Zone Startups: Dòng vốn mới đầy tiềm năng cho startup công nghệ Việt Nam
Giới startup công nghệ tại Việt Nam vừa có thêm một cơ hội mới, khi chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp Zone Startups chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam...
Châm ngòi
Dự án này sẽ khuấy động thị trường bởi sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức như UniBrands, VinaCapital và các nhà đầu tư độc lập là ông Nguyễn Trung Tín - Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy; bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc TalentNet; ông Phan Quốc Công - Chủ tịch HĐQT Unibrands.
Theo ông Alan Lynse - đại diện Tập đoàn Ryerson Futures và Dự án Zone Startups toàn cầu - Zone Startups Việt Nam đầu tư (vốn giống - vòng seed) tìm kiếm những dự án startup trong lĩnh vực công nghệ, mang đến những phần mềm sáng tạo, có tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam, khu vực và thế giới. Các tiêu chí để Zone Startups Việt Nam nhận dự án và hỗ trợ được xếp theo trật tự ưu tiên gồm: đội ngũ sáng lập, tiềm năng thị trường và sản phẩm.
Nếu được chấp nhận tham gia chương trình, các startup sẽ nhận được sự cố vấn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực, được kết nối vào mạng lưới đối tác rộng lớn, được hỗ trợ nâng cấp các chiến lược gọi vốn đầu tư và tiếp cận các cơ hội mở rộng kinh doanh.
Trước đây, thị trường vốn dành cho các startup trong lĩnh vực công nghệ có sự hiện diện của một số tên tuổi như IDGVV, DFJV, CyberAgent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)...
Tuy nhiên, IDGVV gần như vắng bóng trên thị trường, DFJV là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia sớm nhất thị trường Việt Nam, song rất ít khoản đầu tư phát sinh trong vài năm qua, trong khi CyberAgent cũng hoạt động âm thầm.
Săn lùng hàng “nóng”
Các startup phát triển tốt thường là món hàng “nóng” được các quỹ đầu tư săn lùng. Nguồn của các quỹ này khá lớn, nhưng không dễ vung tiền. Một trong những lý do là các quỹ đầu tư mạo hiểm quy định quản lý vốn tối thiểu đầu tư vào mỗi công ty (thường từ 500.000 USD trở lên) và các startup Việt Nam đa phần không đạt quy mô đó.
Đại diện Công ty Appota (startup từng gọi nhiều vốn trong và ngoài nước) cho biết, các quỹ trong nước chỉ rót những khoản vốn nhỏ (tầm series A, B). Trong lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư chỉ rót vài trăm ngàn USD đến tối đa vài triệu USD; còn vài chục triệu USD thì phải ra nước ngoài, chủ yếu các nhà đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỗi quỹ đầu tư startup có một chiến lược rót vốn riêng. Có quỹ chuyên vòng seed, có quỹ chuyên vào series A, có quỹ chuyên vào ở tầm series C. Tuy nhiên, đại diện Appota cho rằng, đối với những quỹ rót vốn vòng sớm, ít tiền hơn, nếu mất thì mất ít, nhưng được thì được nhiều. Trong khi đó, rót vài chục triệu USD thường diễn ra ở giai đoạn muộn (startup đang tăng tốc hoặc đã phát triển nóng tương đối) thì sẽ an toàn hơn, nhưng tiềm năng lợi nhuận, tiền thu về ít hơn.
“Thực tế chuyện gọi vốn đối với startup chưa bao giờ dễ dàng, vì các nhà đầu tư thường không hiểu hết được cái mình làm. Tuy nhiên, các quỹ Nhật Bản, Hàn Quốc đang đánh giá Việt Nam khá cao, nên mấy năm qua, họ chăm tới tìm hiểu. Trong khi đó, quỹ trong nước đi cùng mấy startup đình đám ở giai đoạn đầu của thị trường cũng mỏi mệt rồi”, đại diện Appota cho biết.
Giới startup ở giai đoạn đầu của Việt Nam (10 năm trước) cho rằng, các nhà đầu tư ở Việt Nam chưa nhìn nhận đầu tư startup là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận. Theo ông Don Lam - đồng sáng lập và Tổng giám đốc VinaCapital - sản xuất và bất động sản thường gây chú ý hơn, nhưng thực tế công nghệ mới là lĩnh vực tiềm năng nhất.
Mặc dù vậy, tiềm năng đi kèm với rủi ro vì công nghệ có thể làm thay đổi thế giới, nhưng lại bị cái mới hơn đè quá nhanh. Sau mấy startup đình đám giai đoạn đầu, ngày càng ít startup xuất sắc từ công nghệ, nhất là các mảng đã hình thành tam trụ trên thị trường. Ngành nghề nào cuối cùng cũng sẽ có 3 ông to nhất và chiếm thị phần nhiều nhất, khi đó startup cùng lĩnh vực gần như ít cửa đi lên.
Mặc dù vậy, xu hướng khởi nghiệp đang “bùng nổ” sẽ là một nguồn “tài nguyên” vô giá để thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế.
 
Theo Báo đầu tư