GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA STARTUP: MỐI QUAN TÂM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư cũng ngày càng tăng cao. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Đầu tư vào start-up trong giai đoạn đầu, luôn là sự quan tâm của các quỹ đầu tư.

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư cũng ngày càng tăng cao. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Đầu tư vào start-up trong giai đoạn đầu, luôn là sự quan tâm của các quỹ đầu tư.

500 Startups Vietnam, Hustle Fund, Genesia Ventures, BKfund… là những quỹ đầu tư vào giai đoạn đầu của start-up nổi bật tại Việt Nam. Sau khi công bố hoàn tất một thương vụ, họ không chỉ giải ngân số vốn như thoả thuận, mà lao vào hỗ trợ start-up trong mọi khía cạnh còn ngổn ngang mà dự án khởi nghiệp đang đối mặt. Trong đó, mối quan tâm hàng đầu của các quỹ là đội ngũ nòng cốt trong start-up có năng lực hay không.

Chẳng hạn, với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BK Fund, không chỉ đầu tư ở giai đoạn sớm nhất, mà còn đồng hành chặt chẽ, hỗ trợ đội ngũ sáng lập trong giai đoạn ra mắt sản phẩm và phát triển thị trường.

Được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những nhà đầu tư là doanh nhân cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, BK Fund mang sứ mệnh là bệ đỡ cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời là cầu nối giữa các sản phẩm khoa học và công nghệ trong trường đại học và doanh nghiệp. Mục tiêu của BK Fund là giúp các đề tài nghiên cứu tiềm năng và những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của giảng viên và sinh viên Bách khoa từ trên giấy bước ra đời sống, trở thành các sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trung bình, quỹ rót vào mỗi dự án khoảng 1 tỉ đồng, kéo dài trong 4 – 5 năm.

Theo ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BK Fundcó nhiều yếu tố để các nhà đầu tư chốt một thương vụ. Trong bộ tiêu chí đánh giá của quỹ này, con người là yếu tố quan trọng nhất. Đồng thời, Quỹ sẽ tìm kiếm câu trả lời về khả năng phù hợp của đội ngũ sáng lập trong thị trường mà start-up đang tham gia.

“Thứ nhất, bản thân sản phẩm và mô hình kinh doanh của các bạn có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thứ hai, chúng tôi thấy rằng nội lực của các bạn tốt, nhưng nó phải gắn với xu hướng phát triển của thị trường. Thứ ba, quan điểm của chúng tôi khi đầu tư là không chỉ có tiền, mà là cả những vấn đề khác, nhằm giúp các bạn chuyển hóa, đưa vào giá trị của doanh nghiệp để tăng sản phẩm. Thì đấy là ba yếu tố mà chúng tôi muốn đầu tư và đồng hành với các Startup”, ông Tuấn Hiệp chia sẻ.

Với các nhà đầu tư giai đoạn đầu, hầu hết đều đề nghị hoán đổi vốn đầu tư cho một lượng cổ phần nhỏ (từ 5-10%). Nếu nhà đầu tư muốn chiếm phần lớn số cổ phần, thì start-up có thể cân nhắc việc từ chối hợp tác, vì các nhà sáng lập mới là người vận hành chính của công ty, chứ không phải là các nhà đầu tư.

Việc các quỹ nắm giữ lượng nhỏ cổ phần còn giúp dự án trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư ở giai đoạn sau này, đồng thời giúp đội ngũ sáng lập và điều hành công ty không bị pha loãng cổ phần quá nhiều.

Đại dịch không làm thay đổi các tiêu chí đánh giá start-up của nhà đầu tư. Qua các làn sóng dịch bệnh, năng lực vận hành của các nhà sáng lập cũng như đội ngũ nòng cốt của mỗi dự án còn được bộc lộ rõ nhất thông qua khả năng xoay xở với tình hình. Như vậy, các nhà đầu tư có thêm cơ hội để quan sát kỹ hơn những Startup mà mình sẽ đầu tư vào.