MediaTek: Thiếu hụt chip bán dẫn không nên là vấn đề, tập trung mảng 5G trong năm 2021
Đại diện MediaTek cho biết sẽ tập trung ở mảng 5G trong năm 2021, và hãng có được uy tín thương hiệu tại Việt Nam nhờ việc mang lại những lợi ích tốt nhất cho người dùng.

Theo đó, trong buổi họp báo online “MediaTek Virtual Coffee Session in Vietnam“, các lãnh đạo khu vực và Việt Nam của MediaTek đã có những cập nhật, chia sẻ chi tiết về tình hình phát triển mạng 5G, giới thiệu các công nghệ – sản phẩm mới của hãng tại thị trường Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lãnh đạo MediaTek tại Việt Nam cũng có những trao đổi liên quan đến những hoạt động của hãng tại thị trường trong nước.

MediaTek lạc quan với “cơn khủng hoảng” thiếu chipset

Trước thực tế thiếu hụt chipset do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian gần đây, thậm chí các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đưa ra cảnh báo, tình trạng khan hiếm chất bán dẫn trên toàn cầu làm ảnh đến nhiều lĩnh vực khác nhau như ô tô, máy tính đến điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo những chia sẻ của MediaTek thì hãng đã có những kết quả rất khả quan trong nửa đầu năm 2021, và hãng sản xuất này cũng khá lạc quan với triển vọng “vượt dịch” của mình trong thời gian tới.


 


Cụ thể, bên cạnh thông tin mới đây của CEO Rick Tsai cho biết tập đoàn đã nâng mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm năm 2021 từ khoảng 40% lên mức trên 45%, thì cập nhật mới của ông Finbarr Moynihan – Phó Chủ tịch bộ phận Marketing của MediaTek – doanh số của hãng đã tăng từ ~3,8 tỷ USD vào quý I/2021 lên ~4,4 tỷ USD trong quý II/2021. Trong đó, mức tăng trưởng ở mảng chip di động tăng đến 144% so với cùng kỳ năm ngoái, mảng chipset cho IoT, Computing & ASIC tăng 59%, kết quả cũng rất khả quan ở mảng nhà thông minh và Power IC ở cả doanh thu và mức tăng trưởng. Thậm chí, công ty cũng kỳ vọng mức tăng trưởng trong năm 2021 lên hơn 40% .

Trích dẫn số liệu nghiên cứu của Counterpoint, MediaTek tỏ ra rất lạc quan về thị phần của mình trong năm 2021 với 37%, tăng 5% so với năm ngoái. Trong khi đó, Qualcomm có thị phần chiếm 31% trong năm nay (so với mức 28% của năm ngoái).

 
Nguồn: Counterpoint/MediaTek

Đại diện MediaTek hy vọng sẽ tiếp tục phát triển và duy trì được thị phần cao, công ty tin rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể sẽ kéo dài trong một thời gian khá dài, có thể ít nhất là từ một đến hai năm, nhưng đây không nên nên được coi là mối lo ngại đối với triển vọng kinh doanh của công ty.

Triển vọng với mạng 5G

MediaTek sản xuất và kinh doanh chip cho nhiều loại thiết bị điện tử, nhưng điện thoại di động chiếm 57% doanh thu của hãng. Công ty gần đây đã phát triển thành nhà cung cấp chip cho điện thoại lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn điều đó là nhờ vào việc bán các sản phẩm dành cho thiết bị cấp thấp. Bắt đầu từ năm 2019, MediaTek bắt đầu theo đuổi thị trường điện thoại cao cấp trong cuộc tấn công trực tiếp vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của Qualcomm.


 

Tìm cách tham gia nhiều hơn ở mảng 5G là một trong những chiến lược chủ đạo của MediaTek trong năm 2021.


Với lộ trình rõ ràng với mong muốn giành vị trí tiên phong ở thị trường mạng di động 5G, ông Chinlin Low – Giám đốc Kỹ thuật của MediaTek tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ rằng, công ty đã có những thành tựu bước đầu ở mảng 5G vào năm 2021 với việc ra mắt các mẫu chip Dimensity 1000/1000+, 800/820, 800U, 720 và 700. Cùng với đó, MediaTek cũng đạt kết quả với hơn 45 triệu đơn vị được bán ra. Đồng thời, đầu năm 2021, hãng cũng tung ra hai “ác chủ bài” Dimensity 1200/1100 cho thiết bị cấp cao, đồng thời phủ rộng hơn trên mọi ngách ở thị trường 5G.

Đại diện MediaTek tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố rằng, công ty sẽ tiếp tục chiếm thị phần trong thị trường điện thoại 5G cao cấp, bao gồm cả với các nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất trên thế giới.


 


Các dòng smartphone 5G dùng chip MediaTek đã ra mắt tại Việt Nam


MediaTek cũng đang có kế hoạch tung ra một sản phẩm dành cho mạng 5G sóng milimet (mmWave) vào nửa cuối năm nay. Điều đó cũng sẽ mở rộng cuộc tấn công của họ đối với Qualcomm, công ty đã cố gắng giành được vị trí dẫn đầu trong thị trường mmWave 5G với một loạt các sản phẩm mới dành cho mạng này.

Mặc dù không được đề cập trong buổi họp báo, nhưng thông tin mới đây về việc MediaTek đã đã công bố dòng chip mới cho máy tính bảng 5G là Kompanio – trong nỗ lực mở rộng thị trường có địa chỉ của mình ngoài điện thoại. Hiện chưa có nhiều thông tin về thiết bị tham chiếu cũng như hãng nào sẽ sử dụng dòng chip này trên thiết bị sắp tới của mình, nhưng đây được xem là một sự tập trung đáng kể của MediaTek trong việc mở rộng hơn nữa sự ảnh hưởng trên mảng thiết bị kết nối mạng di động băng thông rộng 5G.

MediaTek đã có kết quả gì ở mảng 5G tại Việt Nam?

Theo chia sẻ của MediaTek, công ty rất vui mừng vì hiện 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và Mobifone đã được cấp phép thử nghiệm mạng 5G thương mại của chính phủ. Đồng thời, thông tin về việc đồng ý chia sẻ hạ tầng mạng 5G (MOCN) cũng rất quan trọng để dễ dàng hơn cho việc phổ cập 5G trong tương lai.


 


Tuy vậy, công ty cũng thẳng thắn chia sẻ thách thức lớn nhất trong việc triển khai 5G ở Việt Nam là ở băng tần, vì hiện tại chỉ hỗ trợ băng tần trung (mid – band; n41 và n78), trong khi đó băng tần Băng tần thấp (low – band) và cao (high – band hay còn gọi là băng tần mmWave) chưa có gây ra nhiều khó khăn.

MediaTek và doanh nghiệp Việt Nam

Mặc dù không được đề cập nhiều về sự hợp tác với các thương hiệu di động trong nước, nhưng ông Châu Phạm – Giám đốc Quốc gia tại thị trường Việt Nam cho biết hãng vẫn đang làm việc với nhiều đối tác để tạo ra những sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt dùng chip MediaTek. Ông chia sẻ: “Chẳng hạn, gần đây MediaTek Việt Nam cũng đã có kế hoạch chiến lược với một thương hiệu điện thoại (giấu tên) trong nước, nhưng rất tiếc chiến lược phát triển của họ có chút thay đổi nên chưa có kết quả như mong đợi”.

 


Trợ lý ảo tiếng Việt Zalo Kiki trên màn hình ô tô.


Dấu ấn rõ ràng nhất của MediaTek là việc hợp tác chiến lược với các công ty của Việt Nam như Olli, Lumi, Zalo để phát triển các dòng loa thông minh, trợ lý ảo cho xe ô tô. Cụ thể, trong thời gian sắp tới, Lumi và Zalo sẽ ra mắt một dòng smart speaker mới tích hợp trợ lý ảo tiếng Việt. Zalo AI mới đây cũng đã ra mắt trợ lý ảo Kiki, đồng thời man hình ô tô GoTech được tích hợp trợ lý Zalo Kiki mới đây cũng đã ra mắt mở đầu cho việc mang trợ lý ảo tiếng Việt lên ô tô.

Khi được TechTimes hỏi về chiến lược của một thương hiệu chip Trung Quốc để có được lòng tin của người dùng Việt Nam, đại diện MediaTek cho biết công ty luôn đổi mới, sáng tạo và cố gắng tạo ra càng nhiều giá trị càng tốt cho người dùng. Việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng không chỉ ở thương hiệu ở đâu mà cốt yếu là ở sản phẩm mang lại lợi ích tốt nhất, phục vụ nhiều nhất, tối ưu nhất những nhu cầu của người dùng.

 

Theo TechTimes