Khóa học Design Thinking - Testing sản phẩm
Testing là giai đoạn quan trọng nằm trong mô hình Design Thinking (Tư duy thiết kế) giúp hiện kiểm chứng về giải pháp của công ty thông qua phản hồi từ khách hàng. Vậy thế nào là Testing sản phẩm? Mục đích, ý nghĩa của giai đoạn này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện ý tưởng là gì? Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp những điều đó.

Nằm ở giai đoạn cuối của mô hình Design Thinking, Testing là quá trình kiểm tra hoạt động của ý tưởng, cũng như là bước đánh giá cuối cùng cho toàn bộ quá trình xây dựng ý tưởng. Việc testing là vô cùng quan trọng bởi đội ngũ phát triển sản phẩm có thể nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng, từ đó có đủ thời gian để áp dụng những thay đổi cần thiết đối với sản phẩm. 

Nếu giai đoạn Prototyping giúp hiện thực hoá và đưa mẫu ý tưởng tiếp cận với người dùng, thì Testing được tiến hành để phát hiện ra các lỗi của mẫu ý tưởng trong từng điều kiện cụ thể để từ đó khắc phục và sửa chữa. Mục đích chính của Testing là giúp ý tưởng đáp ứng được các yêu cầu cần thiết, bao gồm tiêu chuẩn về thiết kế sản phẩm/dịch vụ và yêu cầu của các bên liên quan (người dùng, khách hàng, quy định của pháp luật hiện hành). Việc kiểm tra có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong quá trình phát triển mẫu ý tưởng đó. Đây chính là điểm khác biệt giữa phương pháp Design Thinking và các phương pháp phát triển sản phẩm truyền thông. 

Bên cạnh đó, các thông tin thu được về chất lượng sản phẩm/dịch vụ từ quá trình kiểm tra được cung cấp cho doanh nghiệp và các bên liên quan (người dùng, đối tác) để từ đó cho phép họ đánh giá, xem xét những rủi ro trong quá trình triển khai ý tưởng. Thông tin về mẫu ý tưởng cũng sẽ được sử dụng để điều chỉnh quá trình phát triển ý tưởng sau này. Đối với nhà đầu tư, khi quyết định đầu tư vào một sản phẩm/dịch vụ, họ sẽ đánh giá thông qua khả năng chấp nhận sản phẩm/dịch vụ đó của người dùng, đối tượng phục vụ, người mua, hay những người giữ vai trò quan trọng khác. Và Testing là một quá trình nỗ lực để cho nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng của sản phẩm và quyết định xem họ có nên đầu tư vào sản phẩm của startup này hay không. Chính vì vậy, các startup cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc testing, để trong quá trình thực hiện, thu thập những số liệu cần thiết và hữu dụng nhất. 

Như vậy, chúng ta đã đi qua hết các giai đoạn của Design Thinking. Mỗi giai đoạn sẽ có một vai trò rất riêng, đóng góp cho sự thành công của việc phát triển sản phẩm. Nếu startup nắm vững và áp dụng phương pháp tiếp cận này, startup có thể giảm thiểu được nguy cơ khách hàng không chấp nhận sản phẩm cuối cùng mà họ sản xuất ra. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn giúp startup tiết kiệm được nguồn lực và tiếp cận sớm khách hàng mục tiêu.