Bí quyết gọi vốn của CEO từng 100 lần bị từ chối
Chuẩn bị số liệu, kế hoạch cụ thể, giữ mối quan hệ, tập trung vào mục tiêu giúp startup đến gần hơn trong việc chinh phục nhà đầu tư.
Tại sự kiện "Toàn cảnh bức tranh huy động vốn" trong khuôn khổ chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do VnExpress tổ chức vừa diễn ra tại TP HCM, chị Phạm Lan Khanh - Tổng giám đốc FreelancerViet chia sẻ câu chuyện kêu gọi vốn từ kinh nghiệm bản thân. Chương trình thu hút hơn 200 người tham dự là sinh viên, các nhóm khởi nghiệp, nhà đầu tư và doanh nhân thành đạt.
Ai cũng nghĩ việc tìm kiếm nhà đầu tư là vì chúng ta cần tiền. Tuy nhiên, điều này còn mang đến cho startup nhiều nguồn lực khác về kinh nghiệm, kiến thức cũng như các mối quan hệ. Nhà đầu tư không chỉ có tiền, một khi đã đầu tư, họ mong muốn dự án phát triển và vì thế sẽ có những cách giúp chúng ta ngày càng đi lên.
Vậy nhà đầu tư chọn dự án dựa trên điều gì? Không hẳn vì ý tưởng sản phẩm hay, có thể mang nhiều tiền cho họ. Nhiều người xuống tiền là vì thấy được đam mê, nhiệt huyết ở các nhà sáng lập - tiền đề tạo nên thành công cho startup.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải sẵn sàng để đón nhận đầu tư. Tôi từng gặp hơn 100 nhà đầu tư nhưng mỗi lần gặp gỡ lại thấy mình có nhiều thiếu sót, rút ra nhiều bài học. Điều này có nghĩa tôi chưa sẵn sàng và có thể thuyết phục nhà đầu tư một cách tốt nhất nên chưa có ai quyết định xuống tiền. Vì thế, bạn phải luôn có một bản giới thiệu về dự án trong tay hoặc bất cứ lúc nào cũng có thể nói ra được tất cả mọi thứ về startup của mình. Đó là lý do vì sao có khái niệm “kêu gọi đầu tư trong thang máy”, chỉ trong một phút bạn phải làm sao thuyết phục được nhà đầu tư và khiến họ tiếp tục nói chuyện với mình khi bước ra khỏi thang máy.
Nếu bạn có thể nêu được các con số về doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, nắm vững mọi số liệu thì nhà đầu tư sẽ tin tưởng bạn đang theo sát dự án. Họ cần nhìn thấy kế hoạch kinh doanh, tầm nhìn rõ ràng, dự định cụ thể thì mới đi đến quyết định chi tiền. Nếu thấy mơ hồ, không có lập luận sắc bén thì không có lý do gì để họ đầu tư.  
Việc gặp gỡ nhà đầu tư giống một cuộc hẹn hò để chinh phục người yêu, bạn cần để lại ấn tượng ở cái nhìn đầu tiên. Ở cuộc hẹn ấy, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng để mọi thứ diễn ra tốt đẹp nhất. Có nhiều startup ý tưởng rất hay nhưng lại đến với tâm thế chưa sẵn sàng nên không thể thuyết phục được nhà đầu tư. Nếu “tình yêu sét đánh” xảy ra thì nhà đầu tư sẽ cho bạn cái hẹn tiếp theo dù trên thực tế là không nhiều.
Trong trường hợp không được đầu tư, bạn cũng nên giữ mối quan hệ bởi có thể trong thời điểm hiện tại công ty bạn giá trị còn nhỏ hoặc ý tưởng sản phẩm chưa rõ ràng nhưng biết đâu thời gian sau sẽ có những chuyển biến khác. Vì thế, nếu đã tìm hiểu kỹ nhà đầu tư và thấy phù hợp với lĩnh vực họ quan tâm thì bạn nên giữ mối quan hệ, cập nhật những gì công ty đang làm, nếu có bước tiến mới cũng nên gửi thông tin để họ dễ dàng cập nhật và có thể đồng hành với chúng ta vào một ngày nào đó. Có thể ban đầu giá trị startup của bạn là 100.000 USD nhưng lần sau nhà đầu tư trở lại thì đã tăng lên con số triệu USD.
Điều mà bản thân tôi đúc kết qua quá trình kêu gọi nhà đầu tư nói theo ngôn ngữ dân dã là phải có người mở hàng tốt thì những vị khách tiếp theo mới tìm đến. Nhà đầu tư đầu tiên là người cực kỳ quan trọng bởi điều đó chứng minh startup của bạn đáng đầu tư nên họ mới bỏ tiền dù con số là ít hay nhiều. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng có sự cẩn trọng. Nếu thuyết phục được một người thì bạn sẽ có cớ để nói chuyện với những người còn lại. Trong trường hợp không ai xuống tiền, bạn phải xem lại bản thân mình, sản phẩm hoặc việc kinh doanh có đang gặp vấn đề gì không. Nhiều người hay ví các nhà đầu tư là cá mập nhưng một khi đã tham gia thì họ có thể hỗ trợ bạn đi xa hơn, còn hơn là đi một mình và không có tiền xoay xở. Điều quan trọng là có thêm một người đứng cạnh, đi cùng và cho chúng ta lời khuyên bổ ích.
Kể cả khi chưa gọi được vốn, bạn cũng phải đi thật nhanh để chứng minh những điều mình làm là đúng. Nếu là dự án mới thì bạn phải là người dẫn đầu trong ngành đó, dù là thị trường ngách. Bạn có thể thu hút những nhà đầu tư khác bởi có thể bạn vẫn chưa gặp được đúng người mà sản phẩm của bạn chính là khẩu vị của họ. Vì vậy, hãy chân thành, luôn tập trung vào mục tiêu và đổi mới sáng tạo, tất cả những điều đó sẽ mở ra cánh cửa của nhà đầu tư dành cho bạn.  
 
Theo VnExpress