân hóa người dùng

Tại Grain và các công ty tương tự, việc cá nhân hóa và giải quyết tốt nhu cầu của khách hàng cũng giúp họ ghi dấu ấn tích cực trong quá trình trải nghiệm. Điển hình là việc lên thực đơn bữa ăn tùy theo từng cá nhân, thay đổi món ăn theo từng tuần để không bị ngán hoặc theo dõi lượng calo nạp vào hàng ngày chính là điểm cộng giúp công ty này được nhiều khách hàng ưa chuộng.
 

Không ngừng nghiên cứu và tạo ra các thực phẩm thay thế từ thực vật

Sản xuất thịt nhân tạo như tại Rebellyous Foods, muối chứa hàm lượng natri thấp, rau quả không hóa chất,... chính là những điểm nhấn mà các startup này tận dụng triệt để nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng.
 

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Các startup này kết hợp với siêu thị để bắt đầu sử dụng công nghệ blockchain nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu nguồn gốc sản phẩm họ sở hữu, góp phần đảm bảo chất lượng thực phẩm và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
 
Có thể khẳng định rằng, công nghệ sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc sản xuất và chế biến thực phẩm. Vì vậy, việc đầu tư vào các startup FoodTech sẽ được nhiều “ông lớn” quan tâm để cho ra hệ thống thực phẩm lành mạnh, bền vững và chất lượng hơn trên toàn cầu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng ở các nước phát triển. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những ai biết nắm bắt.