Trải nghiệm của cựu kỹ sư Google người Việt và khi những cánh chim trở về
“Khởi nghiệp ở Việt Nam có một ưu điểm rất lớn, nhưng để kiếm được tiền thực sự rất khó” - anh Kim Phạm chia sẻ với BizLIVE sau quá trình trở về nước và khởi nghiệp.

Kim Phạm là cựu kỹ sư của Google, kỹ sư thứ 100 của AirBNB và có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại AirBNB. Trở về Việt Nam, anh khởi nghiệp với tham vọng lớn ở lĩnh vực kinh tế chia sẻ.

“Sau khi làm việc ở doanh nghiệp lớn, tôi luôn khao khát làm được sản phẩm gì đó cho riêng mình, và tham vọng sau 10 - 20 năm nữa cũng sẽ trở thành những doanh nghiệp lớn như Google”, Kim Phạm nói khi đúc kết rằng, trải nghiệm làm việc ở những doanh nghiệp lớn giúp mình có tầm nhìn xa hơn…

Có đủ các điều kiện nhưng vì sao anh không chọn thẻ xanh, không chọn định cư tại Mỹ mà lại trở về Việt Nam?

Ở Mỹ tôi đã có việc làm tốt, đã có thẻ xanh, cơ hội việc làm có thể nói rất rộng mở. Đến năm 2016, ở thời điểm đó, tôi có một công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nên cũng hay phải đi đi về về, những cái mình muốn làm ở Việt Nam dễ dàng hơn so với Mỹ.
Cho đến năm 2019, cũng có cả lý do gia đình nữa, bố tôi mất, lúc ấy tôi quyết định ở hẳn tại Việt Nam còn chăm sóc cho mẹ. Nhưng câu chuyện gia đình là một phần, bản thân tôi dù ở nước ngoài nhiều năm nhưng vẫn có yếu tố gì đó thôi thúc tôi quay về Việt Nam, ban đầu là đi du lịch, sau đó gắn bó hơn với bạn bè, người thân. Ở Việt Nam mình cảm thấy mình có nhiều mối quan hệ hơn, và hai vợ chồng đều là người Việt.

Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình khi làm việc tại Google, AirBNB?

Các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới tuyển dụng nhân sự trên toàn thế giới, trong đó có rất nhiều người đến từ Trung Quốc, Ấn Độ. Họ rất chào đón những người làm về kỹ thuật như chúng tôi.

Những doanh nghiệp lớn, đã có tên tuổi trên thị trường, tỷ lệ người nộp hồ sơ và được nhận vào làm rất thấp, đâu đó khoảng chưa đầy 2,3% của số lượng những đơn nộp vào.

Trong lúc học, rất may mắn là tôi cũng được làm nhiều dự án với các giáo sư có những công việc nghiên cứu liên quan đến Google, rồi tôi cũng từng được nhận giải thưởng từ Yahoo - một công ty đối thủ của Google. Họ đánh giá cao nghiên cứu của tôi trong trường đại học. Sau đó tôi cũng thực tập ở Amazon, một công ty công nghệ lớn của Mỹ. Tôi nghĩ đó cũng là một phần lý do mà Google nhận tôi.

Họ lựa chọn nhân tài từ khắp nơi, không phân biệt thành phố vùng quê hay quen biết với ai. Quá trình tuyển dụng rất minh bạch và công bằng. Vào đến vòng phỏng vấn, họ ưu tiên những câu hỏi rất mang tính kỹ thuật.

Môi trường công ty công nghệ rất chú trọng sự sáng tạo và ủng hộ cá nhân, rất ít khi sếp ở trên bảo nhân viên làm mà hầu hết các dự án, mọi người đều tự triển khai dựa trên sự định hướng của phía trên chứ không bao giờ đi vào chi tiết, lập ra từng đầu việc một. Nó tạo ra một không gian rộng rãi thoải mái để cho nhân viên tự chủ.


 



 



Đề cao tính tự chủ như vậy đồng nghĩa với tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo trong công việc…

Tất nhiên nó cũng đòi hỏi rằng mọi người phải có ý thức tự chủ rất cao và đồng thời có cơ chế để sàng lọc những người không phù hợp. Hầu như luôn có cơ chế sàng lọc những người không phù hợp, mọi người đều đến để làm việc và tạo ra giá trị, Google không quản lý một cách chặt chẽ.

Mọi nhân viên đều được tạo điều kiện để thỏa sức sáng tạo, khi đi làm không cần phải lo về ăn uống, được ăn mỗi ngày ba bữa, lúc nào cũng có đồ ăn, chỗ để đồ ăn không xa chỗ ngồi làm việc quá 15 mét. Trong bán kính mình ngồi rất gần luôn có đồ ăn. Google tạo ra môi trường để mọi người có thể tăng tối đa hiệu suất công việc của mình như vậy.

Qua quá trình làm việc, mình đã tạo ra được nhiều sản phẩm và động lực thôi thúc mình sáng tạo ra những cái riêng cho mình luôn rất lớn. Google rất khuyến khích điều đó. Từ trải nghiệm làm việc tại Google đó, tôi cũng muốn tạo ra một môi trường làm việc tương tự cho các nhân sự ở Việt Nam.

Trước khi ra nước ngoài, tôi cũng từng có thời gian làm việc ở doanh nghiệp Việt Nam kiểu như FPT, và có thể thấy rằng ở Việt Nam, môi trường làm việc rất khác, mọi người vẫn rất sợ sếp. Ở Google dường như mọi chuyện ngược lại.

Nhìn chung, môi trường làm việc khá công bằng xét về mặt sắc tộc, tất nhiên cũng có những thống kê cho thấy rằng người đến từ châu Á bị phân biệt đối xử. Điều đó cũng có thể có, thế nhưng mà khi đã làm đến công việc tri thức rồi thì cái ưu tiên đầu tiên nhất chính là mình có làm ra được sản phẩm không rồi sau đó mới đến việc mình có được trả lương xứng đáng hay không. Công ty nào cũng có nhu cầu giữ người, nếu một nhân viên càng làm được nhiều thứ thì càng trở nên quan trọng, mức lương cũng tăng theo đó.

Như anh nói ở trên, từ trải nghiệm làm việc tại Google muốn tạo ra một môi trường làm việc tương tự cho các nhân sự ở Việt Nam. Vậy anh đã thực hiện được mong muốn đó trong quá trình khởi nghiệp sau này?

Sau khi làm việc ở doanh nghiệp lớn, tôi luôn khao khát làm được sản phẩm gì đó cho riêng mình, và tham vọng sau 10 - 20 năm nữa cũng sẽ trở thành những doanh nghiệp lớn như Google.

Trải nghiệm làm việc ở những doanh nghiệp lớn giúp mình có tầm nhìn xa hơn. Và khi lập kế hoạch, mình sẽ thấy rằng mô hình này giống ở công ty này, mình cũng sẽ hiểu được rằng mỗi một công ty có sự khác nhau như thế nào, vì vậy sẽ lợi thế hơn so với các bạn mới ra trường đi làm khởi nghiệp ngay.

Mình từng làm việc trong môi trường mà mọi người đều rất giỏi, mình sẽ có tâm lý muốn lôi thêm thật nhiều người giỏi về làm cùng. Một yếu tố then chốt để giữ cho doanh nghiệp phát triển chính là có được đội ngũ nhân sự giỏi và gắn bó với công ty.


 



Cụ thể với quá trình khởi nghiệp sau này của anh thế nào?

Trải nghiệm làm tại doanh nghiệp lớn như Google hay AirBNB cũng mang đến ý tưởng khởi nghiệp cho tôi sau này. AirBNB là công ty nhỏ hơn Google rất nhiều ở thời điểm đó. Sau khi nghỉ Google, thực ra mình có thể khởi nghiệp ngay được, nhưng rồi mình cảm thấy vẫn còn nhiều thứ để học nên mới quyết định tham gia vào công ty khởi nghiệp.

AirBNB là công ty trong lĩnh vực kinh doanh chia sẻ. Khi tôi đi du lịch, tôi được trải nghiệm ở nhà của AirBNB và cảm thấy rất hài lòng, thích thú, tôi thấy đây là một sự đột phá trong ngành kinh doanh lưu trú.

Tất cả có được nhờ vào công nghệ mà AirBNB có thể trở thành một khách sạn, tương đương với khách sạn truyền thống, các chuỗi khách sạn lớn như Hilton hay Marriot mất đến hàng trăm năm để có thể có quy mô lớn như bây giờ thế nhưng AirBNB lại chỉ mất có 10 năm để xây dựng được một chuỗi lớn hơn tất cả những chuỗi khách sạn gộp lại. Sức mạnh của công nghệ làm thay đổi cách mà doanh nghiệp truyền thống vận hành. Nó cũng làm thay đổi dần cả cách làm việc của doanh nghiệp truyền thống.

Ở Google, người ta luôn có tham vọng mang trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuộc sống, hầu hết các sản phẩm của Google đều có hỗ trợ, đóng góp của AI. Nhờ những trải nghiệm trên tôi muốn mang AI vào cho tất cả các khách hàng của AirBNB nữa. Tôi muốn mang đến sự thay đổi đột phá cho ngành dịch vụ, ngành mà cho đến nay vốn chưa sử dụng nhiều công nghệ AI.


 




Khi về nước, anh thấy môi trường kinh doanh khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?

Khởi nghiệp ở Việt Nam có một ưu điểm rất lớn, mọi thứ tương đối rẻ so với ở nước ngoài, ví dụ như chi phí văn phòng, chi phí lương nhân viên rất thấp so với ở nước ngoài. Ở Việt Nam có một thị trường rất tiềm năng, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Việt Nam mình có 3.000 km bờ biển và rất thích hợp cho làm du lịch, mức độ phát triển của ngành du lịch Việt Nam so với trên thế giới còn thua rất xa. Như vậy Việt Nam mang đến môi trường tốt để mình triển khai sản phẩm. Việt Nam rất cần công nghệ cho ngành du lịch, chính vì vậy khi trở về nước, tôi xây dựng được cộng đồng các chủ nhà AirBNB rất nhanh.

Trong vòng một năm, tôi đã tập hợp được khoảng 30.000 người làm việc trong ngành kinh tế chia sẻ này ở Việt Nam, trong khi cộng đồng tương tự ở bên Mỹ cũng chỉ có khoảng vài trăm người, có thể thấy đây chính là sự khác biệt rất lớn. Nói nôm na, Việt Nam thực sự có đất dụng võ, sản phẩm nào thế giới dùng được thì ở Việt Nam cũng có thể coi ở giai đoạn chấp nhận được. 


 



Tuy nhiên cũng có những khó khăn. Để kiếm được tiền ở Việt Nam thực sự rất khó. Đó là ở số tiền họ sẵn sàng bỏ ra để sử dụng sản phẩm. Chính vì vậy chúng tôi buộc phải thay đổi sản phẩm để làm sao cho nó rẻ nhất có thể, thậm chí có nhiều khi phải miễn phí để có thể đưa được sản phẩm đến với một số đối tượng.

Tôi và đội ngũ làm việc vì vậy chuyển đổi sản phẩm từ mô hình trả tiền sang mô hình “Freemium”, đăng ký sử dụng miễn phí nhưng rồi sau đó sẽ có những tính năng đặc biệt họ sẽ bắt buộc phải trả tiền. Đó là kiểu mà chúng tôi phải thay đổi để thích nghi ở Việt Nam.

Một khó khăn chính là ở Việt Nam, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp như ở nước ngoài, nhiều khi nếu không cẩn thận, sẽ có những xung đột. Sẽ phải rất chọn lọc, để mà tuyển dụng nhân sự làm cái mới ở Việt Nam rất khó, bởi phần lớn mọi người đều quen với làm những cái mà người đó đã biết rõ; mọi người khá ngại với những cái mà người ta chưa biết. Ở Việt Nam, tập hợp được bộ máy nhân sự chất lượng để làm việc khá khó.

Ngoài ra, nhiều thủ tục liên quan và cách quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam khó hơn rất nhiều. Ở Mỹ, để đăng ký thành lập doanh nghiệp có khi chỉ mất khoảng 1,2 tiếng, và rồi 1 tuần để chờ đợt kết quả, mọi thứ đều có thể làm được qua Internet. Tuy nhiên ở Việt Nam, mọi thứ đều phải qua giấy tờ, mọi chuyện khá khó khăn, đặc biệt trong thời kỳ COVID này, khi ký hợp đồng và mọi giấy tờ vẫn phải đóng dấu, gửi đi bản cứng. Hoạt động giao dịch giữa các doanh nghiệp khá chậm và mọi người đã quen với việc chậm đó rồi.

Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam cũng đương đầu với nhiều khó khăn về mặt pháp lý. Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam chưa được công nhận rộng rãi, cho nên sẽ phải mất rất nhiều thời gian để đi giải thích cho các bộ ngành hiểu được là hoạt động này như thế nào.

Tóm lại ở Việt Nam đương đầu với nhiều khó khăn về thói quen của người dùng, nhân sự, tính chuyên nghiệp của người lao động rồi đến thủ tục hành chính.

 

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp