Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam đang phát triển mạnh nhờ quy mô của nền kinh tế quốc gia ngày càng mở rộng. Năm 2020, thị trường tại Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lựa chọn.

Hoạt động tài chính cho khởi nghiệp ĐMST

Số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư cá nhân có sự tăng trưởng cao và hoạt động bài bản hơn các năm trước. Hiện có 61 quỹ đầu tư hoạt động ở Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018. Phần lớn trong số này là các quỹ đầu tư nước ngoài và có 11 quỹ đầu tư trong nước. Theo Báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2020” do Quỹ Do Ventures (Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu, tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đồng phát hành, tổng số vốn đầu tư vào các DNKN công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019 (Hình 1). Sự suy giảm này chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Giá trị các thương vụ lớn (Series C+) giảm mạnh gần 3 lần trong bối cảnh quy mô và số lượng giao dịch giai đoạn đầu tăng lên. Số lượng các khoản đầu tư giảm ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I/2021, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi.

 


Nguồn vốn ổn định vào các DNKN giai đoạn đầu đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm. Hơn một nửa trong tổng số thương vụ đầu tư vào DNKN công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư trong nước. Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ DNKN giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay.

Nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực đa dạng hơn. Thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet. Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau COVID-19 (Hình 2).

Trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch COVID-19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong năm 2020 cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Singapore, trong khi đó số lượng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản giảm đáng kể.

Các tập đoàn lớn, ngân hàng lớn cũng tiếp tục tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp ĐMST. Ngoài những Quỹ từ các tập đoàn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ các năm trước, Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV), năm 2019 tập đoàn VinGroup đã thành lập Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech City) vào tháng 5/2019 và đã đi vào triển khai đầu tư cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN. Một quỹ khác được thành lập vào năm 2019 là Next100, một nhánh đầu tư của Tập đoàn Technopreneurs NextTech. Đó là một quỹ khởi nghiệp giai đoạn đầu 10 triệu USD với mục tiêu đầu tư 100.000 USD đến 1 triệu USD vào mỗi DNKN sáng tạo. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác cũng tích cực tham gia vào thị trường đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, ví dụ như Masan, VietjetAir, …

Các ngân hàng như VPBank và TPBank tiếp tục cung cấp các chương trình cho vay ưu đãi cho các DNKN sáng tạo. Trong khi VPBank và UP Coworking cung cấp các cơ sở miễn phí cho các doanh nghiệp DNKN đủ điều kiện. Viettel, tập đoàn nhà nước lớn nhất Việt Nam, đã điều hành và tài trợ cho nhiều sự kiện khởi nghiệp như Viet Challenge, IOT Hackathon và Viettel Advanced Solution Track.

 


Về mặt thu hút đầu tư, quy mô và chất lượng thương vụ đầu tư. Theo dữ liệu của thống kê từ Văn phòng Đề án 844, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào DNKN Việt Nam năm 2020 là 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư là 56; trong đó, 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị. Cụ thể, các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư (Công nghệ tài chính: 12 thương vụ, tổng cộng 61,2 triệu USD; thương mại điện tử: 8 thương vụ, tổng cộng 143,85 triệu USD; HR (Quản trị nguồn nhân lực): 6 thương vụ, tổng cộng 36,88 triệu USD. Trong đó, 3 thương vụ có giá trị cao nhất là Tiki thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, nhận được khoản đầu tư 130 triệu USD; Siêu Việt thuộc lĩnh vực HR, giá trị thương vụ là 34 triệu USD; Fvndit thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, giá trị khoản đầu tư là 30 triệu USD.

Các tổ chức trung gian

Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Đề án 844, cả nước hiện có 57 cơ sở ươm tạo (BI) và 25 tổ chức có triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh (BA), tăng gấp 3-4 lần so với năm 2016. Ngoài các cơ sở ươm tạo tại 3 thành phố lớn, các tỉnh, thành phố có hoạt động khởi nghiệp đang phát triển cũng đã xây dựng được các cơ sở ươm tạo tại địa phương như Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lâm Đồng và Thái Nguyên. Việc hình thành được các cơ sở ươm tạo tại các địa phương trên giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận được các chương trình đào tạo, ươm tạo chuyên nghiệp, nhờ đó có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và phát triển ổn định, bền vững.

 


Tại ba thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các vườn ươm đều là các vườn ươm hỗ trợ đa ngành, đa lĩnh vực, qua đó giải quyết các vấn đề của đông đảo ý tưởng/DNKN trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, một số ít các vườn ươm khởi nghiệp tại các tỉnh lựa chọn ươm tạo DNKN sáng tạo theo một số lĩnh vực và giai đoạn phát triển của DNKN, có thể kể đến vườn ươm doanh nghiệp Becamex ở tỉnh Bình Dương tập trung hỗ trợ DNKN ở giai đoạn ý tưởng và mới thành lập; Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội lựa chọn hỗ trợ DNKN mới, sáng tạo và năng động trong ngành thực phẩm; Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng ươm tạo doanh nghiệp do nữ và người dân tộc Khmer làm chủ và nhóm khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh khả thi về phát triển, cung cấp một số sản phẩm/dịch vụ cụ thể và có dự định muốn thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hay mô hình vườn ươm ở Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, tập trung ươm tạo DNKN tạo tác động xã hội.

Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tập trung toàn bộ tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Phần lớn các tổ chức thúc đẩy kinh doanh đều mới được thành lập, có thời gian hoạt động bắt đầu từ năm 2015, 2016. Đặc điểm của các chương trình thúc đẩy kinh doanh là tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, tài chính, … hoặc tập trung vào giai đoạn kêu gọi vốn trên sàn chứng khoán cho DNKN, với kỳ vọng sẽ tạo lập được một thế hệ DNKN sáng tạo mới có khả năng thu hút các nguồn vốn trong nước, nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Về mặt nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp, đã hình thành, hoạt động và có sự liên kết của các huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp chuyên nghiệp. Đây là đối tượng rất quan trọng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Song song với sự phát triển về số lượng, lực lượng này cũng đã có sự liên kết, hoạt động, hợp tác chặt chẽ, điển hình là: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Mentors Initiative - VMI)...

Về cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển nhanh chóng số lượng lớn khu làm việc chung (co-working space), với số lượng hiện tại là 170 khu, tăng từ khoảng 70 khu năm 2018 và 41 khu năm 2017. Các khu làm việc chung tập trung chủ yếu tại Hà Nội (69 khu, chiếm 40,6%) và TP. Hồ Chí Minh (78 khu, chiếm 45,9%). Đứng thứ ba là Đà Nẵng, thành phố khởi nghiệp trẻ, năng động với 17 khu làm việc chung, chiếm 10%. Mặc dù mới chú trọng vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong vài năm trở lại đây nhưng những bước tiến của Đà Nẵng về số lượng khu làm việc chung là đáng ghi nhận. Ngoài ba thành phố lớn, các tỉnh có hoạt động khởi nghiệp tương đối phát triển như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hải Phòng, cũng đã hình thành khu làm việc chung, phục vụ cho nhu cầu của DNKN ĐMST của tỉnh.

Đáng chú ý, những tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp giải pháp khu làm việc chung cũng đã bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam với các trường hợp của Wework đến từ Hoa Kỳ, Kafnu đến từ Úc, Naked Hub đến từ Trung Quốc và Hive đến từ Hong Kong. Mỗi đơn vị trên đều đã có 1 cơ sở khu làm việc chung tại Việt Nam. Đặc biệt hơn cả là Regus, tập đoàn đa quốc gia với trụ sở tại Luxembourg, đã có 5 khu làm việc chung tại cả Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Sự có mặt của những thương hiệu lớn trên thế giới tại thị trường Việt Nam cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường và có thể kì vọng sẽ có ngày càng nhiều thương hiệu khu làm việc chung quốc tế có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới.

 


Hoạt động liên kết, kết nối, truyền thông

Năm 2020, hoạt động thông tin, truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ, không chỉ trên các trang báo/trang tin điện tử, các kênh truyền thống như phát thanh, truyền hình mà cả trên các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội cũng đánh dấu nhiều kết quả đáng chú ý.

 


Kênh báo điện tử: hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo trên các trang báo, đặc biệt là báo điện tử, tiếp tục đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các trang báo điện tử đều đưa tin về khởi nghiệp, trong đó ít nhất 13 trang báo/trang tin trung ương có chuyên mục riêng về khởi nghiệp. Một số trang báo nổi bật có hoạt động đưa tin thường xuyên về khởi nghiệp sáng tạo và được độc giả đón nhận phải kể đến: VnExpress; Diễn đàn doanh nghiệp; Báo khoa học phát triển, Thời báo kinh tế Sài gòn, ICTNews, Cafebiz, VnEconomy, Vietnamnet, Báo đầu tư, Báo Tuổi trẻ, ….

Kênh truyền hình: tính đến thời điểm hiện tại, có 10 chương trình truyền hình về khởi nghiệp được phát sóng. Một số chương trình nổi bật như: Chương trình “Khởi nghiệp công nghệ” phát sóng trên VTV3; Chương trình “Sức bật Khởi nghiệp sáng tạo” phát sóng trên kênh HTV7; Chương trình Shark Tank phát sóng trên VTV3 - gọi vốn đầu tư với cam kết rót vốn 22 triệu USD cho các doanh nghiệp sau mùa thứ 3; Chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” phát sóng trên VTV1, riêng kênh youtube của chương trình đã có 13,3 nghìn người đăng ký với 52 tập được ghi hình. Ngoài ra, các chương trình như Cafe khởi nghiệp, Sáng tạo khởi nghiệp cũng đang duy trì phát sóng hằng tuần. Từ các chương trình này, những kinh nghiệm và kiến thức về kinh doanh, công nghệ, tài chính,... đã đến gần hơn với khán giả nhờ có sự phân tích và đánh giá trực tiếp từ nhiều góc nhìn của các chuyên gia và các nhà sáng lập doanh nghiệp.

Mạng xã hội: Facebook trở thành một kênh truyền thông không thể thiếu của các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Các Fanpage tiêu biểu như: Shark Tank Việt Nam, Quốc gia khởi nghiệp, Khởi nghiệp Việt Nam, Hành trình khởi nghiệp, Cà phê khởi nghiệp,... với số lượng theo dõi từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người. Một số cộng đồng lớn về khởi nghiệp như: Tìm bạn khởi nghiệp (Business Group) với 177.401 thành viên; KNVN.VN với 65.506 thành viên; Group “Launch” với 42.107 thành viên ,....

Hiện có khoảng 10 chuyên trang thông tin về khởi nghiệp. Các trang/nền tảng thông tin là nơi tổng hợp, cung cấp các thông tin, CSDL, kiến thức hữu ích liên quan đến khởi nghiệp. Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (https://startup.gov.vn/) là cổng thông tin chính thống duy nhất của Chính phủ về khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, cung cấp hệ thống thông tin hữu ích cho các nhà khoa học trẻ, thanh niên, sinh viên trên cả nước bao gồm: hệ thống các CSDL các DNKN, tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, các quỹ đầu tư, cơ sở pháp lý, kiến thức và tư liệu phục vụ quá trình khởi nghiệp,… Các sự kiện, cuộc thi ngày càng hướng tới mục tiêu kết nối và gọi vốn thành công cho DNKN sáng tạo, có thể kể tới như Cuộc thi Sáng tạo và Đầu tư Marubeni của Nhật Bản dành cho Startup Fintech; Cuộc thi SpaceShare Startup Talent, Hội nghị Việt Nam Venture Summit 2020, Vietnam Innovation Summit 2020, Vietnam Startup Day 2020, Festival Khởi nghiệp 2020, ... Bên cạnh những sự kiện khởi nghiệp tiêu biểu tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, năm 2020 có 2 sự kiện khởi nghiệp có quy mô đó là Techfest vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre và Techfest vùng Đông Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh.

Nổi bật nhất là chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2020 được tổ chức bao gồm: các sự kiện Techfest vùng, các sự kiện Techfest quốc gia, các hoạt động kết nối đầu tư, huấn luyện và rất nhiều hoạt động tại sự kiện chính diễn ra tại thành phố Hà Nội từ ngày 27-29/11/2020. Techfest quốc gia 2020 đã thu hút sự tham gia của hơn 6500 lượt người tham dự trực tiếp và trên 50.000 lượt tham dự trực tuyến tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư đạt hơn 14 triệu USD, chưa kể đến kết quả của các hoạt động kết nối đầu tư riêng tại các vườn ươm của khu vực tư nhân, các làng công nghệ trong khuôn khổ Techfest. Sự kiện đã một lần nữa khẳng định các thành tựu từ khoa học, công nghệ và ĐMST trong thời kỳ mới sẽ là động lực thúc đẩy giúp Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.

 

Theo: Bản tin Khởi nghiệp số 24.2021