Mô hình kinh doanh giúp Airbnb trở thành ông trùm ngành dịch vụ du lịch
Airbnb là startup hoạt động trong lĩnh vực du lịch với mô hình công nghệ giúp kết nối những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới với các khách hàng có nhu cầu thuê nhà, thuê phòng nghỉ thông qua ứng dụng di động. Trong khi hai đối thủ tiên phong là Booking hay Agoda ngày càng cho phép nhiều người dùng tiếp cận được với các khách sạn hơn thì Airbnb lại thay đổi cuộc chơi với hướng đi mới trong bối cảnh du lịch tự túc lên ngôi để chiếm được thị phần. Bài viết này sẽ phân tích những yếu tố trong mô hình kinh doanh giúp Airbnb nhanh chóng trở thành ông trùm ngành du lịch.
Mục tiêu giá trị phù hợp
 
Airbnb hoạt động với mục tiêu chính là mang đến cho khách thuê phòng nhiều lựa chọn hơn tại những địa điểm mới lạ, hấp dẫn với mức giá cả hợp lý, thấp hơn so với các ứng dụng đặt phòng khác (phí dịch vụ tại Airbnb chỉ từ 3%). Đặc biệt hơn là đảm bảo tính công bằng cho cả hai bên: người cho thuê và khách hàng, mọi người đều có thể đánh giá 2 chiều trực tiếp qua ứng dụng để người đến sau tham khảo.
 
Airbnb kiếm tiền bằng cách nào?
 
Airbnb đóng vai trò là trung gian, vì thế, nguồn thu của Airbnb đến từ phí dịch vụ từ cả hai phía:
 
Đối với chủ nhà
 
Đối với mỗi phòng được đặt, Airbnb tính phí 3% dịch vụ và có thể cao hơn trong các trường hợp đặc biệt. Khoản phí này được tính dựa trên tổng tiền đặt phòng và tự động khấu trừ từ khoản thanh toán của chủ nhà.
 
Đối với khách đặt phòng
 
Phí dịch vụ thường dao động trong khoảng 0 - 20% tổng chi phí đặt phòng và được tính dựa trên nhiều yếu tố khác nhau (số phòng đặt, thời gian ở,...). Phí dịch vụ càng thấp khi có tổng chi tiêu đặt phòng cao. Mức phí này sẽ hiển thị trên trang thanh toán trước khi đặt phòng.
 
Ngoài ra, nguồn thu của đơn vị này còn đến từ việc cung cấp thêm dịch vụ ăn uống, đưa đón sân bay, giặt ủi, cho thuê xe,… và còn các loại phí phụ khác như phí trải nghiệm đối với chủ nhà, phí huỷ đối với khách hàng và chủ nhà theo chính sách đã đề ra.
 
Lợi thế cạnh tranh khác biệt
 
Với hướng đi khác biệt, không tập trung vào khách sạn, nhà hàng như những đối thủ trên thị trường. Airbnb chính là công ty tiên phong gia nhập vào thị trường chia sẻ phòng (home-sharing). Động thái này xảy ra khi mà hình thức du lịch "bụi" hay du lịch tự túc ngày càng được ưa chuộng bởi giới trẻ. Hơn thế, với chiến lược lợi thế về giá, mang lại mức phí rẻ hơn cho người cung cấp và khách hàng đánh sâu vào tâm lý khiến mô hình kinh doanh toàn cầu này ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện, Airbnb là startup có giá trị lớn thứ ba toàn cầu và có ảnh hưởng lớn mà không công ty nào có thể làm được.
 
Chiến lược thị trường
 
Với Airbnb, chiến lược thị trường không chỉ là cung cấp cho người dùng những thông tin cần thiết mà còn giúp họ lên kế hoạch và khám phá chuyến hành trình với một hệ thống kết hợp sáng tạo, thấu hiểu sở thích của khách hàng. Cụ thể, Airbnb xây dựng chiến lược "đại dương xanh" dựa trên 3 nguyên lý chính:
 
Đáp ứng đa dạng nhu cầu khác nhau của khách hàng
Chú trọng phát triển chức năng hấp dẫn dựa trên cảm xúc của người mua
Định hướng sản phẩm theo những sản phẩm và dịch vụ bổ sung
 
Hơn thế, thành công trong chiến lược thị trường của Airbnb không thể bỏ qua đóng góp của các chiến lược marketing được đầu tư kỹ lưỡng. Điển hình là chiến dịch thương hiệu “Live There” thông qua việc quảng cáo nhờ quảng cáo trên truyền hình và truyền thông mạng xã hội.
 
Chính vì những hướng đi đúng đắn trên mà hiện Airbnb đã có mặt ở hơn 10.000 thành phố trên 191 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những startup có giá trị nhất thế giới và được định giá lên đến 30 tỷ USD. Thành công này đã giúp Airbnb đạt được thị phần to lớn và có vị thế nhất định trong ngành du lịch có phần bão hòa như hiện nay.