Kiều bào – nguồn lực góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Người Việt Nam ở nước ngoài không những là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mà còn là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp. Với tấm lòng hướng về quê hương, nhiều kiều bào đã trở về góp sức xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Người Việt Nam ở nước ngoài không những là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mà còn là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp. Với tấm lòng hướng về quê hương, nhiều kiều bào đã trở về góp sức xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, Nhà nước luôn chú trọng huy động mọi nguồn lực, trong đó có sự đóng góp to lớn của bà con kiều bào. Nhiều kiều bào đã và đang trở về đóng góp kiến thức, trí tuệ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nước nhà. Hằng năm có khoảng từ 3.000 đến 5.000 kiều bào trở về nước sinh sống, làm việc, khởi nghiệp. Với những thuận lợi về ngôn ngữ, văn hóa và các cơ chế, chính sách ưu tiên của Nhà nước, cơ hội thành công cho các bạn trẻ và doanh nghiệp kiều bào tại Việt Nam rất lớn. 

Theo ông Nguyễn Lân Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trong những năm gần đây Việt Nam phát triển mạnh, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn với những bạn trẻ muốn trở về khởi nghiệp. Bên cạnh những tiềm năng, kiều bào khi trở về còn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước và các đơn vị chức năng.

Sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là lượng kiều hối mà còn là kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là mạng lưới thông tin cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do đó, việc tăng cường kết nối giữa kiều bào với cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo  trong nước sẽ giúp xây dựng đầu mối thông tin đủ tin cậy, trao đổi và hợp tác thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư một cách hiệu quả.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến, chàng trai người Mỹ gốc Việt sinh nam 1988, đã quyết định trở về nguồn cội, đi khắp các vùng miền, từ ĐBSCL đến Kon Tum, Lào Cai, Điện Biên… giúp người dân bản địa phát triển chuỗi nông sản bền vững, giúp bà con dân tộc phát triển sản phẩm ra thế giới. Nguyễn Hoài Tiến cũng đang ấp ủ và thực hiện hoài bão gây dựng thương hiệu quốc gia về nông sản. Với Nguyễn Hoài Tiến, trở về Việt Nam không những là cơ hội phát triển bản thân mà còn là cách để anh tri ân với mảnh đất của cha ông. Chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ kiều bào đang có ý định trở về khởi nghiệp ở quê hương, Daniel Nguyễn Hoài Tiến cho rằng, các bạn phải chuẩn bị tinh thần và phải kiên trì, kiên quyết. Trở về Việt Nam, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu biết cách hòa nhập với văn hóa, với người dân thì bạn sẽ sớm chạm đến thành công.
Việc thu hút người trẻ ở nước ngoài về Việt Nam lập nghiệp và sinh sống luôn là chủ trương được quan tâm của Nhà nước ta. Bên cạnh những ưu đãi, những chính sách thông thoáng, cụ thể thì trở về Việt Nam chính là những cơ hội để phát triển, góp phần xây dựng đất nước.