Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng - Trung tâm khởi nghiệp sôi động tại miền Trung
TP Đà Nẵng trong những năm gần đây có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ startup phát huy tối đa hiệu quả và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Với nguồn nhân lực CNTT tiềm năng và chất lượng không thua kém Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực khởi nghiệp, Đà Nẵng đã trở thành trung tâm khởi nghiệp sôi động ở miền Trung năm 2020 và hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển trong tương lai.

 

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sôi nổi

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của thành phố chính là các hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia đến năm 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng phối hợp và tổ chức.

Trong năm 2020, thành phố đã hỗ trợ 26 doanh nghiệp KNĐMST nhằm phát triển sản phẩm/dịch vụ, kết nối đầu tư, tham gia cuộc thi KNĐMST, ươm tạo dự án và bố trí mặt bằng làm việc, v.v…

Trong đó, thành phố đã hỗ trợ 08 doanh nghiệp KNĐMST và 02 vườn ươm tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Ngày hội KNĐMST quốc gia Techfest Việt Nam 2020 giúp kết nối hàng trăm lượt khách tham quan gian hàng, đối tác liên hệ như quỹ Shinhan (Hàn Quốc), quỹ cộng đồng Fundedbyme của châu  u, hợp tác kết nối chuyên gia đào tạo startup đến từ Swiss EP, v.v… Thông qua Techfest 2020, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đã kết nối 12 Làng công nghệ để thu hút các nguồn lực chất lượng cao hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và ẩm thực.

 


Nhờ những hoạt động hỗ trợ tích cực, lĩnh vực khởi nghiệp của thành phố đã đạt được nhiều thành tựu tiêu biểu tại sự kiện Techfest 2020 như:

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam lĩnh vực Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Dự án EM & AI của Công ty cổ phần EM and AI là một trong 8 dự án của thành phố Đà Nẵng được hỗ trợ tham gia Techfest 2020 đã đạt Á quân Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia năm 2020.

Robot trí tuệ nhân tạo NYM của dự án Hekate Đà Nẵng được Ban Tổ chức chọn làm sản phẩm tiêu biểu cho sáng tạo Việt Nam trong lễ khai mạc Techfest 2020. Đây cũng là Công ty đã nhận được gói hỗ trợ 212 triệu đồng từ Sở KH&CN để phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, các dự án của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trường đại học cũng đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp trong nước và quốc tế như Dự án MultiGlass - giải nhì Cuộc thi “Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu - VietChallenge”, Dự án áo phao thông minh - giải Nhất vòng “Mô phỏng kinh doanh” tại cuộc thi “Maker to Entrepreneur” do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Đại học Bang Arizona (Mỹ) phối hợp tổ chức.

Tiềm năng phát triển khoa học công nghệ

Ông Lê Ngọc Trí - CEO của EM&AI cho biết: “TP Đà Nẵng trong những năm gần đây có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ startup phát huy tối đa hiệu quả và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây cũng là cơ hội cho các startup Đà Nẵng nói chung và EM&AI nói riêng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có nguồn nhân lực CNTT tiềm năng và chất lượng không thua kém Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn, tuy nhiên đó cũng là cơ hội để EM&AI chinh phục được những khách hàng chủ chốt ở quê nhà, tạo uy tín tốt vươn tới các thị trường rộng mở hơn”

Dự kiến trong tháng 8 năm nay, trung tâm nghiên cứu - phát triển và sản xuất sản phẩm công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của Nhật Bản sẽ được khởi công tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Theo đó, trung tâm do công ty Fujikin International (Nhật) đầu tư với số vốn 35 triệu đô la Mỹ. Với quy mô 3,3ha, dự án thực hiện nghiên cứu – phát triển – sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm các thế hệ robot khác nhau với AI, máy bay không người lái tự động với AI, thiết bị y tế và thiết bị môi trường, năng lượng mới của Hydrogen.

 


“Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến nghiên cứu tại Đà Nẵng, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố”, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, cho biết và chia sẻ thêm DHPIZA đang xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, sản xuất vật liệu mới, điện, điện tử công nghệ cao, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 16 dự án, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt là 145,33 triệu đô la (chiếm hơn 99,13% tổng vốn FDI thu hút vào thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021) và 481,4 tỉ đồng.

 

Thông tin tổng hợp từ Bản tin KNĐMST, Cục thông tin và KHCN Quốc gia và Thời báo Kinh tế Sài Gòn