Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam: Hợp lực để bứt phá
Tại diễn đàn "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST Việt Nam), tổ chức tại Hải Phòng hôm 27/11, đại diện các Bộ, ngành đã chia sẻ nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Tại diễn đàn "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST Việt Nam), tổ chức tại Hải Phòng hôm 27/11, đại diện các Bộ, ngành đã chia sẻ nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng tri thức người Việt Nam ở nước ngoài trong việc kết nối với hệ sinh thái KNST trong nước. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài có hơn 6 triệu người, trong đó hơn 10% là tri thức, nhiều người đạt thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, sinh học và vật liệu mới,...
Việc kết nối hệ sinh thái KNST Việt Nam với các chuyên gia, cố vấn kiều bào được xem là cần thiết để Việt Nam cập nhật các xu hướng công nghệ và mô hình phát triển mới.

Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Trong 7 năm qua, Chương trình này giúp nâng cao nhận thức, đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khởi nghiệp. Kết quả, năng lực của phụ nữ được nâng cao, doanh số bán hàng xuất khẩu sản phẩm do phụ nữ tạo ra tăng 30% so với trước khi triển khai Đề án. Ngoài ra, Đề án còn góp phần hỗ trợ các bà con khởi nghiệp, giúp hình thành nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo.

Trong lĩnh vực giáo dục, ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 1665 Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Tính đến nay, 75% các trường đại học đang xây dựng không gian đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên phát triển ý tưởng và triển khai dự án. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ số, nâng cao sách, vật liệu mới và kinh tế số, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết, Chính phủ ban hành Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp vào năm 2022 với mục tiêu thúc đẩy vai trò của khởi nghiệp trong thanh niên. Tính đến nay, Chương trình đã hỗ trợ 1.200 dự án khởi nghiệp với tổng kinh phí gần 675 tỷ đồng, góp phần nâng cao vai trò của thanh niên trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, phụ nữ, học sinh, sinh viên và các địa phương tạo thành động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư khởi nghiệp toàn cầu.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ rằng trong 5 năm qua, NIC đã hình thành mạng lưới liên kết vững mạnh, quy tụ các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Trung tâm còn kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Một bước tiến quan trọng là việc khánh thành hai cơ sở tại Hà Nội và Trung tâm Hòa Lạc, với các cơ sở này cung cấp không gian làm việc và thiết bị hiện đại, giúp các startup kết nối với các quỹ đầu tư và sử dụng thiết bị chung hiệu quả. NIC hiện đang tập trung phát triển 9 ngành nghề trọng điểm, trong đó nổi bật là các ngành liên quan đến sản xuất và công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực này. Trung tâm hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng chương trình giảng dạy và cung cấp các công cụ đào tạo chuyển đổi kỹ năng cho các trường đại học và cơ sở giáo dục trong nước. NIC mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với các Bộ, ngành và các đối tác quốc tế để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Mục tiêu của NIC là thực hiện tầm nhìn "Hệ thống khởi nghiệp sáng tạo hội tụ, lan tỏa và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo tại Việt Nam."

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể và hiện đang chuyển mình sang giai đoạn mở rộng. Thứ trưởng nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn này, các thành phần trong hệ sinh thái cần điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là vai trò định hướng chính sách của Chính phủ và sự tham gia tích cực của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Thứ trưởng khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục thực hiện sáng kiến xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNST quốc gia. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội để tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp KNST, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ tham gia vào hệ sinh thái. Đây được xem là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững hệ sinh thái KNST Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.