Hệ sinh thái Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2019 (Phần cuối)
Theo Báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, trong năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vươn lên đứng thứ ba trong số sáu quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% cho cả năm 2018, đứng thứ ba sau Indonesia (48%) và Singapore (25%).

HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM NĂM 2019

Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật

Cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, cầu cảng, điện lực, viễn thông chất lượng cao, có đóng góp lớn đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam. Cải thiện hệ thống cảng biển, sân bay, cơ sở hạ tầng Internet giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đưa hàng hóa của mình tới thị trường thế giới một cách nhanh chóng và thuận tiện. Với sự trợ giúp của cơ sở hạ tầng thuận lợi, những sản phẩm thuê truyền thống, đồ gia dụng được đan từ bèo tây, mây, tre lá, đồ gốm sứ, đồ đúc đồng, đồ gỗ mỹ nghệ,... của nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp tại vùng nông thôn tìm được nguồn khách hàng trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Giao nhận Kho Vận Việt Nam, tổng chi phí mà các doanh nghiệp phải trả cho dịch vụ logistic ở Việt Nam hiện đang ở mức cao hơn so với trung bình của thế giới, chiếm tới 25% GDP. Trong khi đó, theo World Bank, chi phí logistics của Mỹ khoảng 7,7% GDP/năm, các nước khối EU khoảng 10% GDP. Tại Châu Á, chi phí logistics của Singapore vào khoảng 8% GDP, Nhật Bản khoảng 11% GDP, Trung Quốc khoảng 8% GDP.

Hệ thống Internet của Việt Nam có sự phát triển tương đối nhanh chóng và có độ bao phủ cao. Trong số 86 quốc gia được thống kê về chỉ số Internet toàn diện, Việt Nam xếp thứ 43 và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan và Singapore. Năm 2019, số người dân sử dụng Internet cũng đạt khoảng 64 triệu người, chiếm 66% tổng dân số, tăng khoảng 28% so với năm 2017.

Hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang được chính phủ đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là các trung tâm đổi mới sáng tạo và các khu công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự kiến khánh thành vào cuối năm 2020.

Một loạt các khu công nghệ cao tại các thành phố lớn đã được xây dựng như Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thường xuyên được đầu tư xây dựng, nâng cấp mới cơ sở vật chất. Tháng 4/2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub), dự án hợp tác với công ty Ericsson (Thụy Điển) đã được ra mắt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nắm bắt cơ hội, thách thức mới trong các xu hướng mới nhất về số hóa, kết nối vạn vật của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Với chủ trương tạo nên một trung tâm cho hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình BIock71 của Singapore và Station F Campus của Pháp, TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo thành phố. Công trình sẽ được xây dựng tại số 123 Trương Định, Quận 3 và dự kiến sẽ được khởi công vào nửa đầu năm 2020. Tòa nhà có diện tích sàn khoảng 20.000 m2, với tổng chi phí xây dựng vào khoảng 323 tỉ đồng.

Đồng thời với kế hoạch xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình Block71 cũng được triển khai xây dựng tại Bình Dương, với sự hợp tác của Tổng công ty Becamex IDC và Đại học quốc gia Singapore. Dự án hứa hẹn không chỉ là một tòa nhà, không gian làm việc chung cho những người có ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo mà còn có những hoạt động khác như hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và kết nối với nhà đầu tư.

Khu công nghệ cao

Hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang được Chính phủ đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là các trung tâm đổi mới sáng tạo và các khu công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự kiến khánh thành vào cuối năm 2020.

Một loạt các khu công nghệ cao tại các thành phố lớn đã được xây dựng như Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và thường xuyên được đầu tư xây dựng, nâng cấp mới cơ sở vật chất. Tháng 4/2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub), dự án hợp tác với công ty Ericsson (Thụy Điển) đã được ra mắt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nắm bắt cơ hội, thách thức mới trong các xu hướng mới nhất về số hóa, kết nối vạn vật của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Khu làm việc chung

Hiện nay trên cả nước có khoảng 170 khu làm việc chung, tăng gấp gần 2,5 lần so với khoảng 70 khu của năm 2018. Sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy là do sự phát triển nhanh chóng của DNVVN, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dẫn đến nhu cầu cao đối với phân khúc văn phòng có giá cả hợp lý.

Đáng chú ý là bên cạnh các startup và công ty công nghệ, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn có nhiều năm hoạt động cũng đang dần chuyển sang làm việc tại các khu làm việc chung bởi tính linh hoạt, sáng tạo, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ tốt. Không còn chỉ là nơi cung cấp không gian, chỗ ngồi để làm việc, các khu làm việc chung trên cả nước đang dần trở thành một cộng đồng nhỏ, bao gồm đơn vị cung cấp dịch vụ giải trí, ăn uống, thể thao,... đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.

Các khu làm việc chung chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai thành phố đi đầu về khởi nghiệp ĐMST trên cả nước. TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều khu làm việc chung nhất với 78 cơ sở, chiếm 45,9% số lượng địa điểm làm việc chung của cả nước. Tiếp theo là Hà Nội với 69 cơ sở, chiếm 40.6%. Đứng thứ ba là Đà Nẵng, thành phố khởi nghiệp trẻ, năng động với 17 địa điểm làm việc chung, chiếm 10%. Mặc dù mới chú trọng vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong vài năm trở lại đây nhưng những bước tiến của Đà Nẵng về số lượng khu làm việc chung là vô cùng đáng ghi nhận.

Ngoài ba thành phố lớn kể trên, các tỉnh có hoạt động khởi nghiệp tương đối phát triển như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hải Phòng... cũng đã hình thành khu làm việc chung, phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

Đáng chú ý, những tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp giải pháp khu làm việc chung cũng đã bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam với các trường hợp của Wework đến từ Mỹ, Kafnu đến từ Australia, Naked Hub đến từ Trung Quốc và Hive đến từ Hong Kong. Mỗi đơn vị trên đều đã có 1 cơ sở khu làm việc chung tại Việt Nam. Đặc biệt hơn cả là Regus, tập đoàn đa quốc gia với trụ sở tại Luxembourg, đã có 5 khu làm việc chung tại Việt Nam tại cả Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Sự có mặt của những thương hiệu lớn trên thế giới tại thị trường khu làm việc chung Việt Nam cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường và có thể kì vọng sẽ có ngày càng nhiều thương hiệu khu làm việc chung quốc tế có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới.

Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp

Tại Việt Nam hiện nay có 38 vườn ươm doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 72% tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai thành phố với hoạt động khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ nhất trong cả nước. Đà Nẵng, thành phố khởi nghiệp trẻ cũng đã xây dựng 3 vườn ươm doanh nghiệp, tập trung vào thế mạnh của thành phố là du lịch, ẩm thực và công nghệ cao.

Bên cạnh 3 thành phố lớn, các tỉnh, thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển cũng đã xây dựng được vườn ươm doanh nghiệp tại địa phương như Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lâm Đồng và Thái Nguyên, trong đó Cần Thơ có 2 vườn ươm doanh nghiệp, còn 5 tỉnh còn lại mỗi tỉnh có 1 vườn ươm khởi nghiệp.

Việc bắt đầu hình thành những vườn ươm khởi nghiệp tại các địa phương giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận được chương trình đào tạo, ươm tạo chuyên nghiệp, nhờ đó có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và phát triển ổn định, bền vững.

Phần lớn các vườn ươm này được thành lập trong khoảng thời gian từ 2015 - 2018, cùng thời điểm với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và hoạt động khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ tại các tỉnh, thành, địa phương.
 

Tổ chức thúc đẩy kinh doanh

Hiện tại ở Việt Nam có 23 tổ chức cung cấp các chương trình thúc đẩy kinh doanh với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao năng lực về pháp lý, tài chính, kỹ năng thuyết trình để tiến tới kêu gọi vốn đầu tư thành công. Hà Nội là địa điểm tập trung nhiều tổ chức thúc đẩy kinh doanh nhất với 10/23 tổ chức, tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh với 9/23 tổ chức. Đà Nẵng, Thái Nguyên và Huế có 1/23 tổ chức. Bên cạnh đó còn có Chương trình thúc đẩy kinh doanh Google Launchpad của Google. Chương trình được tiến hành trên toàn thế giới và đến năm 2017, chương trình đã chính thức tuyển chọn các startup tiềm năng của Việt Nam để tham gia.

Phần lớn các tổ chức thúc đẩy kinh doanh đều mới được thành lập, có thời gian hoạt động bắt đầu từ năm 2015, 2016. Trong năm 2019, có hai tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập là Thinkzone và Saola. Thinkzone tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ tài chính, còn Saola là tổ chức thúc đẩy kinh doanh do 500 Startups, quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trên thế giới lập ra. Bên cạnh đó là việc hình thành và triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh nhận được hỗ trợ từ Đề án 844 tại các đơn vị như Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ...

Đặc điểm của các chương trình này là tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, tài chính hoặc tập trung vào giai đoạn kêu gọi vốn trên sàn chứng khoán cho startup, với kỳ vọng sẽ tạo lập được một thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới có khả năng thu hút các nguồn vốn trong nước, nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Liên kết KN ĐMST trong nước và quốc tế

Theo số liệu thống kê, năm 2019 có trên 250 sự kiện và hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã được tổ chức, trải dài trên khắp cả nước và vươn ra thế giới. Trong đó, các sự kiện, hoạt động có quy mô từ trung bình (thu hút hơn 500 người tham dự) đến rất lớn (hơn 5000 người tham gia) chiếm khoảng 20%. Các sự kiện, hoạt động được tổ chức dựa trên sự phối hợp, liên kết của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều chuyên gia đi đầu các lĩnh vực trong nước và nước ngoài.
 

Các sự kiện, cuộc thi cũng ngày càng hướng tới mục tiêu kết nối và gọi vốn thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có thể kể tới như trong lĩnh vực fintech (Cuộc thi Sáng tạo và Đầu tư Marubeni của Nhật Bản dành cho Startup Fintech; Cuộc thi SpaceShare Startup Talent, Hội nghị Việt Nam Venture Summit 2019...)
 

Ngoài những sự kiện khởi nghiệp tiêu biểu tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, năm 2019 bùng nổ nhiều sự kiện khởi nghiệp có quy mô tại nhiều vùng địa phương khác trên cả nước, trong đó phải kể đến Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tỉnh Quảng Nam 2019 - Techfest Quảng Nam 2019, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Hải Phòng 2019 - Techfest Hải Phòng 2019, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tỉnh Lạng Sơn 2019 - Techfest Lạng Sơn 2019, Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp diễn ra tại ba tỉnh Lào Cai, Cần Thơ và Quảng Nam...

Nổi bật là chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia TECHFEST Việt Nam 2019 được tổ chức bao gồm: Các sự kiện Techfest vùng, các sự kiện Techfest quốc gia, các hoạt động kết nối đầu tư, huấn luyện và hàng chục hoạt động tại sự kiện chính diễn ra tại thành phố Hạ Long từ ngày 4-6/12/2019. Sự kiện này đã thu hút trên 6.500 lượt khách tham dự, 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, trên 200 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới, đã có 250 cuộc kết nối đầu tư diễn ra với số vốn đầu tư lên đến trên 14 triệu USD.

Trong năm 2019, hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo đặc biệt được chú trọng và đã có những sự phát triển tích cực cả từ trung ương tới địa phương. Các trang báo và trang tin điện tử, các kênh truyền thống như phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội cũng đánh dấu nhiều kết quả đáng chú ý. Hầu hết các trang báo lớn đưa tin thường xuyên về khởi nghiệp sáng tạo và được độc giả quan tâm.

Trên truyền hình, hiện tại có 10 chương trình về khởi nghiệp được phát sóng, tiêu biểu như: “Khởi nghiệp công nghệ” (VTV3), “Sức bật Khởi nghiệp sáng tạo” (HTV7), “Quốc gia khởi nghiệp” (VTV1); chương trình Shark Tank - gọi vốn đầu tư... Các chương trình này đã cung cấp cho khán giả những kinh nghiệm và kiến thức về kinh doanh, công nghệ, tài chính... nhờ có sự phân tích và đánh giá trực tiếp từ nhiều góc nhìn của các chuyên gia và các nhà sáng lập doanh nghiệp.
 

Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia (startup.gov.vn) cung cấp hệ thống thông tin hữu ích cho các nhà khoa học trẻ, thanh niên, sinh viên trên cả nước bao gồm: Hệ thống các cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, các quỹ đầu tư, cơ sở pháp lý, kiến thức và tư liệu phục vụ quá trình khởi nghiệp...

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các hoạt động ĐMST, mạng lưới các tổ chức đầu mối về hoạt động thông tin, thống kê KH&CN ở các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục được kiện toàn và tăng cường kết nối thông qua Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaREN) và Cổng thông tin KH&CN quốc gia (vista.gov.vn).

CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM

Những năm gần đây, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo đang diễn ra sôi động. Hiện có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động với những mô hình sản phẩm sáng tạo và đột phá trên nhiều lĩnh vực đời sống. Số lượng doanh nghiệp vẫn tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Cùng với việc chuyển đổi sang nền kinh tế số, xu hướng phát triển công nghệ đang tập trung vào những lĩnh vực sau: Internet vạn vật; phân tích dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo, học máy, công nghệ người máy; chuỗi khối; thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường; in 3D và điện toán đám mây. Làn sóng phát triển của nhóm những công nghệ mới nổi này đã thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Về Internet vạn vật (IoT), ứng dụng tương đối đa dạng từ ngành nông nghiệp (Mimosa Tech với giải pháp nông nghiệp chính xác; Hachi với giải pháp khu vườn cá nhân tự động ở nhà thành phố); nhà thông minh (Smarthome) như sản phẩm của BKAV và Lumi; giao thông vận tải logistics (Abivin cung cấp giải pháp tối ưu hóa cho các phương tiện vận chuyển). Nhiều sự kiện liên quan được tổ chức, nhiều hoạt động kết nối được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp lớn như Intels, Điện Quang, Acis...

Về dữ liệu lớn, một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến là PowerSell (Quán quân cuộc thi Startup Việt 2018) - nền tảng quản lý bán hàng đa kênh tự động, hay trong lĩnh vực du lịch, Luxstay (Startup đã nhận được cam kết đầu tư đến 6 triệu USD tính đến tháng 7/2019) và Bedlinker (Dự án đạt giải nhất trong cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch 2019 do Tổng cục Du lịch tổ chức) nhờ vào việc khai thác dữ liệu người dùng trên chính ứng dụng của mình, đã cải thiện việc kết nối giữa chủ nhà và khách du lịch, đồng thời tạo ra những tour du lịch hấp dẫn hơn, nâng cao cả hoạt động xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh.

Các cuộc thi kinh doanh, khởi nghiệp trong lĩnh vực Dữ liệu lớn cũng tạo được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng như Startup Việt 2019 đã lựa chọn ra 25 dự án xuất sắc nhất đều tập trung vào ứng dụng các công nghệ ứng dụng IoT, Big Data, AI trong đa dạng các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, tài chính, thương mại điện tử như Tubudd, QR Guilding,Trip Hunter, Tidy, GoodCV, BlueCare.

Về trí tuệ nhân tạo, là công nghệ được ứng dụng đa lĩnh vực, đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Có thể kể tới: Gotit! - Ứng dụng giáo dục giúp người dùng giải đáp các bài tập của mình thông qua việc kết nối với các chuyên gia tham gia vào nền tảng, hay OhmniLabs - Robots giúp việc hướng đến đối tượng sử dụng là người già. Trong lĩnh vực y tế là hệ thống Harrison-AI - chăm sóc sức khỏe nhờ trí tuệ nhân tạo. Và Hana.ai là một startup trong thị trường trợ lý ảo nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao hoạt động bán hàng và chăm sóc khách hàng. Trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN), sự kiện AI Startup Showcase đã quy tụ nhiều startup tiềm năng trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như Minet - nền tảng kết nối nhãn hàng với người ảnh hưởng nhỏ, siêu nhỏ trên mạng xã hội lớn nhất Châu Á, Xeca - giúp người dùng có thể kết nối được với các nhà xe cho chuyến đi đường dài của mình...

Về chuỗi khối (blockchain), những công ty đi đầu trong việc phát triển công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam là Vietnam Blockchain Corporation (VBC), NextTech, Nexus Frontier Tech, Wowtrace. VBC cũng lọt vào top 10 của cuộc thi về khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain - SharkChain nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Startup Blockchain 2019.
Tài liệu tham khảo
- Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam 2019: Hội tụ nguồn lực để phát triển của Văn phòng Đề án 844) - Economist Intelligence Unit, 2018. Inclusive Internet Index. EIU: London, England