Những hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu năm 2021: xếp hạng 1.000 thành phố và 100 quốc gia
StartupBlink, trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu, mới đưa ra Chỉ số Xếp hạng Hệ sinh thái Khởi nghiệp 2021 cho 1.000 thành phố và 100 quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời theo dõi cả động lực và xu hướng trong hệ sinh thái khởi nghiệp kể từ năm 2017.

Báo cáo năm nay cũng có nhiều phần mới bao gồm: xếp hạng ngành, xếp hạng các thành phố đảo, phân tích theo điểm phụ, phân tích theo dân số, hệ sinh thái thành phố ở các quốc gia chưa được xếp hạng và thậm chí là xếp hạng dựa trên các tiêu chí của các công ty khởi nghiệp đặc biệt như các “kỳ lân”.

Thuật toán được sử dụng để tạo bảng xếp hạng phân tích hàng chục nghìn điểm dữ liệu được cung cấp bởi các đối tác toàn cầu như Crunchbase, cùng với dữ liệu thu thập từ hơn hàng chục nghìn thành viên đã đăng ký trên Bản đồ toàn cầu StartupBlink.

Mối quan hệ đối tác của Startup Blink với Crunchbase cho phép sử dụng tính năng và xếp hạng hàng trăm hệ sinh thái - làm nổi bật dữ liệu về hàng nghìn công ty khởi nghiệp để hiểu chất lượng và tần suất của đổi mới sáng tạo, cũng như xu hướng của các hệ sinh thái trên khắp thế giới.

Tổng điểm trong bảng xếp hạng quốc gia và thành phố của StartupBlink được tính bằng tổng của 3 đơn vị đo lường chính gồm: chất lượng, số lượng (các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp) và môi trường kinh doanh. Dựa trên tổng điểm này, StartupBlink đã đưa ra kết quả xếp hạng trong các bảng bao gồm các thông tin quan trọng về mỗi quốc gia và thành phố được xếp hạng.

Bảng xếp hạng các quốc gia hàng đầu

Khi so sánh với năm 2020, năm nay, 5 quốc gia hàng đầu đều giữ nguyên thứ hạng so với năm ngoái, tuy nhiên, có một số thông tin thú vị. Thứ nhất, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, Vương quốc Anh xếp thứ 2, cho thấy bối cảnh đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và chiếm ưu thế ở 267 thành phố của Hoa Kỳ được xếp hạng trong báo cáo này.

Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ năm 2017, Brexit thực sự có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Vương quốc Anh. Điều thú vị khác đó là sự thay đổi trong nhóm được gọi là Hệ sinh thái khởi nghiệp “Big 4”: Mỹ, Anh, Israel và Canada. Canada vẫn đứng thứ 4, nhưng giờ đây nước này gần với hệ sinh thái khởi nghiệp của Đức ở vị trí thứ 5 hơn so với Anh và Israel. Do đó, bây giờ chúng ta có thể gọi thành câu lạc bộ “Big 3” do Mỹ dẫn đầu với khoảng cách lớn so với cả hai nước Anh và Israel.

 


Các hệ sinh thái thành phố hàng đầu

Năm 2021 đã chứng kiến những thay đổi đối với 10 thành phố, với 5 thành phố hàng đầu năm nay là: San Francisco (thứ nhất), New York (thứ 2), Bắc Kinh (thứ 3), Los Angeles (thứ 4) và London (thứ 5).

Hai hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu vẫn giữ nguyên như năm ngoái là: San Francisco và New York. San Francisco là “siêu tân tinh” của hệ sinh thái khởi nghiệp, bằng chứng là tổng điểm của nó cao gần gấp 3 lần so với New York. Giống như năm ngoái, New York đáng được ăn mừng vì đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh thứ 2 toàn cầu.

Bắc Kinh, hiện xếp thứ 3 sau khi tăng 3 bậc, là bằng chứng cho thấy mô hình đổi mới sáng tạo của Trung Quốc đang phát huy tác dụng. Xếp thứ 4 toàn cầu là Los Angeles, một thành phố không chỉ đang trở thành trung tâm giải trí mà hiện còn là thành phố dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, vượt xa các hệ sinh thái như London và Boston.

London, xếp thứ 5, đang phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức. Boston, xếp thứ 6, không thể theo kịp với thành tích xuất sắc của Bắc Kinh và Los Angeles, từ bỏ 2 bậc nhưng vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn cầu. Ở vị trí thứ 7 là một thành phố khác của Trung Quốc, đó là Thượng Hải, đang củng cố vị trí như một trung tâm hàng đầu thế giới và điều này cung cấp thêm bằng chứng về tốc độ phát triển vượt trội của các hệ sinh thái Trung Quốc.

 


Ở vị trí thứ 8, Tel Aviv là một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế đại diện cho quốc gia khởi nghiệp Israel. Đứng ở vị trí thứ 9 là Moscow, một trung tâm hùng mạnh với những tài năng xuất chúng, tuy nhiên, hệ sinh thái được định hướng nội địa hơn, phục vụ chủ yếu cho thị trường rộng lớn của Nga, mặc dù có tiềm năng vươn ra toàn cầu nếu tình hình địa chính trị cho phép. Ở vị trí thứ 10 sau khi tăng 4 bậc, đó là hệ sinh thái Bangalore, một mô hình kết hợp của trung tâm quốc tế cũng được hưởng lợi thế của thị trường địa phương rộng lớn ở Ấn Độ.

Xếp hạng ngành

 


Dựa trên mẫu của gần 100.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, StartupBlink đã chỉ ra các xu hướng thú vị liên quan đến các ngành khởi nghiệp chính, có liên quan đến mức độ hoạt động của họ (số lượng các công ty khởi nghiệp) và mức độ mở rộng (số lượng kỳ lân).

Ngành có nhiều hoạt động và khả năng mở rộng nhất là Phần mềm & Dữ liệu với hơn 24.000 công ty khởi nghiệp và 255 kỳ lân. Ngành hoạt động tích cực tiếp theo là Công nghệ Xã hội & Giải trí với hơn 8.000 công ty khởi nghiệp nhưng số lượng kỳ lân tương đối thấp ở con số 26. Mặt khác, Thương mại điện tử & Công nghệ Bán lẻ, một ngành có số lượng công ty khởi nghiệp thấp hơn (dưới 7.000), nhưng mức độ mở rộng cao thứ hai với 119 kỳ lân.

Các ngành rất năng động khác cũng có mức độ mở rộng cao là Fintech, với hơn 8.000 công ty khởi nghiệp và 110 kỳ lân, Công nghệ Y tế, với hơn 6.000 công ty khởi nghiệp và 40 kỳ lân. Một ngành thú vị là Công nghệ Vận tải, chỉ có hơn 2.000 công ty khởi nghiệp trong bản đồ của StartupBlink nhưng chắc chắn có khả năng mở rộng cao, với 55 kỳ lân.

Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Mặc dù Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng thứ 59 trên toàn cầu vào năm 2020, nhưng cả hai thành phố của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều tăng hạng vào năm 2021, kết quả này cho thấy đà tăng trưởng tích cực so với năm ngoái. Đứng thứ nhất ở Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh đã tăng 46 bậc lên vị trí thứ 179, trong khi Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí thứ 191, đưa 2 thành phố của Việt Nam nằm trong top 200 toàn cầu. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những trung tâm đổi mới sáng tạo được coi là một phần thưởng lớn cho hệ sinh thái Việt Nam, hy vọng sẽ có nhiều thành phố thực hiện theo. Với dân số gần 100 triệu dân thì hai hệ sinh thái của Việt Nam được xếp hạng chắc chắn là chưa đủ.

Tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh, phần lớn là do quy mô thị trường của nền kinh tế Việt Nam lớn, giúp cho các công ty khởi nghiệp trong nước thành công, có lợi nhuận ngay cả khi họ không mở rộng ra quốc tế. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một trung tâm khởi nghiệp tầm khu vực và toàn cầu, Việt Nam sẽ phải đổi mới để có tầm ảnh hưởng trong khu vực hoặc trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương như tài trợ và thành lập trung tâm công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh. Những sáng kiến như Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo cũng giúp tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam bằng việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ.

Tuy nhiên, cần có nhiều thay đổi về quy định để thu hút các doanh nghiệp kỹ thuật số đến với đất nước. Việt Nam càng trở thành một xã hội cởi mở, không bị hạn chế về Internet thì hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có kế hoạch đạt ít nhất 10 kỳ lân vào năm 2030. Việt Nam có thể kỳ vọng sẽ tăng thứ hạng nhanh chóng cấp quốc gia và các thành phố.

 

Theo: Bản tin Khởi nghiệp số 24.2021