Giám đốc VinaCapital Ventures chỉ ra 6 yếu tố khiến startup Việt hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư
Theo ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc VinaCapital Ventures, nguồn lao động dồi dào và chất lượng đến từ các trường đại học, thị trường mới nổi năng động, sự hỗ trợ của Chính phủ là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến startup Việt.

6 yếu tố thu hút nhà đầu tư

- Từng làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ông thấy họ đánh giá thế nào về môi trường đầu tư startup của Việt Nam?

- Theo chúng tôi, Việt Nam vẫn đang là một trong những điểm đến đầu tư khởi nghiệp hấp dẫn nhất hiện nay. Lợi thế này của Việt Nam đến từ một số yếu tố, cụ thể:

Thứ nhất, tình hình nhân khẩu học thuận lợi và sự hiểu biết về điện tử/công nghệ. Dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao đang mang lại cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam một thị trường lớn và tiềm năng cho tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ điện tử/trực tuyến.

Thứ hai, đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp nhiệt huyết đối với việc khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, nhanh nhạy với xu hướng và các tiến bộ của thế giới. Hơn nữa, làn sóng khởi nghiệp hiện nay có thể được xem thế hệ khởi nghiệp thứ ba, các doanh nhân khởi nghiệp đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các mô hình kinh doanh thành công cũng như đã có kinh nghiệm làm việc tại các thị trường tiên tiến.

Thứ ba, nguồn lao động dồi dào và chất lượng đến từ cả trường đại học và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ mà VinaCapital Ventures đang tập trung.

Thứ tư, sự hỗ trợ tuyệt vời từ Chính phủ đối với cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là trong thúc đẩy sáng tạo và quá trình chuyển đổi số.

Thứ năm, thị trường mới nổi còn rộng lớn và năng động với dân số 100 triệu người với các “nút thắt” đang tồn tại trong một số lĩnh vực như logistics, bán lẻ, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... cần giải pháp tháo gỡ sáng tạo.

Thứ sáu, nhiều phương án thoái vốn đa dạng cho nhà đầu tư, từ giao dịch mua bán đến M&A và IPO công ty.

Các lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm

- Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết ngõ ngách của nền kinh tế nhưng vẫn có không ít startup gọi vốn thành công. Theo ông, lĩnh vực nào được nhà đầu tư quan tâm hiện nay?

- Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra sôi động nhờ GDP quốc nội và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đồng thời lãi suất vẫn đang duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn không ngừng tìm kiếm các giải pháp đổi mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng và kinh doanh bền vững, đồng thời Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đơn vị đến từ Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Theo tôi, các nhà đầu tư hiện đang quan tâm đến:

Các công ty khởi nghiệp mang đến các giải pháp đột phá giúp giải quyết các vấn đề tồn tại trong các lĩnh vực phục vụ phần lớn dân số như logistics, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Các công ty khởi nghiệp áp dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động trong các lĩnh vực hưởng lợi từ quy mô dân số như bán lẻ, tiêu dùng, truyền thông và bất động sản.

Các công ty Fintech - đây là một trong những lĩnh vực được hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, hưởng lợi từ tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ của Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về sự lớn dần của các quỹ đầu tư nội địa trong những năm vừa qua?

- Trong những năm vừa qua, đi cùng với sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp là sự lớn dần của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước với sự hình thành và phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, các trung tâm ươm mầm khởi nghiệp, các quỹ đầu tư cũng như cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là các chính sách và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Các hình thức đầu tư cũng ngày càng đa dạng từ các nhà đầu tư thiên thần đến các chương trình hỗ trợ của Chính phủ ở tất cả các cấp, các vườn ươm khởi nghiệp, các quỹ đầu tư công nghệ đến từ các tập đoàn lớn trải rộng tới các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc về pháp lý trong việc hình thành và vận hành các quỹ nội địa để huy động dòng tiền trong nước đầu tư cho các công ty đổi mới sáng tạo và công nghệ Việt Nam.

- Với VinaCapital, tình hình đầu tư của quỹ VinaCapital Ventures trong năm nay ra sao?

- Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại quá trình tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường cũng như kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế và khu vực của các công ty khởi nghiệp. Trên thực tế đó, VinaCapital Ventures tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới với tiềm năng phát triển bền vững, các giải pháp sáng tạo và đội ngũ sáng lập có kiến thức sâu về ngành trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn nền kinh tế.

Tình hình hiện tại đã cho chúng ta cơ hội để có cái nhìn tốt hơn về nền kinh tế từ các góc độ khác nhau như hoạt động hiệu quả, tính bền vững của chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng của đội ngũ sáng lập cũng như cách tiếp cận thị trường của sản phẩm.

Nhìn chung, các công ty trong danh mục đầu tư của VinaCapital Ventures hiện đang hoạt động tốt, với 1/3 số công ty đã có thể tăng giá trị công ty qua các vòng gọi vốn tiếp theo.

Tiêu chí chọn startup của VinaCapital Ventures

- VinaCapital Ventures thường chọn những startup như thế nào để đầu tư?

- Các công ty nhận được vốn từ VinaCapital Ventures thường có các điểm chung sau:

Thứ nhất, hướng đến thị trường lớn và có nhiều phương án rút vốn khả thi. Việt Nam hiện tại chưa có công ty khởi nghiệp nào thống trị một lĩnh vực nên bất kỳ công ty khởi nghiệp nào cũng có cơ hội thành công.

Thứ hai, khả năng mở rộng. Các nhà đầu tư thường rất quan tâm đến khả năng mở rộng của các công ty khởi nghiệp, trong đó công nghệ và mô hình kinh doanh tổng thể phải có khả năng đáp ứng việc mở rộng hoạt động, đặc biệt là khi mở rộng ra tầm khu vực.

Thứ ba, sản phẩm phù hợp với thị trường. Ý tưởng và kế hoạch kinh doanh tốt là chưa đủ nếu không có những dữ kiện và số liệu vững chắc chứng minh sản phẩm/dịch vụ của công ty khởi nghiệp đó đang được thị trường đón nhận.

Thứ tư, đội ngũ và thực thi. Kiến thức về ngành và thị trường địa phương của những người sáng lập sẽ giúp các công ty khởi nghiệp giữ được sự tập trung cũng như có khả năng giải quyết các trở ngại trong việc thực thi các hành động dẫn đến thành công.

- Các khoản đầu tư của VinaCapital Ventures tại Việt Nam có đúng mục tiêu và kỳ vọng không?

- VinaCapital Ventures là quỹ chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có các giải pháp sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi hướng đến việc trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp có khả năng đột phá và kết nối họ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty niêm yết đang tìm kiếm sự đổi mới công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Chúng tôi tin tưởng nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất và nằm trong số ít những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP dương trong thời kỳ đại dịch. Các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi đang tăng trưởng phù hợp với tình hình kinh tế, và có đến 1/3 trong số đó đang huy động vốn trong các vòng tiếp theo và số còn lại đã có đủ khả năng vượt qua giai đoạn đầy thử thách này. Chúng tôi cũng đang trong quá trình đàm phán đầu tư và hy vọng sẽ bổ sung thêm 3-4 công ty mới vào danh mục của mình trong 6 tháng tới.

- Có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam một mặt muốn gọi vốn đầu tư nhưng mặt khác lại "hét giá" cao hơn giá trị thật, ông thấy điều này có đúng không? VinaCapital có gặp những trường hợp tương tự như vậy?

- Các công ty khởi nghiệp nói chung cần rất nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn để tồn tại và phát triển. Trong khi đó, các nhà đầu tư có các phương pháp khác nhau trong việc đánh giá đầu tư cũng như khẩu vị rủi ro riêng, ảnh hưởng đến việc định giá một doanh nghiệp.

VinaCapital Ventures đã có quy trình đầu tư và khung đánh giá được xây dựng và cải tiến qua nhiều năm để lựa chọn công ty khởi nghiệp và giúp họ phát huy được những giá trị đích thực của mình. Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của VinaCapital (DFJV) đã hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và mang lại lợi nhuận gấp hơn 3 lần cho các nhà đầu tư trong suốt khoảng thời gian 12 năm hoạt động (2007-2018).

- Ông có góp ý gì với cơ quan quản lý, Chính phủ để có thể thu hút được nhiều quỹ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới?

- Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường đầy hứa hẹn, nơi các công ty khởi nghiệp có cơ hội và môi trường kinh doanh để phát triển, được kết nối với các tập đoàn hàng đầu và được bảo hộ bằng sáng chế.

Tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng các tập đoàn lớn hơn nên mở rộng cửa, góp phần cùng tạo ra hệ sinh thái và hợp tác với các công ty khởi nghiệp để các bên cùng có lợi. Ngoài ra, cần có nhiều sự hỗ trợ hơn khuôn khổ đầu tư công nghệ trong nước cũng như các cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) trong lĩnh vực công nghệ để có thể thúc đẩy các sáng kiến công nghệ mới và quá trình thương mại hóa nhằm đóng góp cho nền kinh tế nói chung.