TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 ĐỐI VỚI KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (ĐMST) VÀ NHỮNG PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các thành phần trong hệ thống khoa học, công nghệ và ĐMST ở các quốc gia, mặc dù tác động khác nhau giữa các thành phần, khu vực, lĩnh vực, quy mô doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức nghiên cứu.

Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng đến các giai đoạn khác nhau của chu kỳ ĐMST (từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, phát triển và tung ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ mới). Trước những khó khăn và thách thức từ đại dịch, hầu hết các nước đều có những phản ứng chính sách, trong đó có chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST. Hầu hết các trường đại học và tổ chức nghiên cứu đều thành lập các bộ phận đặc nhiệm để thiết kế các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với tổ chức của họ. Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những hạn chế tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công cụ nghiên cứu, giảm năng suất nghiên cứu, chuyển hướng nỗ lực nghiên cứu sang các chủ đề Covid-19, hạn chế khả năng di chuyển của các nhà nghiên cứu và gián đoạn hoạt động đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho nghiên cứu trên toàn thế giới đã bị cắt giảm và một phần đầu tư chuyển sang phát triển và sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hoạt động từ xa.

1. Tác động đến hoạt động nghiên cứu và ĐMST của các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu

Một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST gồm các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phát triển công nghệ liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, linh hoạt với khu vực tư nhân và nhà nước là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Ngày càng nhiều những con số thống kê cho thấy đại dịch đã gây ra sự gián đoạn cho hoạt động R&D và ĐMST của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn ít những con số về ảnh hưởng của đại dịch đến các trường đại học cũng như về khả năng đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của nó.

Tác động của COVID-19 đối với các cơ sở nghiên cứu năm 2020 là do hạn chế tiếp cận cơ sở hạ tầng và các công cụ, giảm năng suất lao động, chuyển hướng nỗ lực nghiên cứu sang các chủ đề COVID-19, hạn chế khả năng di chuyển của các nhà nghiên cứu và gián đoạn đào tạo nguồn nhân lực. Chi phí nghiên cứu đã được cắt giảm một phần do việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giải quyết từng rào cản đó.

Giảm quy mô năng suất nghiên cứu, hoạt động về ĐMST và khả năng tiếp cận các cơ sở hạ tầng bị hạn chế

Trong thời gian đại dịch, năng suất nghiên cứu giảm và khả năng tiếp cận các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghiên cứu bị hạn chế, do các hoạt động nghiên cứu và ĐMST đòi hỏi tiếp cận vật lý đến các phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu khác, cũng như các hoạt động liên quan đến kế hoạch, công việc thực địa hoặc thử nghiệm, các hoạt động đòi hỏi sự giám sát liên tục đối với các yêu cầu về quy định, an toàn hoặc sức khỏe (ví dụ: chăm sóc mẫu vật sống, nghiên cứu sử dụng vật liệu nguy hiểm…) bị gián đoạn rất nhiều bởi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội. Tại nhiều nước, các nhà nghiên cứu phải chuyển sang hoạt động có thể được tiến hành tại nhà. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi ResearchGate vào tháng 3 năm 2020 với dữ liệu từ 3.000 nhà nghiên cứu quốc tế trên các lĩnh vực học thuật cho thấy rằng, trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh, gần một nửa trong số họ đã thay thế các hoạt động tại thực địa bằng việc tập trung nhiều hơn vào viết, phân tích các tập dữ liệu cũ chưa được khám phá trước đây, xuất bản và lập kế hoạch cho nghiên cứu trong tương lai (Baynes and Hahnel, 2020).

Về hoạt động ĐMST, trong một cuộc khảo sát của Đơn vị Bằng chứng Chính sách Đổi mới và Thương mại hóa Đại học tại Đại học Cambridge (UCI) và Trung tâm Quốc gia về Đại học và Kinh doanh liên quan tới tác động của Covid-19 đến sự đóng góp về ĐMST của các trường đại học cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn đáng kể cho các hoạt động thúc đẩy ĐMST tại Anh. Nhiều dự án của các trường đại học bị trì hoãn hoặc bị thu hẹp quy mô và phạm vi. Hoạt động trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô hay các ngành công nghiệp về đổi mới sáng tạo bị ảnh hưởng nặng nề. Về lâu dài, những gián đoạn này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp mang tính mũi nhọn tại Anh.

Biểu đồ sự thay đổi mức độ của các hoạt động tập trung vào ĐMST với các lĩnh vực hàng đầu giữa thời kì trước Covid và thời kì phong toả tại Anh. Nguồn ảnh: The University Commercialisation and Innovation (UCI) Policy Evidence Unit 

Hơn một nửa số trường đại học ở Vương quốc Anh cho biết hoạt động ĐMST tại các doanh nghiệp hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô đã giảm ít nhất 20% so với năm 2019. Tổng thể các hoạt động ĐMST với các đối tác doanh nghiệp đã giảm từ 6% ở gần một nửa (45%) số trường đại học tại đây. 88% các trường đại học bị hạn chế các hoạt động cho biết khoảng gần một nửa dự án về khởi nghiệp và ĐMST bị cắt giảm về quy mô, phạm vi và hơn ⅓ số dự án bị buộc phải huỷ bỏ. Nguyên nhân phía sau sự sụt giảm này đến từ sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, nguồn hỗ trợ từ chính phủ và sự thiếu khả năng tiếp cận các cơ sở vật chất để các dự án về ĐMST tiếp tục hoạt động

Ngoài ra, trong khi một số hoạt động nghiên cứu và ĐMST có thể được thực hiện một phần hoặc toàn bộ từ xa (ví dụ như phân tích dữ liệu, viết bài), nhưng trong nhiều trường hợp năng suất lao động bị giảm do đóng cửa các cơ sở và trường học trong thời gian ngừng hoạt động do dịch bệnh, và mất đi những lợi ích từ các tương tác mặt đối mặt. Ví dụ, một cuộc khảo sát các nhân viên làm việc toàn thời gian và các giám đốc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (RIETI) được thực hiện vào tháng 3 năm 2020 cho thấy năng suất của nhân viên tự báo cáo giảm khi làm việc từ xa trong thời gian đóng cửa do dịch bệnh so với làm việc tại văn phòng.

Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST bị hạn chế di chuyển

Sự di chuyển của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST đã bị hạn chế nghiêm trọng do các biện pháp phong tỏa trong đại dịch, làm đình trệ, gián đoạn các hoạt động trao đổi hợp tác giữa các quốc gia và khu vực cũng như giữa các ngành với nhau. Việc giảm di chuyển của nhà nghiên cứu khiến nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu đòi hỏi phải làm việc tại hiện trường bị đình trệ, do đó làm trì hoãn kết quả đầu ra khoa học, công nghệ và ĐMST.

Hầu hết các chương trình du học, trao đổi và điền dã dự kiến cho năm 2020 cũng bị gián đoạn hoặc tạm dừng cũng gây ảnh hưởng đến đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST. Các trường đại học buộc phải đóng cửa khuôn viên của họ do đại dịch, nên họ phải nhanh chóng áp dụng các công cụ giáo dục trực tuyến đôi khi tốn kém, nhất là đối với các trường đại học trước đây không tham gia giảng dạy trực tuyến. Các tác động lâu dài đối với đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai cho nghiên cứu và ĐMST sẽ phụ thuộc vào chất lượng giảng dạy trực tuyến, có thể không đồng đều giữa các tổ chức.

Sinh viên quốc tế đã ở nước sở tại của họ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc phong tỏa, vì các trường đóng cửa và nhiều sinh viên không thể trở về nước họ hoặc phải đối mặt với những thách thức khác (ví dụ như hoàn trả phí ăn ở). Hầu hết các trường đại học thiết lập các dịch vụ hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên. Việc đình chỉ các chương trình quốc tế có thể ngăn cản những người bị ảnh hưởng trực tiếp phát triển các kỹ năng có được trong quá trình trải nghiệm đó. Hơn nữa, các tác động có thể ảnh hưởng không cân xứng đến những người có hoàn cảnh khó khăn, những người ít có khả năng tham gia vào các hoạt động tương tự trong tương lai mà không có hỗ trợ tài chính.


Thách thức tài chính

Các trường đại học cũng phải đối mặt với những bất ổn tài chính lớn năm 2020 do không chắc chắn về thu nhập từ học phí của sinh viên cũng như từ các nguồn lực công và ngành công nghiệp. Các trường đại học phụ thuộc nhiều vào học phí của sinh viên (đặc biệt là những trường có tỷ trọng sinh viên quốc tế cao) sẽ giảm đáng kể thu nhập, có thể đi kèm với cắt giảm nguồn tài trợ từ nghiên cứu. Các trường đại học bị giảm đáng kể thu nhập có thể phải cắt giảm tài trợ nghiên cứu, nhất là ở các nước như Anh, Ireland, Hoa Kỳ, Canada và Australia. Tính đến tháng 9/2020, các trường đại học ở Hoa Kỳ bị giảm chi phí bổ sung và doanh thu ước tính tổng cộng 120 tỷ USD. Trong học kỳ mùa thu năm 2020, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký học tại các trường ở Hoa Kỳ giảm 16% so với năm trước, theo một cuộc khảo sát (Mitchell, 2020). Dữ liệu về việc cấp giấy phép sinh viên quốc tế ở Canada cho thấy, tính đến tháng 10 năm 2020, mức giảm 58% so với năm trước, có thể khiến doanh thu của các trường đại học giảm 7,5% (3,4 tỷ CAD hoặc 2,7 tỷ USD). Một nghiên cứu từ Australia cho thấy sự sụt giảm kể từ tháng 4 năm 2020 là 80-90% đơn xin thị thực sinh viên quốc tế khi so sánh với số liệu của năm ngoái. Số lượng sinh viên quốc tế đăng ký học tại các trường đại học của Úc đã giảm 12% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2020, và nghiên cứu ngoại suy giảm thêm 50% vào tháng 7 năm 2021, vì những hạn chế đi lại kéo dài.


Các trường Đại học phải đối mặt với bất ổn tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh

Xu hướng đăng ký sáng chế 

So sánh xu hướng đăng ký sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) ở các quốc gia khác nhau trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 8 năm 2020 với cùng kỳ năm trước cho thấy số lượng đăng ký sáng chế ở các nước OECD, trong đó có CHLB Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã bắt đầu có sự chậm lại. Việc theo dõi diễn biến trong thời gian tới sẽ rất quan trọng để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động phát triển công nghệ và cấp bằng sáng chế, do thời gian từ nghiên cứu đến sáng chế có độ trễ. Bằng chứng từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 cho thấy ở nhiều quốc gia, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế đã giảm trong những năm sau khủng hoảng.


2. Tác động đến hoạt động nghiên cứu và ĐMST của doanh nghiệp

Hoạt động nghiên cứu và ĐMST của các loại hình doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 tùy theo lĩnh vực hoạt động và tình hình tài chính. Theo GS.,TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, khiến đứt gãy các chuỗi sản xuất, thương mại, làm hạn chế sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế cũng như dẫn tới sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ và dễ bị tổn thương, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực và giữa các quốc gia. Theo Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới được thực hiện vào tháng 6-8/2020, doanh số hàng tháng của doanh nghiệp giảm trung bình khoảng 47% ở Italia so với năm trước, 37% ở Hy Lạp, 28% ở Liên bang Nga và 19% ở Ba Lan. Nhu cầu giảm mạnh đặc biệt trong thời kỳ phong tỏa đã đẩy nhiều công ty vào tình trạng khốn đốn về tài chính, trong đó có nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo và các công ty thâm dụng công nghệ. Một cuộc khảo sát với 1.070 công ty khởi nghiệp dựa trên công nghệ ở 50 quốc gia, được thực hiện từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 17 tháng 4 năm 2020, cho thấy hơn 40% trong số các công ty khởi nghiệp này chỉ có đủ tiền mặt để hoạt động từ 3 tháng trở xuống, nếu họ tiếp tục chi tiêu như hiện tại.

Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra là một cú sốc từ phía cầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam - họ có xu hướng dễ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về thanh khoản trong bối cảnh nhu cầu giảm và tương đối kém linh hoạt so với các doanh nghiệp lớn trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số hoặc các đổi mới khác để điều chỉnh hoạt động trong bối cảnh mới. Phụ thuộc nhiều vào dòng tiền, việc thiếu hụt nguồn cầu và doanh thu đã khiến nhiều doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng thiếu vốn lưu động. Dịch Covid-19 đã tác động làm giảm doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 so với 9 tháng đầu năm 2019 của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. 

Tại Đức, cuộc khảo sát về các công ty ĐMST do Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức thực hiện vào tháng 4 năm 2020 (dựa trên 800 câu trả lời, 86% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ) cho thấy rằng 54% công ty đã đình chỉ các dự án nghiên cứu và ĐMST đang diễn ra và 24% đã có kế hoạch chấm dứt một hoặc nhiều dự án. Một cuộc khảo sát khác với khoảng 200 giám đốc điều hành trong các ngành được thực hiện vào tháng 4 năm 2020 cho thấy sự tập trung vào ĐMST như một ưu tiên kinh doanh cốt lõi đã giảm ở hầu hết các ngành khi các công ty giải quyết ngay lập tức những thách thức liên quan đến Covid-19.

Hoạt động chuyên sâu về R&D của các doanh nghiệp nhìn chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm các lĩnh vực sản xuất có chuỗi cung ứng toàn cầu (ví dụ: ô tô, hàng không vũ trụ, điện tử). Các công ty khởi nghiệp sáng tạo và các công ty thâm dụng công nghệ đang đối mặt với các hạn chế về tài chính có thể sẽ cắt giảm đầu tư của họ vào các dự án R&D và ĐMST, đồng thời đình chỉ hoặc trì hoãn các hoạt động ĐMST theo kế hoạch. Các doanh nghiệp cũng ít tham gia hơn vào nghiên cứu chung với trường đại học.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng Covid-19, tương tự như các cuộc khủng hoảng trước đó, cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp ĐMST. Các công ty như Dropbox, Uber, Airbnb, Slack và Groupon được thành lập trong hoặc sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09 và Alibaba’s Taobao được thành lập vào năm 2003 trong đợt bùng phát dịch SARS ở Trung Quốc. Covid-19 cũng tác động tích cực nhất định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Trong bối cảnh thế giới đang trên đà trỗi dậy sau đêm trường đại dịch, nhịp độ và tốc độ đổi mới sáng tạo đã mang lại nhiều cơ hội cùng với một số thách thức mới. Nhiều doanh nghiệp đã chứng minh được sự nhanh nhạy, linh hoạt và vươn lên mạnh mẽ, sẵn sàng cho mọi cơ hội và thách thức đang chờ đợi phía trước”, ông Alex Clemente, Giám đốc Điều hành Dịch vụ phân tích của Harvard Business Review phát biểu. 

Theo báo cáo của Become Index, 53% các nhà điều hành chia sẻ rằng doanh nghiệp của họ dành sự ưu tiên cao độ cho hoạt động đổi mới sáng tạo. 42% các doanh nghiệp được khảo sát tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp đã xây dựng nhiều cách thức, phương hướng mới để bảo vệ sự an toàn cho người lao động và kết nối, phục vụ, đồng thời đảm bảo sức khỏe và sự an tâm của khách hàng. 

Tăng tốc áp dụng và phát triển các công nghệ và công cụ số

Mặc dù Covid-19 làm giảm đầu tư vào nghiên cứu và ĐMST của nhiều doanh nghiệp năm 2020, nhưng lĩnh vực kỹ thuật số lại phát triển mạnh do nhu cầu đối với nhiều dịch vụ kỹ thuật số tăng lên. Đại dịch đã tăng tốc đáng kể việc áp dụng các sản phẩm và dịch vụ số như hội nghị truyền hình, các công cụ cộng tác số, phát trực tuyến video và giải trí, mua sắm trực tuyến, học tập trực tuyến, trò chơi trực tuyến và các ứng dụng thể dục số. Ví dụ, Zoom, nền tảng hội nghị truyền hình trực tuyến, có hơn 300 triệu người tham gia cuộc họp mỗi ngày vào tháng 4 năm 2020, so với mức 10 triệu vào tháng 12 năm 2019. Netflix, một nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến video, đã có thêm 16 triệu người đăng ký mới trong quý đầu tiên của năm 2020 (Warren, 2020)… 

Trong khi ngành dịch vụ, du lịch, lữ hành và giải trí, cũng như các ngành đòi hỏi sự tiếp xúc giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những hạn chế về di chuyển và giãn cách xã hội, thì ở lĩnh vực y tế và giáo dục, các công ty đã rất nhạy bén trong việc áp dụng các công nghệ số với tốc độ chưa từng có. Kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, đã có sự gia tăng trong việc sử dụng các ứng dụng cho phép theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tương tự, các công cụ số đã nhanh chóng được các cơ sở giáo dục (từ trường tiểu học đến các cơ sở giáo dục đại học) trên khắp thế giới áp dụng để bảo đảm việc duy trì học tập. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây lại là năm ghi nhận các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đông đảo nhất với chất lượng và số lượng vượt trội. Nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo đến từ các khối giáo dục, y tế, doanh nghiệp… đã được triển khai thành công, đem lại hiệu quả cao và phục vụ lợi ích cho chính cộng đồng như: dự án nhân văn Vì sức khỏe người thu gom rác của thầy cô và các em học sinh Trường THCS Tân Tạo A (TP Hồ Chí Minh), “ATM gạo - khẩu trang” cho những người khó khăn trong đại dịch Covid-19, ứng dụng giúp hiến máu cứu người S4Life…

Hoạt động ĐMST của các công ty lớn trong làn sóng Covid-19 toàn cầu gắn liền với việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, cho thấy họ tương đối kiên cường trước cú sốc. Trong khi các dự án nghiên cứu đang thực hiện thường bị gián đoạn, nhiều công ty đã phản ứng nhanh chóng với bối cảnh mới bằng cách đưa ra quy trình và sản phẩm ĐMST nhằm cho phép họ duy trì hoạt động hoặc đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Một cuộc khảo sát với 247 chuyên gia và người điều hành các công ty được cấp bằng sáng chế trên toàn thế giới thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020 cho thấy gần một phần tư (23%) các công ty đã sử dụng công nghệ để phát triển thị trường, chẳng hạn như dịch vụ Internet, hậu cần, truyền thông, dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Kanesarajah và White, 2020). Một cuộc khảo sát khác đối với 375 doanh nghiệp của Vương quốc Anh được thực hiện vào tháng 7 năm 2020 cho thấy 45% doanh nghiệp đã đưa ra hoặc cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, với 75% trong số đó có sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn toàn mới và khoảng 60% cải tiến những sản phẩm, dịch vụ hiện có (Riom và Valero, 2020).

Các doanh nghiệp cũng gia tăng tiếp nhận công nghệ số kể từ khi đại dịch bùng phát, bao gồm cả các phân khúc như bán lẻ, nhà hàng. Các cuộc khảo sát cho thấy tăng tốc số hóa là thay đổi quan trọng nhất đối với hoạt động ĐMST của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng đã kích thích việc thử nghiệm triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến của các công ty công nghệ lớn như Alibaba, Google và các công ty sản xuất robot. 

3. Các phản ứng chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST trong bối cảnh đại dịch

Phản ứng tức thời của chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST đối với các tác động của đại dịch tập trung vào việc giữ cho các doanh nghiệp ĐMST ổn định và phát triển, giúp các nhà nghiên cứu và cơ quan nghiên cứu nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới. Đây thường là một phần của các gói kích thích kinh tế rộng hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các thành phần trong hệ thống khoa học, công nghệ và ĐMST, chẳng hạn như “Luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế (CARES) trong thời kỳ Coronavirus” ở Hoa Kỳ (tháng 3 năm 2020), “Thỏa thuận mới của Hàn Quốc” (tháng 7 năm 2020) và “Kế hoạch khởi động lại nước Pháp” (tháng 9 năm 2020). Quy mô và mức độ hỗ trợ tài khóa của nhiều quốc gia là đặc biệt, có thể ngang với hỗ trợ tài chính trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Nhiều nước đã đưa ra các biện pháp chính sách ngay lập tức để giải quyết các tác động tiêu cực đối với khoa học, công nghệ và ĐMST, cung cấp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học và các nhà nghiên cứu đối phó với những thách thức ngắn hạn, chẳng hạn cung cấp các công cụ và đào tạo giảng viên, tăng cường kỹ năng kỹ thuật số (ví dụ sử dụng các nền tảng hợp tác trực tuyến). Các biện pháp tức thời cũng được thực hiện thông qua việc duy trì các chương trình và tài trợ. Ví dụ, Tổ chức Nghiên cứu và ĐMST của Anh đã gia hạn tài trợ lên đến 6 tháng cho các nghiên cứu sinh trong năm cuối của họ, những người có nghiên cứu bị gián đoạn bởi Covid-19. Bộ Nghiên cứu và ĐMST Liên bang Đức đã cung cấp thêm 100 triệu EUR cho quỹ khẩn cấp dành cho sinh viên địa phương để giúp đỡ những sinh viên đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Nhiều trường đại học với các chương trình trực tuyến được thiết lập tốt cũng cung cấp miễn phí tài liệu đào tạo của họ, điều này cũng mang lại những lợi thế cho việc mở rộng giáo dục trực tuyến so với ngoại tuyến.

Về hỗ trợ kinh doanh, các sáng kiến ​​đã được đưa ra ở nhiều quốc gia nhằm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nhân và công ty ĐMST nhằm giảm thiểu các vấn đề về thanh khoản của họ. Hỗ trợ có thể dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn như cho vay, trợ cấp và các khoản tạm ứng có thể hoàn trả. Ví dụ, vào cuối tháng 3 năm 2020, Pháp đã khởi động Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp 4 tỷ EUR (4,75 tỷ USD), bao gồm việc cung cấp các khoản vay được nhà nước bảo đảm; giải ngân sớm từ Khoản tài trợ Đổi mới PIA (Đầu tư cho Chương trình Tương lai). Vào tháng 4 năm 2020, Anh đã đưa ra gói 1,25 tỷ GBP (1,6 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty ĐMST bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm quỹ đầu tư 500 triệu GBP dành cho các công ty tăng trưởng cao - được tạo thành từ nguồn tài trợ từ chính phủ và khu vực tư nhân - cũng như 750 triệu GBP tài trợ và cho vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào NC&PT. CHLB Đức đưa ra gói 2 tỷ EUR (2,4 tỷ USD) để mở rộng tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng. Israel đưa ra Kế hoạch giải cứu 2 tỷ NIS (580 triệu USD) cho công nghiệp công nghệ cao (OECD, 2020).

Hầu hết các quốc gia cung cấp hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, trong đó có có hỗ trợ cho các doanh nghiệp ĐMST để thích ứng với tình hình Covid-19, nhằm giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực ngắn hạn. Trong đó có những chính sách hỗ trợ sử dụng các công cụ bán hàng trực tuyến hoặc điều chỉnh cơ sở sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Ví dụ, Enterprise Ireland cung cấp Phiếu thưởng Kinh doanh (Lean Business Continuity Vouchers) lên đến 2 500 EUR (3 200 USD) cho các công ty để được hỗ trợ đào tạo hoặc tư vấn liên quan đến việc tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp của họ trong thời kỳ đại dịch. Nó cũng cung cấp các khoản tài trợ cải thiện quy trình kinh doanh, bao gồm hỗ trợ để tăng cường việc sử dụng Internet của các doanh nghiệp như một kênh hiệu quả để phát triển kinh doanh. 

Tại Việt Nam, trong năm 2020, Chính phủ và các Bộ, Ban Ngành đã triển khai các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như các hoạt động ĐMST. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà nước có chính sách giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh, tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng từ tháng 4 - tháng 6/2020, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020, các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn… Đối với hoạt động khởi nghiệp ĐMST, thông qua Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các nhiệm vụ ứng phó với đại dịch COVID-19. Đã có một đợt công bố các nhiệm vụ đặc biệt nhấn mạnh giải pháp về nền tảng trực tuyến, nền tảng số để kết nối DN nhỏ và vừa với những giải pháp công nghệ của khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực.

Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, "Tác động của Covid-19 đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những phản ứng chính sách", 2021

2. TD. "Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19", Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, 28/5/2020, https://quangnam.gov.vn/CMSPages/BaiViet/Default.aspx?IDBaiViet=33006

3. Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, "Công bố kết quả Khảo sát thu thập, điều tra thông tin xây dựng Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020", 2020, http://www.business.gov.vn/Portals/0/2020/KQKSDN%202020.pdf

4. Thanh Hương, "Covid-19 là cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp", Tạp chí Tài chính, 22/1/2021, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/covid19-la-co-hoi-doi-moi-sang-tao-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-330686.html

5. Chu Thúc Đạt, "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2020: Những kết quả nổi bật", Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam điện tử, 22/3/2021https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4398/khoa-hoc--cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-dia-phuong-nam-2020--nhung-ket-qua-noi-bat.aspx

6. Linh Linh, "COVID-19 thúc đẩy tốc độ đổi mới sáng tạo", Thời báo Ngân hàng, 6/4/2021, https://thoibaonganhang.vn/covid-19-thuc-day-toc-do-doi-moi-sang-tao-113331.html

7. Paunov, C. and S. Planes-Satorra. "Science, technology and innovation in the time of COVID-19", February 10, 2021, OECD Science, Technology and Industry Policy Papers, No. 99, OECD Publishing, Paris. https://doi.org/10.1787/234a00e5-en

8. Hoàng Giang, "Kiến tạo chính sách để các start-up vươn xa", Báo Chính phủ, 13/3/2021, https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kien-tao-chinh-sach-de-cac-startup-vuon-xa/425571.vgp

9. David Sweeney, "The Effects of the COVID-19 Pandemic on how Universities Contribute to Innovation", August-September, 2020, Management Technology Policy. (n.d.). https://www.ifm.eng.cam.ac.uk/research/uci-policy-unit/uci-news/covid19unisinnovation/.