Bài học gọi vốn 101 - Cách định giá khởi nghiệp
Câu hỏi phổ biến nhất mà tôi nhận được từ những nhà khởi nghiệp là "Làm thế nào để các nhà đầu tư xác định được mức định giá của các công ty khởi nghiệp?"
Đáng tiếc là không có công thức cụ thể nào để xác định giá của một công ty khởi nghiệp, đặc biệt là đối với các công ty mới hoạt động và có ít hoặc gần như không có số liệu kinh doanh nào. Tuy nhiên, việc thiếu một công thức định giá khuôn mẫu đôi khi lại có lợi cho các công ty khởi nghiệp, vì những người sáng lập có thể so sánh, lựa chọn giữa các điều khoản và mức định giá khác nhau được đưa ra từ nhiều nhà đầu tư.
Thông thường, mức định giá được xác định bởi cung và cầu, địa lý và ngành.
Nhu cầu và nguồn cung: Một chiến thuật mà tôi luôn nói với những người sáng lập nên làm khi gọi vốn là lên danh sách tất cả các quỹ/nhà đầu tư tiềm năng và lên lịch gặp họ cùng một lúc trong khoảng thời gian 2 tuần.
Đầu tiên, điều này khiến những người sáng lập tập trung toàn lực & tâm trí cho việc gọi vốn. Nhưng quan trọng hơn, quy trình này đồng hoá các nhà đầu tư vào trong cùng một khung thời gian để đưa ra quyết định (nếu không, một số nhà đầu tư có thể kéo dài thời gian thẩm định) và tạo ra hiệu ứng “FOMO” (“Sợ bỏ lỡ”) giữa các nhà đầu tư.
Nếu công ty khởi nghiệp của bạn thu hút được nhiều nhà đầu tư, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội nhận được nhiều thỏa thuận và có nhiều quyền thương lượng hơn.
Địa lý: Việc hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như thế nào là vấn đề quan trọng trong định giá khởi nghiệp. Ví dụ, một công ty khởi nghiệp Việt Nam huy động vốn series A không thể định giá bằng một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon cũng huy động vốn series A. Điều này là do đối với một hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm như Việt Nam, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro hơn, và cũng không có nhiều vốn lưu động trong hệ sinh thái.
Ngành: Các công ty trong các ngành khác nhau sẽ có nhu cầu vốn khác nhau, dẫn đến việc định giá khác nhau. Ví dụ, một công ty phần cứng (như Dat Bike) sẽ có nhu cầu vốn cao hơn trong giai đoạn đầu để phát triển công nghệ và sản xuất các sản phẩm hiện vật. Mặt khác, một ứng dụng dành cho người tiêu dùng (Fonos) sẽ có yêu cầu vốn thấp hơn ngay từ ban đầu. Vì vậy, một công ty khởi nghiệp phần cứng có thể sớm cần phải huy động nhiều tiền hơn với mức định giá cao hơn. Nhưng về sau, khi các công ty đã mở rộng thị phần và có nhiều số liệu kinh doanh hơn thì mức định giá có thể thay đổi.
Đối với các công ty có nhiều dữ liệu về quá trình hoạt động hơn, các nhà đầu tư có thể xây dựng một mô hình tài chính nhiều thành phần để dự báo doanh thu và dòng tiền tự do, đồng thời áp dụng các phương pháp định giá truyền thống hơn như Dòng tiền tự do chiết khấu (Discounted Free Cash Flow), Bội số so sánh công khai (Public Comps Multiples) và Bội số M&A (M&A Comps Multiples).
Điểm mấu chốt: Những nhà khởi nghiệp nếu muốn có được mức định giá hợp lý một cách thành công thì họ cần bỏ thời gian nghiên cứu định giá phù hợp của thị trường và chuyên ngành, đồng thời làm việc với nhiều nhà đầu tư cùng một lúc.