Những thay đổi về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Mới đây, trên cơ sở khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại 7 Bộ, ngành và hơn 10 địa phương trên cả nước, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có báo cáo ghi nhận khá chi tiết về những kết quả đạt được của các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.

Trong các năm vừa qua, Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung 8 văn bản cấp Luật nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo. Các luật như Luật Thanh niên 2020, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Luật Chuyển giao công nghệ... đã xác lập địa vị pháp lý của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời hỗ trợ đăng ký và tài chính cho cộng đồng.

Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 13 nghị định, 6 quyết định và 3 chỉ thị liên quan đến các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp. Trong đó, có các đề án lớn như Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 884), Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665), Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 (Chương trình 897)... Tất cả được triển khai có hiệu quả, phát triển, giúp hàng nghìn mô hình khởi nghiệp được tạo dựng và đóng góp cho nền kinh tế các tỉnh, thành và cả nước.

Thống kê sơ bộ cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và khoảng 100 cơ sở ươm tạo được hình thành tại các địa phương; 60% các cơ sở giáo dục cấp đại học thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp và gần 200 doanh nghiệp đang cam kết đồng hành triển khai các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Đối với các chính sách hỗ trợ tài chính, tận dụng ưu đãi lãi suất, hiện nay Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) là đơn vị tài trợ vốn nổi bật và hiệu quả nhất cho thanh niên khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2020 - 2023, ngân hàng này hỗ trợ trên 1 triệu lượt thanh niên vay vốn làm kinh tế, tạo việc làm, khởi nghiệp. Đặc biệt, NHCSXH đã thực hiện qua Đoàn Thanh niên cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với tổng số tiền gần 50.000 tỷ đồng.

Trong vài năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên cũng thu hút được sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện có khoảng 35 quỹ khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn trên 400 tỷ đồng được thành lập theo Nghị định 38/2018/N-CP. Bên cạnh đó, có khoảng 200 quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đang tìm kiếm, hỗ trợ, tài trợ phát triển các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Những hạn chế cần khắc phục

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhìn chung hiện nay, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đang tập trung khá mạnh vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có hàm lượng kinh tế cao và khả năng tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hầu hết mới chỉ dừng lại ở góc độ kết nối, đào tạo, tập huấn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp. Việc hỗ trợ về khoa học công nghệ, tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các vùng thành thị và nông thôn.

Đặc biệt, các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa thống nhất trong một đạo luật riêng mà nằm rải rác ở rất nhiều cấp độ và văn bản luật khác nhau, do nhiều cơ quan, đơn vị quản lý. Từ đó, gây ra nhiều khó khăn cho việc tra cứu và áp dụng.

Về mặt hỗ trợ tài chính, tín dụng, hiện các quỹ hỗ trợ vốn còn hạn chế về mức vay và thủ tục vay vốn chưa linh hoạt. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên chưa có tài sản thế chấp. Ngoài nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, việc tiếp cận các khoản vay thương mại từ các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Để kịp thời giải quyết những bất cập trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thống nhất, đồng bộ và luật hóa các vấn đề lớn đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau, như chính sách sử dụng vốn ngân sách để đầu tư cho đổi mới sáng tạo; mô hình quỹ quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo; các chính sách ưu đãi về thuế và sử dụng tài sản công trong lĩnh vực khởi nghiệp...

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét thử nghiệm cơ chế kiểm soát (sandbox) đối với các lĩnh vực khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiềm năng nhưng chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý.

Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu ban hành riêng một nghị quyết chuyên về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trẻ, khuyến khích tham gia khởi nghiệp. Trong đó, tập trung vào các chính sách "nhanh và mạnh hơn" để hỗ trợ về thuế, cho vay tín dụng ưu đãi và các điều kiện huy động vốn mạo hiểm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định 897/Q-TTg để các địa phương đẩy nhanh hơn nữa hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo Chương trình 897.