Hệ sinh thái khởi nghiệp Hồng Kông
Thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp tại địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các chính sách đổi mới sáng tạo của Hồng Kông.
Những nỗ lực nhằm phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được đẩy mạnh trong 8 lĩnh vực chính gồm: tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển (R&D); quy tụ tài năng công nghệ; cung cấp quỹ đầu tư; cung cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu công nghệ; xem xét luật và quy định hiện hành; mở dữ liệu của Chính phủ; thay đổi các thỏa thuận mua sắm; và tăng cường giáo dục khoa học phổ thông.
 
Ủy Ban Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC Research) đã tiến hành một cuộc khảo sát vào giữa năm 2020 về sự phát triển và hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Cuộc khảo sát nhằm mục đích nghiên cứu, từ góc độ của các công ty khởi nghiệp tại địa phương, liệu những giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không. Khảo sát cho thấy rằng, nhìn chung, các công ty khởi nghiệp hài lòng với mức hỗ trợ kinh phí hiện tại của Chính phủ Hồng Kông. Tuy nhiên, những cơ hội để huy động vốn trên thị trường tư nhân vẫn còn hiếm. Mặc dù những người được hỏi đều thừa nhận rằng, Hồng Kông đã mang lại cho họ lợi thế trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, tuy nhiên, năng lực công nghệ của lực lượng lao động tại địa phương còn rất thấp. Các công ty thuộc các ngành đang thịnh hành có xu hướng hài lòng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp tại địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các chính sách đổi mới sáng tạo của Hồng Kông. 13 nước hơn các công ty thuộc các ngành khác.

Những thách thức mà các công ty khởi nghiệp Hồng Kông đang phải đối mặt
 
Khảo sát đã cho thấy, quỹ khởi nghiệp của các công ty rất khác nhau, từ dưới 1 triệu đô la Hồng Kông đến vài triệu đô la Hồng Kông. Một số người tiết lộ rằng thu nhập của họ gần bằng 0 trong giai đoạn đầu bắt đầu kinh doanh. 80% các công ty khảo sát được thành lập dưới 5 năm, nhiều công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và tiêu tốn vốn. Kết quả 26% những người trả lời đều đề cập đến là: “có đủ nguồn vốn” là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp họ.
 
Tuy nhiên, thực tế là các công ty khởi nghiệp chủ yếu hướng đến việc cung cấp các giải pháp và sản phẩm đổi mới sáng tạo, đồng thời, bản chất kinh doanh giữa các công ty là rất khác nhau, các tiêu chí quan trọng nhất đối với sự phát triển của các công ty khởi nghiệp giữa các ngành khác nhau cũng khác nhau. Ví dụ, các công ty trong lĩnh vực bán lẻ mới (33% người được hỏi) và dịch vụ đổi mới sáng tạo (20%) đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng tập khách hàng rộng, trong khi những công ty thuộc lĩnh vực có yêu cầu công nghệ cao hơn, chẳng hạn như công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe (20%), thông tin sản xuất công nghệ và phần cứng (16%), và nền kinh tế mới (15%) tập trung vào đổi mới liên tục là điều không thể thiếu.
 

 

Nguồn: HKTDC Startup survey 2020
 
Khi được hỏi về những khó khăn hiện nay mà các công ty khởi nghiệp ở Hong Kong đang phải đối mặt, những người được hỏi cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đã cản trở sự phát triển của doanh nghiệp họ. Các công ty khởi nghiệp thuộc tất cả các ngành được đề cập trong khảo sát coi đây là một trong ba thách thức hàng đầu mà họ phải đối mặt hiện nay. 39% các doanh nghiệp khởi nghiệp coi việc giành được niềm tin của khách hàng là một thách thức. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty sử dụng công nghệ tiên tiến liên quan đến các vấn đề về quyền riêng tư. Có nhiều người quan tâm đến vấn đề này và người tiêu dùng địa phương càng thận trọng hơn khi lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ sử dụng loại công nghệ này. Một ví dụ điển hình về một công ty bị ảnh hưởng bởi mối lo ngại này đó là công ty khởi nghiệp Dayta AI tại địa phương. Họ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để phân tích các đặc điểm và hành vi của người tiêu dùng thông qua ứng dụng AI, nhằm giúp khách hàng cải thiện các chiến lược tiếp thị. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty Patrick Tu cho biết, mặc dù công nghệ của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng họ khó có thể xóa đi nỗi lo của khách hàng tiềm năng và do đó các sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương vẫn khó được chấp nhận. Ngoài hai vấn đề này, một số lượng lớn người được hỏi cũng cho biết rằng những rào cản nữa đó là: chi phí kinh doanh ngày càng tăng (37%), không tuyển dụng được những nhân tài (34%), không đủ kinh phí (31%), và khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư (28%).
 
 
 
Nguồn: HKTDC Startup survey 2020
 



Hệ sinh thái khởi nghiệp của Hồng Kông
 
Để xác định điểm mạnh và điểm yếu của Hệ sinh thái khởi nghiệp Hồng Kông, với tư cách là trung tâm khởi nghiệp và hiểu nhu cầu của các công ty khởi nghiệp địa phương, những người trả lời khảo sát đã được yêu cầu đánh giá mức độ tốt của Hồng Kông trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Thang điểm 10 được sử dụng để đánh giá các yếu tố hỗ trợ khác nhau, với mức 1 thể hiện “rất không hài lòng” và mức 10 thể hiện là “rất hài lòng”. Các yếu tố được nhóm thành ba loại chính: tài trợ và hỗ trợ; khả năng tiếp cận thị trường; và cơ sở hạ tầng xã hội.

Tài trợ và Hỗ trợ
 
Hiện nay, Quỹ Đổi mới sáng tạo và Công nghệ do Ủy ban Đổi mới sáng tạo và Công nghệ quản lý là đại diện chính cho hỗ trợ của Chính phủ đối với sự phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở địa phương. Quỹ bao gồm một số lĩnh vực gồm: hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy thương mại hóa kết quả R&D; Tạo điều kiện cho việc áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng tài năng công nghệ. Khảo sát cho thấy những người được hỏi phần lớn hài lòng với nguồn vốn do Chính phủ Hồng Kông cung cấp cho các công ty khởi nghiệp, đánh giá trung bình là 6,31. Một nửa trong số họ cho điểm từ 7 đến 10. Trong các cuộc phỏng vấn, những người được hỏi phần lớn đều nhận thấy trong những năm gần đây Chính phủ ngày càng tăng mức hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng, những thủ tục xin hỗ trợ quá phức tạp và tốn thời gian, nhiều công ty khởi nghiệp không có đủ nguồn lực để xử lý các thủ tục này. Những người được hỏi cho biết họ hy vọng Chính phủ có thể hợp lý hóa hơn nữa các thủ tục hồ sơ cũng như rút ngắn thời gian xử lý.
 
 
 

Các công ty khởi nghiệp chưa hài lòng với sự hỗ trợ phi tiền tệ của Chính phủ, với số điểm trung bình là 6,1. Nhiều ý kiến phàn nàn rằng cộng đồng địa phương có quan điểm khá bảo thủ về đổi mới sáng tạo và công nghệ, khiến các công ty khởi nghiệp khó chiếm được lòng tin của khách hàng tiềm năng trong giai đoạn đầu phát triển. Họ mong muốn chính phủ đóng vai trò đi đầu trong việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo và công nghệ tại địa phương, từ đó, giúp nâng cao niềm tin của cộng đồng địa phương đối với các sản phẩm này, thúc đẩy việc ứng dụng đổi mới sáng tạo và công nghệ, đồng thời nâng hình ảnh của các công ty khởi nghiệp.
 
Những người được hỏi cho rằng, so với sự hỗ trợ của Chính phủ, hỗ trợ từ lĩnh vực tư nhân cho hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương là không đáng kể. Khảo sát đánh giá về nguồn vốn hỗ trợ từ tư nhân và hỗ trợ phi tiền tệ từ nhóm này lần lượt trung bình là 5,99 và 6,05, mức đánh giá thấp nhất cho bất kỳ yếu tố hỗ trợ nào. Nhiều người được hỏi đã đề cập cụ thể rằng, việc tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần tại thị trường nội địa là vô cùng khó khăn. Có hai lý do chính: thứ nhất, các nhà đầu tư thường không tham gia vào các ngành công nghiệp xu hướng hoặc các lĩnh vực công nghệ (chẳng hạn như công nghệ tài chính hoặc công nghệ sinh học); thứ hai, số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư thường quá cao so với quy mô của nó. Do đó, phần lớn các công ty khởi nghiệp phải sử dụng tiền tiết kiệm cá nhân, tài trợ của Chính phủ và các khoản vay ngân hàng làm vốn hoạt động trước khi bắt đầu tạo ra lợi nhuận.
 
Sự kết nối và hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp và giới học thuật đạt điểm đánh giá trung bình là 6,26. Tầm quan trọng của yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào bản chất kinh doanh của từng công ty cụ thể. Ví dụ, Lydia Leung, Giám đốc điều hành Công ty phát triển thiết bị y tế địa phương Beluntech cho rằng, công ty đã thu được dữ liệu lâm sàng cho các sản phẩm của mình thành công nhờ hợp tác với Đại học Hồng Kông, Trung Quốc (CUHK). Đối với các ngành yêu cầu kỹ thuật thấp hơn, chẳng hạn như dịch vụ bán lẻ và đổi mới sáng tạo, việc hợp tác với giới học thuật ít quan trọng hơn.

Khả năng tiếp cận thị trường
 
Về khả năng tiếp cận thị trường, các công ty khởi nghiệp ở trong nước ấn tượng nhất nhờ lợi thế của Hồng Kông trong việc giúp họ tiếp cận thị trường nước ngoài. Họ đánh giá yếu tố này trung bình là 6,48. Các công ty khởi nghiệp trong nước có thể kết nối với những người mua ở nước ngoài thông qua chương trình ươm tạo Incu-Tech do các Công viên Khoa học và Công nghệ và Cyberport điều hành. Họ cũng có thể tham gia vào các đoàn công tác nước ngoài do HKTDC tổ chức để nắm bắt tình hình phát triển mới nhất ở thị trường nước ngoài.
 
Vì vậy, việc mở rộng thị trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các công ty khởi nghiệp, lợi thế về khả năng tiếp cận thị trường của Hồng Kông mang lại cho Hồng Kông một nền tảng quan trọng trong việc chuyển sang định vị mình như một trung tâm khởi nghiệp.

Những công ty khởi nghiệp địa phương đã công nhận Hồng Kông như một sàn giao dịch, họ có thể tiếp cận với thị trường nước ngoài mà không có rào cản.

Hình 1. Khả năng tiếp cận thị trường
 
 
Nguồn: HKTDC Startup survey 2020
 
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các công ty khởi nghiệp trong nước ít hài lòng hơn với khả năng tiếp cận thị trường đại lục, xếp hạng 6,29. Khi được hỏi về những khó khăn và rào cản mà các công ty khởi nghiệp đang phải đối mặt khi muốn mở rộng sang thị trường Vùng Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao (GBA), 43% người được hỏi cho biết do sự khác biệt về hệ thống thể chế (ví dụ như luật pháp, thuế) giữa đại lục và Hồng Kông, trong khi 39% lo ngại về điều kiện thị trường không chắc chắn ở đó. Theo ý kiến của các công ty khởi nghiệp trong cuộc khảo sát, chính quyền Hồng Kông nên nỗ lực hơn nữa để giải thích cho các doanh nghiệp trong nước về sự khác biệt giữa chính sách của các thành phố GBA đại lục khác nhau, để nâng cao lòng tin của họ về việc mạo hiểm tham gia vào GBA.
 
Các công ty khởi nghiệp trong cuộc khảo sát đồng ý rằng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước giúp họ có được khách hàng ở giai đoạn đầu, đánh giá ở mức 6,35. Là một nền tảng thương mại quốc tế, Hồng Kông đưa các doanh nghiệp, người mua và thương nhân từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau và là bàn đạp cho các thương hiệu quốc tế muốn thâm nhập thị trường châu Á. Đối với các công ty khởi nghiệp địa phương, Hồng Kông là cơ sở lý tưởng để tiếp thị thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới. Một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong khảo sát cũng chỉ ra rằng, đối với các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe, việc được gắn nhãn “Sản xuất tại Hồng Kông” có thể giúp chiếm được lòng tin của khách hàng nước ngoài.

Cơ sở hạ tầng xã hội
 
Bởi vì các công ty khởi nghiệp tập trung vào đổi mới sáng tạo, họ coi trọng sở hữu trí tuệ hơn các doanh nghiệp truyền thống. Cuộc khảo sát cho thấy các công ty khởi nghiệp địa phương hài lòng với cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Hồng Kông, cho điểm trung bình là 6,76, điểm cao nhất được trao cho bất kỳ yếu tố hỗ trợ nào. Một số người được hỏi chỉ ra rằng vì các tài liệu sở hữu trí tuệ của Hồng Kông được sử dụng song ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nên chúng có thể áp dụng ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, lệ phí đăng ký thấp và thủ tục đơn giản. Tại các cuộc phỏng vấn của công ty, không ai trong số các công ty khởi nghiệp bày tỏ sự không hài lòng với cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của địa phương.
 
Nhìn chung, những người được hỏi đều đồng ý rằng, so với các thị trường châu Á khác như Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Đông Nam Á, Hồng Kông có vẻ dè dặt hơn trong việc chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Trong những năm gần đây, với sự phát triển văn hóa doanh nhân ở Hồng Kông cùng ảnh hưởng của Đề án Phiếu công nghệ và Đề án thử nghiệm lĩnh vực công (Technology Voucher Scheme and Public Sector Trial Scheme) do chính phủ phát động, thị trường địa phương trở nên dễ chấp nhận hơn đối với công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các công ty nằm trong cuộc khảo sát đã đánh giá mức độ chấp nhận công nghệ địa phương trung bình là 6,49. Điều đáng chú ý là các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra những xếp hạng khác nhau, với 71% các công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe cho điểm đánh giá từ 7 đến 10 đối với việc chấp nhận công nghệ địa phương, tuy nhiên, chỉ có 45% các công ty bán lẻ mới và 42% các công ty dịch vụ mới đưa ra cùng xếp hạng.

Hình 2. Cơ sở hạ tầng xã hội
 
 
 

Nguồn: HKTDC start-up survey 2020


Các công ty khởi nghiệp nhìn chung hài lòng với dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp tại địa phương, cho điểm trung bình là 6,4. Các dịch vụ chuyên nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và thương mại khác là một trong bốn ngành công nghiệp trụ cột ở Hồng Kông, đóng góp hơn 10% vào GDP của lãnh thổ và sử dụng hơn 500.000 người. Lực lượng lao động này cung cấp các dịch vụ kế toán, pháp lý và tư vấn theo tiêu chuẩn quốc tế cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù họ cung cấp hàng loạt các dịch vụ chuyên nghiệp, nhưng cần phải cải thiện tính linh hoạt. Michael Choi - Giám đốc công nghệ của Cypress Bio-Tech Co Ltd cho biết, công ty của ông đã lên kế hoạch thành lập một phòng thí nghiệm ở Hồng Kông, nơi tiến hành thử nghiệm các sản phẩm chống muỗi. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng các dịch vụ thử nghiệm sẵn có tại địa phương thiếu tính linh hoạt và tốn nhiều thời gian và chi phí. Cuối cùng họ phải chuyển sang lựa chọn ở nước ngoài. Để đưa ra một ví dụ khác về sự thiếu linh hoạt này, Frank Ho và Walter Cheung, đồng sáng lập Contrendian Limited chỉ ra rằng, họ đã phải dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm các công ty luật địa phương sẽ cung cấp cho họ báo giá cho đơn đăng ký bằng sáng chế cho nền tảng công nghệ đầu tư của họ.

Những công ty khởi nghiệp Hồng Kông hài lòng với cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa hài lòng với khả năng kỹ thuật của người lao động
 
Hình 3. Toàn hệ sinh thái
 
 
 

Nguồn: HKTDC start-up survey 2020
 
Những người được hỏi đã đánh giá mức độ thành thạo kỹ thuật của lực lượng lao động địa phương là khá thấp, điểm trung bình là 6,27. Edward Li, người sáng lập công ty thương mại điện tử địa phương Starlity Limited cho biết, do Hồng Kông tập trung vào việc đào tạo các chuyên gia kinh doanh nhiều hơn là đào tạo nhân tài công nghệ, vì vậy, những nhân tài công nghệ địa phương hiện nay đang thiếu hụt. Việc tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài liên quan đến các thủ tục hồ sơ phức tạp. Trước tình hình chi phí trả cho nhân tài ở Hồng Kông cao, một số công ty khởi nghiệp nằm trong khảo sát cho biết, họ đã chuyển hoạt động nghiên cứu và phát triển của mình sang các thành phố đại lục.

Tổng quan về mức độ hài lòng

Nhìn chung, các công ty khởi nghiệp ở Hồng Kông phần lớn hài lòng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, với mức điểm trung bình là 6,52. Một nửa số người được hỏi cho điểm đánh giá từ 7 đến 10, trong khi, chỉ 11% cho điểm từ 1 đến 4. Các ngành có xu hướng liên quan đến công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế mới và bán lẻ mới, đạt điểm trung bình lần lượt là 6,98, 6,78 và 6,64. Mức độ hài lòng của các ngành không nằm trong xu hướng thấp hơn. Các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sản xuất phần cứng xếp hạng trung bình là 6,5, trong khi các công ty trong lĩnh vực dịch vụ sáng tạo đạt điểm 5,99.

Các doanh nghiệp Hồng Kông rất hài lòng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, đặc biệt với các lĩnh vực xu thế

BẢNG 1. BẢNG CÂU HỎI KHẢO SÁT
 


 

Trong số các khía cạnh khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, những người được hỏi hài lòng nhất với cơ sở hạ tầng xã hội, tiếp theo là khả năng tiếp cận thị trường, nhưng nhìn chung, ít hài lòng nhất là về nguồn vốn và hỗ trợ. Thay vì hỗ trợ tiền tệ, họ muốn nhận được nhiều hỗ trợ phi tiền tệ hơn từ chính phủ và lĩnh vực tư nhân, chẳng hạn như tiếp thị và ứng dụng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo tại địa phương. Sự hỗ trợ phi tiền tệ này có thể giúp các công ty khởi nghiệp ở Hồng Kông tự vượt qua đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài.
 
Phụ lục về thông tin cơ bản của cuộc khảo sát

259 công ty có trụ sở tại Hồng Kông được thành lập trong 8 năm qua đã trả lời cuộc khảo sát bảng câu hỏi trực tuyến do HKTDC Research thực hiện từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2020. Cuộc khảo sát nhằm mục đích hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển và hiệu suất của hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, đồng thời, thu thập quan điểm về những cơ hội phát triển ở GBA. Trong cuộc khảo sát, các cuộc phỏng vấn sâu đã được thực hiện với 25 bên liên quan và những phân tích về những trường hợp chính đã được thực hiện. Cuộc khảo sát bao gồm các lĩnh vực chính của hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, bao gồm công nghệ sinh học và y tế, công nghệ thông tin và sản xuất phần cứng, dịch vụ đổi mới sáng tạo, nền kinh tế mới và bán lẻ mới./.
 

Theo Bản tin khởi nghiệp số 27.2021 - 28.2021