PHÂN TÍCH DỮ LIỆU TINH GỌN – CHÌA KHÓA ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH KINH DOANH ĐÚNG ĐẮN (Phần 1)
Phân tích dữ liệu tinh gọn (Lean Analytics) là khái niệm chỉ sự thực hiện đồng thời việc phân tích và khởi nghiệp tinh gọn, nhằm đo lường sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp. Lean Analytics tập trung vào việc tìm ra Một Chỉ Số Quan Trọng Nhất (the one metric that matters - OMTM) tương ứng với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa sự phức tạp của việc phân tích và tìm ra vấn đề quan trọng nhất, từ đó giúp doanh nghiệp tập trung phát triển những yếu tố thiết yếu nhất để thành công.

Tại sao cần phân tích dữ liệu tinh gọn?

Về bản chất doanh nghiệp khởi nghiệp là một công ty đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp có xu hướng thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh khác nhau trong quá trình phát triển và với mỗi một thay đổi trong mô hình kinh doanh, ta cần thiết kế lại hoạt động phân tích. Vì vậy, việc tập trung vào Một Chỉ Số Quan Trọng Nhất (OMTM) thay vì nhiều chỉ số đánh giá cùng một lúc sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, thời gian và chi phí. Nếu như doanh nghiệp chưa chắc chắn về đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, phân tích dữ liệu tinh gọn sẽ giúp họ nhanh chóng tìm ra vấn đề nhức nhối nhất để kịp thời thiết kế ra sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu trước khi nguồn tiền bị cạn kiệt. Phân tích dữ liệu tinh gọn cũng sẽ giúp người sáng lập có cái nhìn khách quan nhất về tình hình phát triển hiện tại của sản phẩm, doanh nghiệp và thị trường và tránh những linh cảm hoặc góc nhìn chủ quan mà đưa ra những định hướng phát triển sai lầm.
Đặc điểm của OMTM tốt và một số chỉ số OMTM phổ biến

Điều gì tạo nên một chỉ số OMTM tốt? Dưới đây là bốn số tiêu chí cơ bản:

Thứ nhất, chỉ số đó có thể so sánh được: đặc biệt khi so sánh với các khoảng thời gian khác, nhóm người dùng hoặc với các đối thủ cạnh tranh, nhằm giúp doanh nghiệp nắm được tình hình một cách nhanh chóng. Ví dụ như: “số người dùng tăng so với tuần trước” có ý nghĩa hơn là “số người dùng tăng 5%”.  

Thứ hai, chỉ số đó thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động: đây có lẽ là chỉ số quan trọng nhất: Doanh nghiệp sẽ phản ứng và hành động ra sao khi chỉ số thay đổi? 

Thứ ba, chỉ số phải dễ hiểu: Điều này khiến cho mọi người đều có thể hiểu và thảo luận về nó, từ đó biến sự thay đổi trong dữ liệu thành sự thay đổi trong cách doanh nghiệp hoạt động. 

Cuối cùng, chỉ số đó nên ở dưới dạng tỷ suất hoặc tỷ lệ: để hình dung và so sánh một cách dễ dàng hơn.
Một số chỉ số OMTM phổ biến:

  1. Customer acquisition cost (CAC): Chi phí thu hút khách hàng, như chi phí nghiên cứu, tiếp thị và quảng cáo.

  2. Customer retention rate: Tỷ lệ giữ chân khách hàng

  3. Lifetime value (LTV): Giá trị vòng đời: doanh thu khách hàng mang lại từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc sử dụng dịch vụ

  4. CAC recovery time: Thời gian hoàn lại chi phí thu hút khách hàng

  5. Monthly active users (MAU): số lượng người dùng hoạt động hàng tháng

  6. Conversion Rate (CR): tỉ lệ chuyển đổi: tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ so với tổng số khách hàng tiềm năng được tiếp thị về sản phẩm/dịch vụ 

  7. Churn rate: tỷ lệ khách hàng rời bỏ (ngừng sử dụng dịch vụ)

  8. Overhead: Chi phí hoạt động chung: liên quan đến việc vận hành của doanh nghiệp, như chi phí thuê mặt bằng, chi phí quảng cáo, tiền lương cho nhân viên…

  9. Burn rate: Lượng tiền doanh nghiệp chi tiêu trong 1 tháng

      10. Đường băng: Khoảng thời gian để công ty tiêu hết tiền hiện có, tính dựa trên monthly burn hoặc burn rate