“Nữ hoàng khởi nghiệp” và câu chuyện truyền cảm hứng
Đêm vinh danh 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes vừa qua, Ban tổ chức đã xướng tên Trương Thanh Thủy – cô gái trẻ 32 tuổi được mệnh danh “Nữ hoàng khởi nghiệp”. Thủy hiện đang là người truyền cảm hứng lớn trong cộng đồng startup cũng như trong giới trẻ Việt. Cô đang bận rộn với những dự án vì cộng đồng những bệnh nhân ung thư Việt Nam – những người cũng đang phải chiến đấu can trường với tử thần như chính cô.

Trương Thanh Thủy – cô gái trẻ 32 tuổi được mệnh danh “Nữ hoàng khởi nghiệp”

Thủy là một ngôi sao đang lên trong giới khởi nghiệp. Cô lọt vào trong cả 2 danh sách: Những ngôi sao đang lên dưới tuổi 30 (30Under30) và 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn. Cô cũng được tạp chí BBC Business mệnh danh là Nữ hoàng startup.

“Nữ hoàng khởi nghiệp”

Trương Thanh Thủy theo gia đình sang Mỹ định cư năm 2003. Cô học ngành khoa học máy tính thuộc đại học NamCalifornia. Năm 2008, tốt nghiệp đại học, thay vì tìm kiếm một công việc trên đất Mỹ thì cô trở về Biên Hòa (Đồng Nai, nơi cô sinh ra) để khởi nghiệp.

Ban đầu, cô mở công ty kinh doanh sữa chua đông lạnh. Sau ba năm, công ty phải đóng cửa. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó Thủy đã “thai nghén” dự án khởi nghiệp thứ hai mang tên GreenGar. Công ty được biết đến với ứng dụng vẽ hình tương tác Whiteboard. Ứng dụng công nghệ này đã đạt được 9 triệu lượt tải trong bốn năm đầu hoạt động nhưng rồi cũng thất bại trong việc mở rộng quy mô.

Bại không nản, cô tiếp tục khởi nghiệp lần thứ ba với dự án ứng dụng tin nhắn Tappy. Hơn 10 tháng sau khi xuất hiện, ứng dụng được một công ty công nghệ tại thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại với nhiều triệu đô la Mỹ. Trương Thanh Thủy được truyền thông trong và ngoài nước mệnh danh là “nữ hoàng khởi nghiệp của Việt Nam”.
Tuy nhiên, câu chuyện về một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam năm 2016 không chỉ dừng lại ở danh hiệu “Nữ hoàng startup” hay “Cô gái triệu đô”. Chuyện về Thủy còn là một câu chuyện xúc động và truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Giấc mơ “không ai phải chống chọi với ung thư một mình”
 
Năm 21 tuổi, Thủy đã từng trải qua một ca phẫu thuật cắt bỏ khối u. Kể từ đó, cô quyết định mỗi ngày đều phải sống như ngày cuối cùng với rất nhiều đam mê và hoài bão. Cô không cảm thấy mình có điều gì hối tiếc trên đời. Tuy nhiên, định mệnh lại một lần nữa lái cuộc đời của Thủy sang một con đường khác, bi thương, đau đớn nhưng cũng đẹp lộng lẫy.
Khi đang bước trên con đường thênh thang của tuổi trẻ với rất nhiều kế hoạch lớn, những thành công vượt ra ngoài biên giới quốc gia, Thủy bất ngờ nhận tin sét đánh: Cô đã mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, thời gian của cô chỉ còn tính bằng ngày.
 
https://khoinghieptre.vn/wp-content/uploads/2017/09/photo-1.jpg
Trương Thanh Thủy trong một buổi giao lưu tại Mỹ
 
Thủy khóc, tuyệt vọng, hoảng loạn, sợ hãi… Ai cũng có quyền được khóc lóc, tuyệt vọng, sợ hãi trước căn bệnh gớm ghiếc ấy. Tuy nhiên, cô gái can đảm đã không lựa chọn đối diện với cuộc đời theo cách đó. Vậy là cô quyết định biến những ngày chiến đấu can trường với căn bệnh ung thư của mình thành quãng thời gian cống hiến tận lực cho cộng đồng.
“Ai cũng phải chết, cho dù có ung thư hay không. Tuy nhiên, cuộc đời này quá nhiều tình yêu thương, quá nhiều trải nghiệm chờ đón ta, quá nhiều việc ý nghĩa phải làm… Căn bệnh ung thư cho tôi biết rằng thời gian của chúng ta đều hữu hạn, hãy dồn hết sức để cảm nhận và vun vén cho những hạnh phúc mà ta đang có”, Thủy tâm sự.
Là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, Thủy cảm nhận và hiểu được sự tuyệt vọng của những người cùng cảnh ngộ. Cô thấy mình may mắn có điều kiện để điều trị tại Mỹ và bản thân cô đủ kỹ năng để tự trang bị kiến thức về bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ung thư ở Việt Nam thì không được như cô.
Thủy cũng nhận ra rằng chính sự hoang mang, tuyệt vọng, thiếu thông tin mới chính là kẻ thù lớn nhất không chỉ với bệnh nhân ung thư và người nhà của họ. Điều này đã đẩy những bệnh nhân ung thư vào hố sâu của lo lắng, tuyệt vọng, hoảng loạn. Vì vậy, cuộc chiến với ung thư của các bệnh nhân càng tồi tệ hơn.
Nghĩ vậy nên Thủy đã quyết định sẽ không chiến đấu chống lại ung thư một mình. Cô muốn đoàn kết tất cả mọi người để cùng chiến đấu với bệnh tật. Thủy đã cùng những người bạn thành lập tổ chức Salt Cancer Initative, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung hỗ trợ thông tin và cổ vũ ý chí của những người phải đối mặt với căn bệnh này.
Salt Cancer Initiative thực hiện dịch thuật và phân phát những tài liệu dễ hiểu và chính thống về ung thư cho các bệnh nhân và người nhà; kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ đời sống tinh thần cho các bệnh nhân như: Kết nối với Elite Fitness để tổ chức các lớp yoga, hay với trường Me School dạy vẽ cho các bệnh nhân ung thư nhi đồng.
Trong thời gian điều trị tại Mỹ, Thủy vẫn làm việc không mệt mỏi để kết nối các nguồn lực và kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức chính phủ và phi lợi nhuận cho bệnh nhân ung thư Việt Nam. Hiện nay, Thủy đang đảm trách cả hai vai trò Giám đốc Dự án Ung thư CancerBase tại trường Đại học Nam California và Chủ tịch của Dự án Salt Cancer Initiative tại Việt Nam.
Đặc biệt, từ chính câu chuyện xúc động của mình, Thủy đã mời được 30 giáo sư, bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu ung thư hàng đầu tại Mỹ về Việt Nam vào đầu tháng 9 tới để tổ chức một hội thảo ung thư đa ngành cho các y bác sĩ trong nước cùng nhau nghiên cứu và học hỏi.
Bên cạnh đó, SCI sẽ tổ chức một hội thảo dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư với mong muốn chia sẻ những thông tin hữu ích, những câu chuyện truyền cảm hứng để họ có thêm động lực vượt qua bệnh tật. Hiện nay, Thủy vẫn đang nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng để đầu tháng 9 tới, khoảng 1.000 bệnh nhân ung thư sẽ được tham gia miễn phí buổi chia sẻ bổ ích này.
Giấc mơ của cô gái có nội lực phi thường này là “không còn ai phải chiến đấu với căn bệnh ung thư một mình”.
 
Biến căn bệnh ung thư thành ý tưởng khởi nghiệp
 
“Nếu đời ném cho bạn căn bệnh ung thư, hãy biến nó thành một ý tưởng khởi nghiệp”. Câu nói lạc quan và mạnh mẽ này của Thủy có thể khiến bất kỳ ai cũng phải rơi nước mắt vì xúc động và cảm phục trước một trái tim can đảm. Đặc biệt, Thủy không chỉ truyền cảm hứng bằng nói suông.
Gần đây, cô đã đứng ra tổ chức cuộc thi Hack for Health đầu tiên cho trường ĐH Southern California, Mỹ. Thủy cho biết, một sản phẩm mà cô và cộng sự đang theo đuổi xuyên suốt cuộc thi hackathon này là ứng dụng mobile giúp theo dõi và hạn chế tác dụng phụ của ung thư và các phương pháp điều trị ung thư. Hack for Health khởi đầu là một dự án hợp tác giữa Thủy và các bác sỹ điều trị cho cô tại Trung tâm Điều trị Ung thư toàn diện Norris của trường ĐH Southern California.
Can trường chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối trong suốt hơn 300 ngày qua thôi cũng đã là một chiến tích kỳ diệu của một cô gái trẻ. Ấy vậy mà Thủy vẫn dùng thời gian sống quý giá hiếm hoi của mình cho các dự án vì cộng đồng.
Cô gái ấy còn giữ thói quen leo núi và dã ngoại mỗi cuối tuần cũng như thực hiện những chuyến đi xa khi có dịp. Thủy đã cho mọi người tin rằng, ngay cả khi ở những khúc quanh bi thương nhất thì chúng ta vẫn có thể xây cho mình một cuộc đời đẹp lộng lẫy.