Vì sao doanh nhân sang thành phố khác khởi nghiệp? Phần 3
Sau khi phân tích hệ sinh thái tại thung lũng Silicon, chúng ta sẽ xem xét một số giải pháp phù hợp với thực tiễn của thành phố Huế.
Cần một (vài) điển hình khởi nghiệp thành công
Những thủ lĩnh xuất chúng là nhân tố thúc đẩy việc hình thành của Thung lũng Silicon và Cambridge. Ví dụ, Thung lũng Silicon sẽ vẫn chỉ là vườn đào chớm chín nếu không có sự xuất hiện của William Shockley, hay được biết đến là nhà sáng chế transistor của thế giới. Tương tự, tại Cambridge, gần như sẽ không có ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm nếu không có giáo sư Georges Doriot của Đại học Harvard Business School và cựu sinh Ken Olson của MIT, người đã thành lập tập đoàn Digital Equipment với nguồn vốn từ Quỹ American Research and Development của Doriot.
Vốn, nhân tài và các công ty trụ cột đi theo những startup thành công đầu tiên. Các nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động theo kiểu “bầy đàn”. Nếu họ nhìn thấy một doanh nghiệp khác có lợi nhuận thông qua một thương vụ, họ sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp tương tự. Do đó sự xuất hiện của thương vụ thành công đầu tiên sẽ thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư, và nếu những thương vụ này thành công, một hiệu ứng quả cầu tuyết sẽ xuất hiện. Nếu một số startup có thể trở thành công ty đại chúng và tăng trưởng mạnh, họ có thể sẽ là các công ty trụ cột mà sau đó sẽ đầu tư vốn và các nhân sự tài năng của họ ngược trở lại vào khu vực. Và những thành công bước đầu đó thu hút ngày càng nhiều người trong các trường đại học ở khu vực khởi nghiệp.
Vậy các thành phố nên làm gì?
Trở lại câu chuyện của Thừa Thiên Huế, nhìn từ phân tích của mô hình Startup Common, có thể thấy Huế có những lợi thế nhất định khi sở hữu mạng lưới trường đại học mạnh, người dân gắn kết với nhau và đã có những dấu hiệu khởi nghiệp đạt được thành tựu và thu hút được vốn đầu tư về khu vực. Tuy nhiên, Huế vẫn đang ở giai đoạn thiếu vắng những công ty trụ cột, văn hóa kinh doanh và mạng lưới doanh nhân có thể trở thành cố vấn và góp phần thúc đẩy hệ sinh thái. Ông Phan Thiên Định cũng nhận định văn hóa người Huế đang hạn chế hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, điển hình qua câu nói mà các thế hệ người Huế vẫn truyền lại cho con cháu “Ở Huế mà làm ăn chi con”. Do đó, thời gian tới, Huế cần nhiều nguồn lực để tạo nền tảng cho sự phát triển của các startup tiềm năng.
Để thực hiện được sự phát triển trên, đầu tiên chính quyền thành phố cần tập hợp lại đội ngũ doanh nhân, quỹ đầu tư, lãnh đạo thành phố, trường đại học, một số tập đoàn, và yêu cầu họ đề ra một quy trình chung để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong thành phố. Tiếp theo, cần học hỏi những điển hình xây dựng hệ sinh thái thành công khác và cả những bài học thất bại. Quan trọng nhất, thành phố cần xác định tầm nhìn và định hướng phát triển hệ sinh thái của mình, lựa chọn kỹ năng tốt nhất mà các startup địa phương có lợi thế, xác định nguồn vốn, chất lượng mạng lưới cố vấn tồn tại ở địa phương, tính toán thời điểm các điển hình khởi nghiệp thành công có thể xuất hiện…
Đặc biệt, chính quyền thành phố cần thu hút những lãnh đạo tài năng mà có thể phát triển các công ty có thể tăng trưởng nhanh, đó có thể là những giáo sư hoặc sinh viên từ các trường đại học địa phương, đang làm việc ở những công ty địa phương, hoặc sống và làm việc ở đâu đó khác. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy các yếu tố văn hóa là hết sức cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của các công ty này. 
Huế mới đây đã ban hành Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025 với rất nhiều mục tiêu cụ thể. Có thể thấy chiến lược mới của Huế đặc biệt nhấn mạnh đến ba yếu tố: thúc đẩy khởi nghiệp từ các trường đại học; hỗ trợ khởi nghiệp từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; và tăng cường tạo nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp thông qua vận hành hiệu quả Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và thu hút 1-2 quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại Huế.
Những nỗ lực tạo nền tảng kết hợp với mục tiêu trở thành một trung tâm thu hút nhân tài và khởi nghiệp của khu vực trong 5 năm tới đang cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố. Dù vậy, cho đến khi có sự xuất hiện đầu tiên của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công, khu vực này mới có thể ngày càng phát triển thành một trung tâm của khởi nghiệp. 

Đón đọc phần 1 và phần 2 của bài viết tại:
Phần 1:  http://startup.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?l=Tintucsukien&ItemID=307
Phần 2:  http://startup.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?l=Tintucsukien&ItemID=308