Những yếu tố giúp mô hình kinh doanh Foody thành công ngoài mong đợi?
Hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ do quy mô thị trường đầy tiềm năng và triển vọng. Điều này được chứng tỏ bởi các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam chiếm đến 18% - tương đương 741 triệu USD - trong tổng số vốn đầu tư vào Đông Nam Á vào năm 2019. Trong đó, thị trường được hưởng ứng và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc có thể kể đến FoodTech, mà doanh nghiệp tiêu biểu mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này chính là Foody.
Có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Foody là một cộng đồng đáng tin cậy giúp mọi người tìm kiếm, đánh giá và bình luận về các địa điểm ăn uống qua Website và App. Các sản phẩm trên ứng dụng đa dạng với nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán bar, karaoke, tiệm bánh, khu nghỉ dưỡng,... Sau 6 năm hoạt động, Foody đã xây dựng mô hình kinh doanh khá thành công trong lĩnh vực FoodTech, tiếp cận được hàng triệu người dùng mới mỗi năm. Vậy, những yếu tố giúp Foody được ưa chuộng đến vậy là gì?
 
Giao diện dễ hiểu, thân thiện với người dùng
 
So với hầu hết các ứng dụng của đối thủ cạnh tranh, việc thiết kế giao diện dễ hiểu tại Foody là điểm cộng to lớn giúp khách hàng dễ dàng sử dụng và tương tác trực tiếp. Ngoài ra, Foody cho phép thành viên chèn hình ảnh vào bình luận, đánh giá địa điểm theo 5 tiêu chí: Món ăn, vị trí, không gian, giá cả và dịch vụ. Tất cả đều được phân loại rõ ràng nhất có thể để người có nhu cầu tham khảo.
 
Chính vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi tính đến cuối năm 2020, Foody đã đạt 334,384 địa điểm (danh sách nhà hàng, quán ăn) toàn quốc, hơn 38 triệu người sử dụng, gần 1.500.00 lượt bình luận và hơn 10 triệu hình ảnh được tải lên (Số liệu chính thức trên trang Foody.vn 11/2020).
 
Tạo ra sự khác biệt với đa dạng sản phẩm
 
Đây gần như là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực FoodTech. Sau 6 năm ra mắt và liên tục phát triển nhiều tính năng mới, Foody có đa dạng sản phẩm đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nổi trội có thể kể đến cộng đồng Foody, dịch vụ giao nhận thức ăn NowFood và dịch vụ đặt bàn (TableNow), phần mềm bán hàng (FoodyPOS). Tất cả đều có sự liên kết nhất định, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và hiện diện doanh nghiệp.
 
Có thể nói, Foody chính là kênh tương tác 2 chiều: vừa giúp người dùng trao đổi trải nghiệm ăn uống, vừa giúp các nhà hàng tiếp nhận phản hồi, đóng góp của khách hàng.
 
Đa dạng nguồn thu
 
Là mấu chốt của việc tồn tại vững mạnh ở thời điểm hiện tại. Nguồn thu của Foody đến từ nhiều nguồn khác nhau, cụ thể:
 
Quảng cáo trên Foody + kênh mạng xã hội do Foody quản lý: Với hơn 38 triệu người dùng trong + ngoài nước và hơn 334.000 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trên các nền tảng Website cũng như App. Đây là nguồn thu chủ yếu của đơn vị này.
Dịch vụ giao nhận NowFood (Deliverynow): Foody đang thu về từ 10-20% giá trị trên mỗi đơn hàng.
Dịch vụ đặt bàn (TableNow): Với việc thu một khoản phí hoa hồng trên tổng giá trị hóa đơn phát sinh của bàn được khách đặt. TableNow được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những “át chủ bài” tại Foody trong tương lai.
Phần mềm bán hàng (FoodyPOS): với nhiều tính năng ưu việt đáp ứng nghiệp vụ kinh doanh. Phần mềm này cũng được nhiều doanh nghiệp tin tưởng sử dụng.
 
Liên kết với “ông lớn” - thanh toán dễ dàng
 
Vào tháng 3/2019, ứng dụng thương mại điện tử Shopee đã chính thức tích hợp thêm dịch vụ NowFood nhằm tăng lựa chọn cho khách hàng. Điều này đã giúp Now tận dụng được thêm 38 triệu lượt truy cập mỗi tháng từ Shopee và người dùng có thể vừa mua sắm online, vừa đặt đồ ăn qua Now trên ứng dụng Shopee thay vì phải cài đặt cả 2 ứng dụng như trước đây.
 
Hơn thế, với đa dạng hình thức thanh toán: thanh toán khi nhận hàng, thanh toán qua các ngân hàng hay gần đây nhất là qua ví điện tử Airpay với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn cũng khiến Nowfood gần hơn với người tiêu dùng.
 
Có thể nói, Foody hiện đang nắm giữ vị thế là một trong những nền tảng đánh giá (review) ẩm thực được nhiều khách ưa chuộng bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, để tồn tại và giữ vững ngôi vị trong tương lai, chắc chắn rằng, Foody sẽ còn gặp không ít thách thức và khó khăn. Hy vọng rằng CEO Đặng Hoàng Minh sẽ có chiến lược phù hợp để vượt qua tất cả như cách mà ông đã làm trong hành trình khởi nghiệp đầy giông bão trong quá khứ.