nong-san-hai-phong-hpap
https://hpap.vn

Chương Trình Hỗ Trợ Sản Xuất Và Liên Kết Tiêu Thụ Nông Sản An Toàn của Hải Phòng

Tên viết tắt: HPAP - Haiphong Agricultural Produce - Sản xuất Nông sản an toàn của Hải Phòng

1. Mục đích của HPAP:

- Bảo vệ sản xuất và liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn của Hải Phòng.

- Truy xuất nguồn gốc: xác định rõ hộ nông dân, HTX, Trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông sản an toàn tại Hải Phòng.

- Gắn kết lợi ích, trách nhiệm của người sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc nông sản.

- Hỗ trợ quản lý chất lượng, gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, và phát triển bền vững nông sản Hải Phòng.

- Xây dựng nguồn cung ứng nông sản an toàn vì một xã hội an toàn.

- Thông điệp HPAP là: Vì Người tiêu dùng - Vì lợi ích Nông dân

2. Truy Xuất Nguồn Gốc nông sản: là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối.

Trên thế giới: từ năm 2005, Liên minh châu Âu truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng tăng cường hệ thống kiểm định này. Tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act), trong đó: yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất.

Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử Grapenet.

Từ năm 2010, Thái Lan ban hành chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, do Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS-The National Bureau of Agricultural Commodity and Food Standards) tập huấn và hỗ trợ. Tất cả các sản phẩm chuối nải, chuối quả, sầu riêng quả bán ở cửa hàng rau quả nhỏ ở Thái Lan cũng được dán mã QR. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho người nông dân.

tại Hải Phòng tem truy xuất nguồn gốc HPAP chọn giải pháp: Định danh đối tượng bằng liên kết mã QR + số nhảy để xác định các sản phẩm bán trên thị trường thuộc về cá nhân, cơ sở nào sản xuất?, vị trí nằm ở đâu?, thời gian xuất bán? quy mô, quy trình sản xuất như thế nào?.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc HPAP đáp ứng:

- Yêu cầu cơ bản của người tiêu dùng khi truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại phổ thông đến điện thoại thông minh, từ nhắn tin đến quét mã QR, từ gọi điện hỗ trợ đến tìm kiếm trên internet.

- Phù hợp trình độ quản lý giản đơn của hộ nông dân từ khai báo thông tin đến bán nông sản chỉ bằng tin nhắn.

- Do đặc tính mã QR liên kết Số nhảy và chỉ người sản xuất mới kích hoạt được nên việc gian lận thương mại làm giả tem truy xuất HPAP không có giá trị.

- Truy xuất nguồn gốc HPAP được quản lý bằng cổng thông tin điện tử www.hpap.vn có thiết kế, giao diện thông minh nên khả năng nâng cấp, mở rộng theo yêu cầu của các cấp quản lý, người tiêu dùng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

3. Đối tượng cung cấp sản phẩm nông sản của HPAP:

- Là các cơ sở sản xuất được cấp vùng đủ điều kiện sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng phê duyệt.

- Các cơ sở sản xuất phải ký cam kết sản xuất an toàn và chịu trách nhiệm về sản phẩm nông sản sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Nếu để xảy sự cố mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi các cơ quan quản lý và người tiêu dùng thông báo, kiến nghị thì thì hệ thống HPAP có khả năng khóa lại và tem truy xuất nguồn gốc sẽ không còn giá trị sử dụng.

- Các cơ sở sản xuất (nông hộ, HTX, Doanh nghiệp) trước khi bán sản phẩm ra thị trường bắt buộc phải kích hoạt mã lô hàng bán ra thị trường. Thời điểm kích hoạt là thời hạn tính hạn sử dụng của nông sản. Nếu không kích hoạt tem truy xuất khi bán ra thị trường thì được hiểu là sản phẩm chưa bán hoặc hàng hóa giả mạo, Nếu vì phạm nhiều lần hệ thống HPAP sẽ nâng mức cảnh báo hoặc sẽ khóa lại và tem truy xuất nguồn gốc sẽ không còn giá trị .

- Các sản phẩm nông sản của chương trình HPAP: sử dụng khóa an toàn, tem truy xuất và bộ nhận diện thương hiệu HPAP thống nhất để dễ nhận biết.

4. Trung tâm quản lý và phản hồi thông tin liên quan truy xuất nguồn gốc:

- HPAP là cổng thông tin điện tử có tên: www.hpap.vn cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc và tìm kiếm, là các thông tin chính thức của các cá nhân, HTX, Doanh nghiệp sản xuất nông sản của Hải Phòng đăng ký tham gia và được cập nhật thường xuyên.

- Tổng đài hỗ trợ: là số điện thoại nhận và trả lời thông tin kịp thời các tình huống trong quá trình hoạt động của HPAP

- Tổng đài tin nhắn 8085 là địa chỉ nhận và trả lời các thông tin truy xuất nguồn gốc và kích hoạt bán nông sản ra thị trường của các nhà sản xuất nông sản.

5. Lợi ích của người tiêu dùng:

- HPAP hỗ trợ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn bán trên thị trường khi gắn tem truy xuất nguồn gốc HPAP

- Hỗ trợ người tiêu dùng tìm kiếm các thông tin về sản phẩm nông sản, đặc sản của Hải Phòng

- Khi sản phẩm nông sản bị lỗi hoặc sự cố có thể phản hồi thông tin và giải quyết theo quy định của pháp luật.

6. Lợi ích hộ nông dân, HTX, Doanh nghiệp sản xuất nông sản của HPAP:

- Hỗ trợ khuyến khích nông dân, cơ sở sản xuất nông sản an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, nhằm nâng cao lợi nhuận.

- Hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản sản xuất an toàn tới người tiêu dùng.

- Được sử dụng các tiện ích về công nghệ thông tin mà chương trình HPAP mang lại.

7. Lợi ích của nhà quản lý:

- Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn Hải Phòng.

- Quản lý chặt chẽ theo hệ thống: diện tích, năng suất, sản lượng nông sản, các vùng sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất, thị trường tiêu thụ, thông tin phản ánh của người sản xuất và người tiêu dùng.

- Hỗ trợ kết nối hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn

8. Lợi ích xã hội:

- Tạo ra nhiều sản phẩm nông sản xuất nông sản an toàn.

- Tạo tiền đề nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

- Phát triển nền nông nghiệp Việt Nam an toàn bền vững.