Khởi nghiệp Đà Nẵng: Bứt phá từ tư duy hành động
TP Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong phát triển về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ năm 2015 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

TP Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung và Tây Nguyên mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, một thành phố hiện đại, phát triển và thịnh vượng. Vì vậy, việc cải cách mạnh mẽ cơ chế, chính sách toàn diện, thu hút mọi nguồn lực để thay đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ và nền kinh tế số là ưu tiên hàng đầu.

Bứt phá từ chính sách

Trước tiên là Kế hoạch số 2812/KH-UBND ngày 29/4/2020 ban hành nhằm thực hiện Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về Phát triển công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.

Ngay sau khi ban hành, kế hoạch 2812/KH-UBND đã được triển khai nhanh chóng và hiệu quả tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Năm 2020, Ban tổ chức lựa chọn được 03 dự án để ươm tạo ở đây gồm: Dự án Phân lập và nuôi cấy nhóm vi sinh vật bản địa ứng dụng trong sản xuất đất trồng; Dự án Thiết bị khám xe thông minh Micas; Dự án Dịch vụ Phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spiruliana Đà Nẵng.

Tiếp theo, Quyết định số 3836/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 của UBND thành phố phê duyệt “Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 328/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025.

Việc ban hành Nghị quyết 328 hỗ trợ từ ngân sách đã được TP Đà Nẵng quyết liệt hành động so với nhiều địa phương khác để tạo hành làng pháp lý. Trong năm 2020, có 7 doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ trực tiếp là 1.108 triệu đồng; hỗ trợ 8 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia sự kiện Ngày hội KNĐMST quốc gia Techfest Việt Nam (Techfest 2020) với kinh phí 80 triệu đồng. Ngoài ra, có doanh nghiệp được bố trí mặt bằng làm việc, hỗ trợ thành lập 02 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đồng thời cũng là doanh nghiệp KNĐMST, hỗ trợ ươm tạo dự án KNĐMST cho 11 doanh nghiệp. Năm 2021, TP Đà Nẵng tiếp tục tổ chức xét chọn hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp KNĐMST.

Ba văn bản trên được ban hành đã và đang thu hút tham gia của đông đảo các thành phần liên quan.
 

Chương trình Tăng tốc du lịch do Vườn ươm Sông Hàn tổ chức.


Đề cao vai trò ươm tạo

Cùng với việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Đà Nẵng đang tăng cường liên kết xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ cho riêng thành phố mà cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đà Nẵng đang tập trung mạnh mẽ vào hoạt động ươm tạo tại các tổ chức thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp. Các tổ chức này được ra đời đa dạng theo các mô hình nhà nước, công tư và tư nhân như: Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (công tư), Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (tư nhân), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao - Khu công nghệ cao Đà Nẵng (nhà nước).

Sự có mặt của các tổ chức ươm tạo đã góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phát triển và lan tỏa đến các trường đại học, cao đẳng, cộng đồng doanh nhân của thành phố, thậm chí cả các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam, Quãng Ngãi,… Cũng thông qua các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng, hệ sinh thái khởi nghiệp từng bước hình thành như mạng lưới mentor (cố vấn khởi nghiệp), mạng lưới các nhà đầu tư, mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Chỉ riêng năm 2020, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng đã tuyển chọn và ươm tạo cho 26 dự án được; tổ chức 7 đợt tập huấn, đào tạo cho các thành đoàn, các trường đại học và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều hoạt động khởi nghiệp của TP Đà Nẵng đã thu hút được các tỉnh xung quanh tham gia thông qua đào tạo, hợp tác, kết nối, giao lưu…, làm cho hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp liên kết vùng miền Trung ngày càng rõ nét.

Nguồn: theo báo Diễn đàn doanh nghiệp