Những vấn đề doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) thường gặp trong việc áp dụng công nghệ mới nổi
Trong kỉ nguyên số, công nghệ mới nổi đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển ở mọi lĩnh vực trên khắp thế giới. Những xu hướng công nghệ nổi bật như Trí tuệ nhân tạo, AR-VR, mạng 5G, Blockchain, Vũ trụ lượng tử, IoT... được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, vốn phát triển dựa trên công nghệ cốt lõi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng áp dụng công nghệ mới nổi trong hoạt động của doanh nghiệp, về tính hiệu quả đối với hoạt động ĐMST và về những rủi ro mà công nghệ này đem lại.

Ảnh: Pinterest


Vấn đề bảo mật dữ liệu và an ninh mạng

Hầu hết công nghệ mới được phát triển dựa trên lợi ích xã hội đều tiềm ẩn những mặt tối, theo Aharon Hauptman (Springer Nature Switzerland AG 2019, Emerging Technologies for Economic Development). Các mối đe dọa liên quan đến bảo mật, quyền riêng tư, tấn công mạng là minh chứng rõ nét cho vấn đề mà bất kể người dùng cá nhân hay người dùng doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải.

Theo Major Fotios Kanellos (JAPCC, Cybersecurity Challenges with Emerging Technologies), các rủi ro và mối đe dọa bảo mật mà mạng 5G và thiết bị thông minh gây ra do các lỗ hổng trong thiết kế và sản xuất là cực kỳ cao và khó giảm thiểu. Công nghệ 5G có khả năng làm dấy lên các mối lo ngại lớn về khả năng gia tăng mạnh mẽ về các cuộc tấn công mạng và số lượng điểm xâm nhập của tin tặc do phần lớn các thiết bị được kết nối với tính năng bảo mật yếu hơn. Tương tự, công nghệ điện toán đám mây cũng có thể bị gián đoạn và bị tin tặc khai thác. Những rủi ro này áp dụng cho cả các nền tảng điện toán đám mây thương mại hoá mở rộng như Google Cloud Services, Microsoft Azure, Amazon Web Services và các dịch vụ điện toán đám mây quy mô nhỏ hơn được sử dụng cho hoạt động phân loại và bảo mật dữ liệu nhạy cảm.

Phần lớn các thiết bị trong hệ thống kết nối IoT hiện nay ít có khả năng xử lý và lưu trữ thông tin. Điều này gây khó khăn cho việc sử dụng phần mềm diệt virus, tường lửa và các ứng dụng bảo mật khác. Mã độc cũng có thể nhắm mục tiêu các ứng dụng và dữ liệu phần cứng của các thiết bị. Báo cáo của Check Point Research quý 3 năm 2020 chỉ ra số vụ tấn công bằng mã độc trung bình hàng ngày tăng 50% so với nửa đầu năm. Sự gia tăng kết nối trong mạng lưới IoT ngày càng phức tạp khiến hệ thống thông tin các doanh nghiệp dễ bị tấn công do khó bảo mật với dữ liệu lớn.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các cuộc tấn công trên không gian mạng cho doanh nghiệp. Trên cơ sở các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến mạng 5G, vào nửa cuối năm 2020, chính phủ Anh đã quyết định hạn chế bộ công cụ 5G do Huawei sản xuất bất chấp hậu quả của việc chậm triển khai công nghệ từ hai đến ba năm và chi phí bổ sung lên tới 2 tỷ bảng Anh.

Theo CNBC, chính quyền Tổng thống Mĩ Joe Biden đã và đang thúc giục các giám đốc điều hành cùng lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tức thời để đối phó với những cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) thông qua bản ghi nhớ ngày 2/6/2021. Phó Cố vấn An ninh quốc gia về Không gian mạng và công nghệ mới nổi của Tổng thống Joe Biden, bà Anne Neuberger cho biết: “Các mối đe dọa trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng và chúng vẫn tiếp tục gia tăng. Khu vực tư nhân cũng cần có trách nhiệm quan trọng trong việc ngăn chặn những mối đe dọa này. Cần nhận thức được rằng dù ở quy mô, vị trí nào, không có công ty nào nằm ngoài vùng phạm vi mã độc tấn công”. Bản ghi nhớ cũng khẳng định tội phạm mạng đang chuyển dần từ đánh cắp dữ liệu sang phá vỡ các hoạt động cốt lõi, do đó các doanh nghiệp cần thảo luận và xem xét lại tình hình bảo mật của mình.

Vấn đề về chi phí vận hành, đào tạo nguồn nhân lực và cạnh tranh trên thị trường

Nhiều công nghệ mới nổi đặt ra thách thức dành cho giới doanh nghiệp, đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST về bài toán chi phí và nhân lực. Do hạn chế về thời gian và ngân sách, nhiều doanh nghiệp ĐMST mặc dù nêu cao tinh thần chuyển đổi số, song trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa công nghệ vào sản xuất, chủ yếu do vấn đề về chi phí lắp đạt, vận hành. Hệ thống vận hành công nghệ nhìn chung là tinh vi, phức tạp, để có thể áp dụng không chỉ cần chi phí về mặt kĩ thuật mà còn cần nền tảng kiến thức của đội ngũ quản lí, nhân sự, chuyên gia… Không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, một công ty khi muốn chuyển đổi công nghệ còn cần phải đào tạo lại hệ thống nhân sự và thậm chí là phải hướng dẫn lại khách hàng. Ngoài ra chi phí để xử lí sự cố và khắc phục thiệt hại cũng không nhỏ. Một hệ thống phức tạp ít nhiều có thể gây ra xáo trộn nếu doanh nghiệp không có biện pháp xử lí kịp thời.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc theo đuổi những thay đổi trong công nghệ và số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Theo ông Lê Hồng Minh - chủ tịch VNG, Covid-19 cho thấy công nghệ và Internet "chắc chắn sẽ trở thành tất cả trong cuộc sống". Với những tiềm năng mà công nghệ mới nổi mang lại, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST không bỏ lỡ cơ hội này, đưa "chuyển đổi số" làm từ khoá phục vụ cho mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, với khó khăn về nguồn vốn tài chính, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía các đơn vị, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Sự phát triển của công nghệ mới nổi đang tạo ra thay đổi đáng kể trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách nghiên cứu phát triển chiến lược phù hợp để đối phó với các thách thức từ công nghệ mới nổi cũng như khắc phục khó khăn, vướng mắc, gỡ rối cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Cần có tầm nhìn xa hơn nhằm tạo ra các chính sách phù hợp cũng như các biện pháp quản lý hoạt động của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới nổi.​​​

Những tiến bộ trong công nghệ mới nổi sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội và thách thức cho hệ sinh thái. Các nhà quản lí cần tìm ra cách thức ĐMST để tận dụng những tiến bộ này chuyển đổi doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung vào năng lực cốt lõi của công ty và chiến lược kinh doanh vẫn là cấp thiết nhưng cởi mở và khuyến khích đổi mới mô hình kinh doanh để theo kịp bước tiến công nghệ vẫn còn là một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo/References:

  1. Phil Macnaghten, “Understanding Public Responses to Emerging Technologies: A Narrative Approach”, 2020, Springer

  2. A. Hauptman, Springer Nature Switzerland AG, “Illuminating the “Dark Side” of Emerging technology”, p.263, 2019, Taylor&Francis Online

  3. Major Fotios Kanellos, “Cybersecurity Challenges with Emerging Technologies”, JAPCC, https://www.japcc.org/cybersecurity-challenges-with-emerging-technologies/

  4. John Papiewski, “Technology's Negative Impact on Business”, 19/3/2019, Chron, https://smallbusiness.chron.com/technologys-negative-impact-business-19118.html

  5. Chuck Brooks, “Cybersecurity Threats: The Daunting Challenge Of Securing The Internet Of Things”, 7/2/2021, Forbes, https://www.forbes.com/sites/chuckbrooks/2021/02/07/cybersecurity-threats-the-daunting-challenge-of-securing-the-internet-of-things/?sh=572740a65d50

  6. Amanda Macias, Christina Wilkie, “Business leaders must take urgent action to counter ransomware threat, White House warns in memo”, 3/6/2021, CNBC, https://www.cnbc.com/2021/06/03/ransomware-attacks-white-house-memo-urges-immediate-action-by-business.html