Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 “Khởi nghiệp sáng tạo - kết nối toàn cầu”
Tối ngày 29/11, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đã chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Lễ khai mạc đã thu hút hơn 1300 người tham dự sự kiện.
Với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu", Lễ khai mạc được tổ chức quy mô với màn biểu diễn công nghệ tái hiện dấu ấn quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sau 3 lần tổ chức Techfest quốc gia.
Tham dự Lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí  Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Về phía đơn vị tổ chức và đồng tổ chức có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; cùng các đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Về phía quốc tế có ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); đại diện lãnh đạo thành viên Ban quản trị Diễn đàn kinh tế thế giới- WEF; ông Peter Ong, Chủ tịch Cơ quan xúc tiến đầu tư Singapore (ESG); cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, và các cơ quan báo chí truyền thông trong nước và quốc tế và hơn 700 Startup tham gia vào sự kiện.
Thủ tướng đề xuất hình thành Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã hình thành song để startup trẻ phát triển vẫn cần một môi trường đủ điều kiện thuận lợi hơn. Các bộ, ngành, địa phương cần xem hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Việt Nam phải hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối, hội tụ những người có năng lực nhiều lĩnh vực từ quản trị, công nghệ, tài chính, marketing. "Tức là có được "trái tim" của hệ sinh thái khởi nghiệp", Thủ tướng nói và đề xuất hình thành trung tâm khởi nghiệp Quốc gia. Trung tâm này đặt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, có nhiệm vụ tăng khả năng tương tác, hưởng ứng của cộng đồng khởi nghiệp.
Để vận hành Trung tâm "Chính phủ cam kết đồng hỗ trợ tài chính cung cấp nguồn lực cần thiết nhưng không quản trị bằng bộ máy hành chính quan liêu làm nản chí bàn tay khối óc của những nhà khởi nghiệp sáng tạo".
Thủ tướng cho rằng Trung tâm sẽ là nơi thu hút các doanh nhân, nhà đầu tư, phát triển công nghệ tạo thành mạng lưới mở để tập hợp nhà khởi nghiệp nhân tài trong nước và nước ngoài. "Đây sẽ là nơi khuyến khích, thách đố nhà khoa học bước ra khỏi phòng thí nghiệm để nói ngôn ngữ của thị trường", Thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, thời gian qua Việt Nam đã từng bước xây dựng và phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với đầy đủ các chủ thể vận hành, tạo điều kiện hình thành và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của startup Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Bộ trưởng mong muốn tinh thần và những kết quả này sẽ tiếp tục được duy trì trong triển khai hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp từ các thành phần trong hệ sinh thái, hướng tới việc kết nối chặt chẽ hơn với Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, tham gia xây dựng Mạng lưới khởi nghiệp trong ASEAN như sáng kiến tại WEF/ASEAN được tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2018.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ
Với sứ mệnh trách nhiệm lớn lao đối với sự phát triển của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo; sự quan tâm phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Trong đó cần tập trung xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo - văn hóa dám nghĩ, dám làm, đứng lên sau thất bại; đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo- khơi gợi đam mê sáng tạo từ những cấp học đầu tiên; đào tạo kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thách thức của thực tiễn; đào tạo kỹ năng liên kết. Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cần sự góp sức của trí tuệ từ các ngành nghề khác nhau. Đồng thời, rất mong nhận được sự phối hợp triển khai các chương trình, Đề án khởi nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án 844; Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Đối với bản thân các nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp, ở vị trí trung tâm của hệ sinh thái  khởi nghiệp sáng tạo cần có tầm nhìn lớn, tư duy lớn, giải quyết những vấn đề lớn, bài toán lớn, hướng ra thị trường toàn cầu. Đó là cốt lõi xây dựng các doanh nghiệp tỷ đô, tạo lập giá trị cho xã hội, giải quyết thách thức nhân loại, hướng tới đóng góp cho nền kinh tế thế giới và phát triển bền vững.
Đối với các tổ chức cá nhân hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện, cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư, Quỹ đầu tư, phải thực sự coi trọng tính liên kết và cộng tác trong HST để đạt tới thành công.
Kết nối mạng lưới khởi nghiệp quốc tế
Techfest 2018 hướng tới mục tiêu thu hút khoảng 5000 lượt người tham gia; 250 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm; 250 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là đại diện của các cơ quan phụ trách khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tại các nước ASEAN là đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.
Đây cũng là một dịp nhìn lại hoạt động khởi nghiệp trên cả nước thông qua các sự kiện được nhấn mạnh tại Techfest lần này. Đó là “Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018”, của lãnh đạo Chính phủ với thanh niên, sinh viên để động viên, khuyến khích các bạn trẻ không ngừng sáng tạo và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động khởi nghiệp.
Điểm nhấn khác của sự kiện là Hành trình “Tôi yêu tổ quốc tôi” năm 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với các chuyến xe xuất phát từ 2 đầu đất nước Hà Nội và Cần Thơ, dừng chân tại 11 tỉnh/thành phố phát triển về khởi nghiệp sáng tạo để có được những góc nhìn trực quan về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.
Một sự kiện quan trọng khác là “Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái quốc gia hướng tới liên kết khu vực và toàn cầu, có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, đại diện lãnh đạo Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN, Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, đại diện các nước Asean, các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín. Đây là dịp trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp chúng ta tiếp thu những kinh nghiệm của các nước về  hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Techfest 2018 cũng chứng kiến những ý tưởng sáng tạo rất đặc biệt của người Việt thông qua các video clip được trình chiếu sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên về những ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam rất đáng khâm phục.
Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này chính là buổi trao giải tại Chung kết Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia với sự góp mặt của các startup đoạt giải cao của các Techfest vùng và startup các nước ASEAN, những ý tưởng sáng tạo hay nhất sẽ tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp ở Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong khuôn khổ Techfest 2018 còn có sự tham gia của chuyên gia các Bộ, Ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ, hỗ trợ thương mại hóa công nghệ thuộc Bộ KH&CN tại các Chuỗi Hội thảo chuyên đề về khởi nghiệp (được gọi là 08 “Làng khởi nghiệp”) trong các lĩnh vực giáo dục, tài chính, y tế, nông nghiệp, du lịch, công nghệ 4.0, khởi nghiệp tác động xã hội, cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp.
Hoạt động “Kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế (Global Gateway Stage)” trong khuôn khổ Techfest 2018 sẽ tạo cầu nối giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những kiến thức từ quốc tế.
Hành lang pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo cũng đã được các cơ quan chức năng quyết liệt xây dựng, ban hành: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017, cùng các Nghị định, Thông tư dưới luật đã thể hiện quyết tâm của các cơ quan chức năng trong đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không thể không kể đến sự chung tay, hỗ trợ của các tập đoàn lớn, các ngân hàng, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Cụ thể: các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, doanh nghiệp ô tô Trường Hải, các ngân hàng như BIDV và VPBank cũng tham gia huy động nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp sáng tạo.
Techfest được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 với tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 1 triệu USD. Đến năm 2016, có hơn 3.000 người tham dự với số cam kết đầu tư hơn 3 triệu USD… Bước sang năm 2017, số người tham dự vượt ngưỡng 4.500 với tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 4,5 triệu USD.
 

Thủ tướng và các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ của startup.
 
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN