Startup Việt cần làm gì để vươn ra thế giới
Nhân sự, chú trọng phát triển sản phẩm, ưu tiên marketing, tìm hiểu văn hóa của các quốc gia... là những lời khuyên của doanh nhân Thái Vân Linh và Louis Nguyễn.

Trong talk Nguy Cơ số 7 mùa 2, shark Linh chia sẻ: "Năm 2008, Linh trở lại Việt Nam, khi cả nước chỉ có hai quỹ đầu tư mạo hiểm. Hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn đó non trẻ đến mức, Linh đã phải gặp gỡ các phụ huynh để giải thích cho họ vì sao con cái họ cần trở thành doanh nhân".

Giờ đây, sau hơn 10 năm, bà cho rằng Việt Nam đã có mọi thứ cần có cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, với những vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, vòng gọi vốn... thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà sáng lập đã có nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp nên các dự án cũng khả thi hơn. Do đó, các startup có cơ hội phát triển, mở rộng quy mô và vươn ra thế giới.

"Thị trường Mỹ chắc chắn lớn hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng tôi nghĩ tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam còn nhanh hơn Mỹ. Theo tôi, cơ hội tốt nhất sẽ đến từ những nơi có tốc độ tăng trưởng cao hơn, Việt Nam là một trong những nơi đó", Thái Vân Linh nói.

Ở một góc nhìn khác, shark Louis không lạc quan như vậy. Ông trở lại Việt Nam năm 2003, khi không ai hiểu được "venture capital", từ hay được dịch thành "đầu tư mạo hiểm" nghĩa là gì. Thời điểm đó, dù đã có quỹ đầu tư, Việt Nam cũng không có nhiều công ty khởi nghiệp. "Ý tưởng thành lập một công ty khởi nghiệp ở Việt Nam của chúng tôi phải đến 15 năm sau mới thành công", ông nói. "Những thuật ngữ như doanh nghiệp khởi nghiệp hay kỳ lân mới chỉ trở nên phổ biến trong vòng 7-8 năm trở lại đây".

Theo vị "cá mập", hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chắc chắn đã tốt hơn, nhưng ông không nghĩ nó hoàn hảo. Vì khi tham gia vào một thị trường, ngay cả khi có tốc độ tăng trưởng tốt, doanh nghiệp cũng phải chứng minh được họ đã "exit" (thoái vốn hoặc IPO lên các sàn lớn) thành công. Còn ở Việt Nam, Louis Nguyễn chưa thấy thương vụ nào gây được tiếng vang như vậy.

Tầm quan trọng của marketing và sản phẩm

Theo Shark Linh, Việt Nam là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng song còn thiếu khả năng marketing, hạn chế về việc tạo thông điệp, truyền đạt thông tin đến khách hàng. Nhiều người trẻ còn thiếu những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

Trong khi đó, shark Louis cho rằng, nếu một doanh nghiệp sinh ra để giải quyết một vấn đề gì đó thú vị, một vấn đề toàn cầu và có những rào cản gia nhập, ví dụ như khả năng bảo hộ nhà đầu tư liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chẳng hạn, tiền sẽ tìm đến họ.


Ảnh: Shark Louis Nguyễn

Theo vị "cá mập", marketing cần thiết hay không còn phụ thuộc vào sản phẩm của họ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp phải nghĩ đến rào cản gia nhập, như quyền sở hữu trí tuệ, quyền thương hiệu, bản quyền..., những thứ bảo hộ cho nhà đầu tư trên trường quốc tế. Hoặc, họ cũng có thể áp dụng một mô hình kinh doanh đang hoạt động hiệu quả ở một quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc... và nhân rộng mô hình đó ở Việt Nam.

Theo shark Linh, điều quan trọng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý là tập hợp những người thực sự giỏi về công nghệ lại, trao cho họ cơ hội tạo ra một sản phẩm tốt. Song song đó, startup cũng phải tìm một người đồng sáng lập có kinh nghiệm về marketing, không chỉ kinh nghiệm kinh doanh.

Lấy ví dụ về hai thương hiệu iPhone và Samsung, nữ doanh nhân cho rằng, khi so sánh các tính năng trên từng chiếc điện thoại, mọi người sẽ nhận ra Samsung có nhiều tính năng tốt hơn, thậm chí có trước cả iPhone. Tuy nhiên, người mua iPhone nhiều hơn so với người mua Samsung Note hay bất kỳ mẫu điện thoại Samsung nào khác. "Mọi người đều nghĩ rằng iPhone tốt hơn. Tất cả đều nhờ công tác marketing", shark Linh nói.

Startup Việt cần làm gì?

Theo doanh nhân Thái Vân Linh, để vươn ra toàn cầu, điều quan trọng nhất với startup là yếu tố con người. Chủ doanh nghiệp cần biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, sau đó tìm đúng người có thể hoàn thiện hoặc lấp đầy những thiếu sót đó.

Trong khi đó, shark Louis cho rằng, sản phẩm chính là chìa khóa. Nó phải tiếp cận được một thị trường rộng lớn. "Khi có sản phẩm, bạn phải biết cách làm thế nào để bảo vệ ý tưởng đó, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của nó", anh nói. "Đồng thời, hãy tập hợp mọi người lại thành một nhóm, như shark Kevin nói là đội hình trong mơ. Và một trong những điều cần phải làm rõ ngay từ đầu là ai được cái gì".

Ông đồng thuận với shark Linh về quan điểm chủ doanh nghiệp nên thuê những người giỏi ngoại ngữ thuyết trình trước các nhà đầu tư, thay vì tự mình làm việc đó. Đôi khi, một thỏa thuận không thành chỉ vì người ta không hiểu được doanh nghiệp, dù họ có vẻ thích ý tưởng của họ. Ngoài ra, Louis cũng cho rằng doanh nghiệp cần biết định giá. "Có lẽ bạn nghĩ rằng bạn có cùng mức giá với Google, Facebook Uber, Grab hay những thương hiệu lớn khác. Nhưng không phải thế. Bạn phải hạ giá sản phẩm của mình xuống", ông nói. Để hạ giá một cách hợp lý, startup cần tham vấn ý kiến của những người có kinh nghiệm.



Ảnh: Shark Thái Vân Linh

Shark Linh cũng nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa của quốc gia mà startup sắp gia nhập. Bà lấy ví dụ về một sản phẩm muốn gia nhập vào Việt Nam - sandwich Subway. Đó là một bữa ăn trưa tuyệt vời ở Mỹ cho những người đang muốn sống khỏe mạnh, vì nó có thịt nạc, ít muối hay mỡ. Nhưng khi Subway vào Việt Nam, đất nước của bánh mì với pa-tê, thịt, rất nhiều gia vị đi kèm, với hương vị rất đậm, món sandwich nhạt này đã phải cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ và không thể có được chỗ đứng sau nhiều năm.

"Nếu bạn có sản phẩm ở Việt Nam và muốn đưa đến một quốc gia khác, bạn phải tìm hiểu văn hóa của quốc gia đó. Cách tốt nhất là tìm một người đã có thế mạnh về ngành đó ở quốc gia kia, sau đó để người đó làm giám đốc quốc gia ở đó luôn", shark Linh nói. Bà cho rằng nên tiếp cận từng quốc gia một, đảm bảo mỗi việc kinh doanh của bạn ở quốc gia đều lớn mạnh trước khi chuyển sang nơi tiếp theo.

Điểm quan trọng khác mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần hiểu, là nhà đầu tư nào sẽ giúp họ tạo ra sự khác biệt khi huy động vốn. Họ cần tìm một nhà đầu tư có nền tảng, người có thể hiểu được sản phẩm của mình, giúp họ thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm về sau. Họ cần tìm ra khẩu vị của nhà đầu tư đó là gì và lựa chọn người có khẩu vị phù hợp.