Startup Đức chạy đua chế tạo 'taxi vệ tinh'
Trước sự bùng nổ của vệ tinh thương mại, các công ty khởi nghiệp của Đức đang gấp rút phát triển tên lửa phóng nhằm cạnh tranh với SpaceX.

SpaceX của tỷ phú Elon Mush hiện là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại hàng đầu trên thế giới với hệ thống tên lửa đẩy tái sử dụng Falcon 9 đã chứng minh được sự ổn định trong những năm qua. Là một cường quốc sản xuất ôtô, Đức đang nghiêm túc tham gia vào cuộc đua không gian này, với ít nhất ba dự án phát triển phương tiện phóng cho vệ tinh cỡ vừa và nhỏ để cạnh tranh với SpaceX và các công ty vũ trụ lớn khác.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, công ty khởi nghiệp Rocket Factory Augsburg (RFA) của Đức tuyên bố đã thực hiện thành công "thử nghiệm lửa tĩnh" đầu tiên với mẫu tên lửa RFA One, khi kích hoạt động cơ tại chỗ trong 8 giây ở thị trấn Kiruna, cực bắc Thụy Điển.

Hệ thống động cơ nhiều tầng của RFA One đã được sử dụng bởi SpaceX, nhưng chưa từng triển khai ở châu Âu. Theo phát ngôn viên Ibrahim Ata của Augsburg, RFA One có khả năng mang một khối lượng vệ tinh nặng tới 1.300 kg lên quỹ đạo địa cực dài 300 km.

Một công ty khác của Đức là HyImpulse, có trụ sở tại Baden-Wuerttemberg, cũng gây chú ý khi thử nghiệm động cơ kéo dài 20 giây trên quần đảo Shetland vào tháng 5, sử dụng nhiên liệu dựa trên sáp nến để tối đa hóa hiệu suất.

"Công nghệ của chúng tôi đủ tiên tiến để phục vụ thị trường phóng vệ tinh mini", Christian Schmierer, người đồng sáng lập HyImpulse, nhấn mạnh.

Dự án còn lại do công ty Isar Aerospace có trụ sở bên ngoài Munich thực hiện vẫn chưa tiến hành lần thử nghiệm động cơ nào, nhưng đây là công ty được hỗ trợ tốt nhất. Startup này có tới ba giám đốc và được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư lớn như ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier, nhà đầu tư mạo hiểm HV Capital và công ty cổ phần Porsche SE.

Isar Aerospace đến nay đã tích lũy được hơn 180 triệu USD và hy vọng có thể phóng thử nghiệm tên lửa "Spectrum" lần đầu tiên vào năm sau. Công ty dự đoán rằng thị trường phương tiện phóng vệ tinh sẽ tăng lên hơn 35 tỷ USD vào năm 2027, với các vệ tinh cỡ vừa và nhỏ chiếm khoảng một phần ba.

Ba công ty khởi nghiệp của Đức nhắm tới mục tiêu cuối cùng là lắp ráp một phi đội từ 20 đến 40 tên lửa có thể tái sử dụng một phần, đáp ứng hàng chục vụ phóng mỗi năm.

 

Theo: VnExpress