HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO NAIROBI: “SILICON SAVANNAH" CỦA CHÂU PHI
Theo đánh giá từ Startup Blink 2020, hệ sinh thái Nairobi đã có nhảy vọt lên vị trí thứ hai trong khu vực Châu Phi, tăng 86 bậc so với thời điểm năm 2017.


Nằm ở phía Đông Châu Phi, Nairobi vừa là thủ đô, vừa là thành phố lớn nhất của Kenya. Từng được nhận định là “vùng trũng" của công nghệ với khả năng kết nối Internet kém, thị trường công nghệ của Nairobi đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc, từ 16 triệu USD vào năm 2002 thành 1 tỷ USD vào năm 2017. Đến nay, cái tên “Silicon Savannah" đã trở thành biệt danh mới của Nairobi - mái nhà của hơn 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Lí giải cho sự thăng hạng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Nairobi là tổng hòa của vô vàn yếu tố, từ sự bùng nổ của các startup thế hệ sơ khai, những hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ tới hệ thống cơ sở hỗ trợ đa dạng. 

Startup: “Đầu tàu" tiên phong xoay chuyển hệ sinh thái khởi nghiệp
Nhắc đến các dấu mốc quan trọng trong hành trình kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Nairobi thì không thể thiếu sự ra đời của M - PESA - ứng dụng thanh toán bằng điện thoại vào năm 2007. Trước thời điểm M - PESA ra mắt, người dân ở Nairobi hầu như không tiếp cận hay sử dụng ứng dụng công nghệ trong đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, khi M - PESA tạo nên một cơn bão công nghệ càn quét qua toàn bộ phía Đông Châu Phi, Afghanistan, Ấn Độ và một phần Châu  u với hơn 15 triệu người dùng active, sự thành công của nó truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ khởi nghiệp và mang đến niềm tin rằng việc tạo ra một sản phẩm mới lạ, đột phá cho nhóm người dùng chưa hề biết đến công nghệ là hoàn toàn khả thi.

Từ sau điển hình thành công của M - PESA, số lượng start-up ở Nairobi đã tăng vọt bởi họ hiểu rằng, những khó khăn nội tại, điểm yếu của Nairobi có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho họ phát triển sản phẩm. Từ vấn đề nước sạch, hạ tầng đô thị đến trồng trọt, hàng loạt giải pháp từ các startup đã ra đời và được nhân rộng đến nhiều nước khác trong khu vực Châu Phi. 

Chính phủ: Người hùng thầm lặng đứng sau sự phát triển của hệ sinh thái 
Nếu được yêu cầu miêu tả về vai trò của chính phủ trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Nairobi, yếu kém và tham nhũng sẽ là hai từ được lặp lại nhiều nhất. Ví dụ như: quá trình đăng kí thành lập doanh nghiệp ở Nairobi mất nhiều hơn 5 ngày so với các nước trong khu vực (23 ngày so với 18 ngày). Chi phí để hoàn thiện hồ sơ cũng tốn hơn 25% so với chi phí thông thường.

Tuy nhiên, nếu đào sâu vào lịch sử hình thành của hệ sinh thái, vai trò dẫn dắt của chính phủ Nairobi là không thể phủ nhận được. Vào năm 2007, chính phủ đã ban hành Sáng kiến Hệ thống hàng hải Đông Phi (TEAMS) nhằm kết nối quốc gia này với thế giới thông qua hệ thống cáp quang biển. Nhờ TEAMS, tốc độ truy cập Internet trung bình ở Nairobi được đánh giá là nhanh hơn Mỹ và có mức giá rẻ bằng ¼ chi phi trung bình ở các nước Châu Phi. Có thể thấy, TEAMS đã  trở thành “ngọn hải đăng”, chất xúc tác cho sự nở rộ của các startup về công nghệ ở Nairobi.

Đến năm 2010, cải cách nhà nước cũng như việc thay chính phủ mới đã mang đến nguồn năng lượng mới cho hệ sinh thái của Nairobi. Nhận thấy những tiềm năng từ startups, chính phủ đã hợp tác với đơn vị ươm tạo Nailab để xây dựng chương trình công nghệ trị giá 1.6 triệu đô nhằm giúp các doanh nhân khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn và nguồn lực hữu ích.

Đơn vị hỗ trợ startup: “Người đỡ đầu" song hành cùng thế hệ tài năng 
Năm 2010 không chỉ đánh dấu sự thay đổi về bộ mặt chính phủ mà còn là năm ra đời của iHub - hub công nghệ và đổi mới sáng tạo đầu tiên của Châu Phi. Đúng như cái tên của nó, iHub đã tạo ra một không gian mở, kết nối, ươm tạo và cho ra đời hàng chục startup. Theo sau đó là hàng loạt các hub công nghệ được mở ngay tại khuôn viên trường đại học và được kết nối với các đối tác quốc tế. Điển hình như 4DLab và Fablab theo liên kết của Đại học Nairobi với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hay iBiz và iLab Africa của đại học Strathmore. Cùng với nguồn nhân lực trẻ được ươm tạo từ các hub công nghệ, Nairobi cũng không thiếu các tài năng “trung tuổi" được tôi luyện qua quá trình làm việc tại các tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Oracle, IBM hay Huawei.