Đầu tư vào startup Việt Nam giữa đại dịch Covid-19
Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới báo cáo tăng trưởng dương 2,9% vào năm 2020. Tuy rằng mức đầu tư trong sáu tháng đầu năm 2021 đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng hiện đã có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong nửa cuối năm nay.


Tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Theo báo cáo từ Do Ventures, trong số sáu nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, Việt Nam chiếm 16% cam kết đầu tư mới nhất, đứng thứ ba sau Singapore (37%) và Indonesia (30%). Nói cách khác, những hạn chế đi lại cũng như các đợt giãn cách đã khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại nhưng nhiều quỹ đầu tư vẫn khẳng định Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Holding tại Việt Nam cho biết:“Những người trẻ Việt Nam có đủ can đảm để tham gia vào các lĩnh vực mà những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google và Facebook đã làm rất tốt, chẳng hạn như phát trực tiếp và trí tuệ nhân tạo, hoặc theo đuổi các xu hướng mới như insurtech, medtech và fintech”. 


Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương của Việt Nam, Ravi Saraogi, đồng sáng lập ứng dụng đàm thoại tự động Uniphore, một trong những công ty khởi nghiệp bền vững tại thị trường Ấn Độ, đã chia sẻ lời khuyên về cách sống sót trong đại dịch. Ông gợi ý rằng, các công ty khởi nghiệp cần phải hiểu rõ tiềm năng khách hàng hoặc thị trường mà họ đang nhắm đến cũng như trang bị công nghệ vượt trội. Đồng thời ông nhấn mạnh Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiềm năng thú vị nhất Đông Nam Á với tốc độ phát triển thuộc top đầu và có nhiều tập đoàn lớn đang xúc tiến đầu tư cho các startup tại đây.
 

Một số gương mặt startup nổi bật

Việc một số công ty khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục huy động vốn trong bối cảnh Covid-19 cho thấy, các quỹ đầu tư tin tưởng mạnh mẽ vào mô hình kinh doanh, sự sáng tạo và tiềm năng của startup trong nước. Công ty khởi nghiệp thương mại điện tử giao hàng trong một giờ của Việt Nam, Loship đã huy động được tài trợ do Vulpes Investment Management có trụ sở tại Singapore, DAAL Ventures và Wealth Well có trụ sở tại Ả Rập Xê-út dẫn đầu.
 

Công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam, Wee Digital cũng đã huy động thành công số vốn lên đến 7 chữ số từ Công ty VC Hàn Quốc InterVest và VinaCapital Ventures. Startup công nghệ y tế Doctor Anywhere có trụ sở tại Singapore đã công bố một khoản tài trợ Series B khổng lồ trị giá 30 triệu đô la Mỹ trong đó một phần vốn đáng kể được dành cho việc tăng cường hoạt động của Việt Nam.  
 

Startup Wee Digital nhận đầu tư từ VinaCapital và InterVest
Startup Wee Digital nhận đầu tư từ VinaCapital và InterVest. (Ảnh: internet) 


Mio, startup thương mại xã hội tập trung vào các thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn ở Việt Nam đã huy động được 1 triệu đô la. Công ty khởi nghiệp này hiện đang tập trung vào hàng tạp hóa tươi sống và có kế hoạch mở rộng sang nhiều danh mục khác. Vòng tài trợ do Venturra Discovery và Golden Gate Ventures đồng dẫn đầu. Các bên tham gia khác bao gồm iSeed SEA, Giám đốc điều hành DoorDash Gokul Rajaram và Vidit Aatrey, Sanjeev Barnwal, đồng sáng lập kỳ lân thương mại xã hội Ấn Độ Meesho.
 

Ứng dụng đặt lịch chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Việt Nam, Docosan được cấp vốn hạt giống 1 triệu đô la do AppWorks dẫn đầu. Bằng cách giúp bệnh nhân đặt lịch hẹn và lựa chọn bác sĩ mong muốn mà không cần chờ đợi, startup đã gây dấu ấn trở thành một trong những vòng hạt giống lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty khởi nghiệp công nghệ y tế Việt Nam. Khoản đầu tư được dẫn dắt bởi AppWorks, chương trình tăng tốc và nhà đầu tư giai đoạn đầu có trụ sở tại Đài Loan, với sự tham gia của David Ma và Huat Ventures. Đây là những bằng chứng cho thấy thị trường huy động vốn đầu tư và hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang phát triển không ngừng. Và dường như các nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền cho bất kỳ doanh nghiệp nào có thể sống sót sau đại dịch.


Theo doanhnghiephoinhap.vn