Giấc mơ mạng xã hội du lịch cho người Việt của ông chủ 7x
Đỗ Gia Thùy ấp ủ nhiều năm trước khi hiện thực hóa mạng xã hội du lịch tại Việt Nam, chấp nhận không có doanh thu trong ba năm đầu...
Đúng thời điểm này một năm trước, Gody.vn đã bị sập hệ thống hoàn toàn chỉ sau vài giờ ra mắt chức năng bản đồ checkin (MytravelMap) vì lượng người truy cập quá lớn, số người dùng đăng ký tăng đột biến lên đến vài chục nghìn. Hệ thống quá tải và không lường trước mức độ lan tỏa của sự kiện.
Bản đồ MytravelMap cho phép thành viên đánh dấu những điểm đến họ từng đi qua tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã được nhiều blogger du lịch và người nổi tiếng chia sẻ trên Facebook, sự hưởng ứng của cộng đồng ngày càng đổ dồn về trang mạng xã hội chỉ mới thành lập hơn nửa năm. Nhờ lượng người dùng tăng trưởng, cộng đồng của Gody.vn ngày càng phát triển và hiện có hơn 250.000 thành viên. Nhưng giấc mơ của nhà sáng lập Đỗ Gia Thùy không dừng lại ở đó.
Cộng đồng du lịch dành riêng cho người Việt
Một ngày của năm 2014, ý tưởng khởi nghiệp bất chợt nảy ra trong đầu Thùy. Anh nhận thấy số lượng người Việt đi du lịch trong và ngoài nước rất nhiều nhưng các thông tin trên mạng còn chung chung. Làm sao để mọi người có thể tìm được gợi ý chi tiết cũng như kết nối với những người thích du lịch khác để cập nhật thông tin hay và mới nhất? Câu hỏi đó đã dẫn Thùy đến với hai tháng liền lao vào nghiên cứu các trang nước ngoài, từ đó xây dựng bản đồ tư duy cho cuộc viễn chinh sắp tới với một dự án hoàn toàn mới trên thị trường.
“Gody không chỉ là nền tảng cung cấp thông tin điểm đến mà còn là nơi kết nối cộng đồng du lịch, giúp mọi người có thể chia sẻ những kinh nghiệm, lưu ý khi đến các điểm trong và ngoài nước”, anh mô tả dự án. 
Nhưng ý tưởng không thể thành sản phẩm trong ngày một ngày hai, mất đến 3 năm Thùy mới chính thức giới thiệu mạng xã hội cho cộng đồng. Giữa khoảng thời gian đó là tìm kiếm đội ngũ đồng hành, xây dựng hệ thống công nghệ, nội dung, nghiên cứu và liên tục thử nghiệm. Tháng 3/2017, sau hai tháng ra mắt, Gody giới thiệu một cộng đồng cho phép mọi người chia sẻ, thảo luận, tạo các nhóm đi du lịch. Đến tháng 10, sự xuất hiện của bản đồ checkin MytravelMap đã nhanh chóng đẩy số lượng người dùng lên cao và mức độ phủ sóng ngày càng lan tỏa. Với những cột mốc đã đạt được, Thùy và cộng sự tự tin hướng đến mục tiêu chạm ngưỡng một triệu thành viên vào cuối năm sau. 
Sự tự tin ấy không chỉ đến từ một tính năng được nhiều người hưởng ứng nồng nhiệt mà còn bởi họ đã xây dựng một cộng đồng du lịch với đặc thù dành riêng cho người Việt. Tại đây, mọi người đăng tải, chia sẻ các thông tin và các thành viên khác có thể theo dõi, bình luận, đánh giá các bài viết thông qua thang điểm. Thùy cho biết mô hình nghe qua có thể nghĩ đến Tripadvisor nhưng thực chất có nhiều điểm khác. 
“Chúng tôi chỉ tập trung vào người dùng Việt Nam và hiểu rất rõ về văn hóa, truyền thống, thói quen của người Việt. Mỗi thành viên có một ngôi nhà riêng để lưu trữ và chia sẻ thông tin, hành trình du lịch. Nếu dùng Facebook thì đôi khi sẽ bị trôi rất nhanh với những nội dung khác sau một thời gian ngắn”, nhà sáng lập giải thích.
Giao diện Gody.vn. Ảnh: NVCC.
Giao diện Gody.vn. Ảnh: NVCC.
Ngoài nhu cầu về một cộng đồng du lịch dành riêng cho người Việt, Thùy còn nhận thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn đang thiếu kênh quảng bá trực tiếp tới khách hàng tiềm năng, kênh bán hàng hiệu quả và môi trường cạnh tranh, đánh giá lành mạnh. Vì vậy, anh định hướng đến cuối năm sau sẽ trở thành một market place (kênh bán hàng) để các đơn vị trực tiếp tiếp cận khách hàng, mặt khác người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm - dịch vụ theo nhu cầu, tham khảo thông tin để đưa ra lựa chọn thông qua mức độ cho điểm của cộng đồng thành viên.
“Tôi muốn có một nền tảng mà tất cả dịch vụ, sản phẩm đều được đánh giá bởi người dùng chứ không đơn thuần về tiếp thị hay thúc đẩy họ mua hàng”, anh nói. 
Hiện sau gần hai năm ra mắt, Gody đã có doanh thu nhưng tất cả chỉ đang dựa trên mô hình thử nghiệm. Bài toán ấy đã được nhà sáng lập cân đo kỹ lưỡng. Về phía doanh nghiệp, hệ thống phân tích dữ liệu về nhu cầu, thói quen, mức độ quan tâm của người dùng từ mạng xã hội có thể mang đến những chiến dịch quảng cáo hợp lý, cho phép các công ty bán tour, dịch vụ tại nền tảng mạng xã hội này và tương lai Gody sẽ thu hoa hồng từ những giao dịch thành công khi chính thức trở thành market place. 
Ngoài ra, Gody cũng cho phép thành viên bán quảng cáo trong từng bài viết của họ mà không cần phải chia sẻ doanh thu. Doanh nghiệp cũng qua đây có công cụ để tuyển người viết phù hợp để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Ngược lại, blogger du lịch có thể tự tìm những chuyến đi viết bài trải nghiệm miễn phí thông qua nền tảng này. 
Để theo đuổi lộ trình dài hơi ấy với dự án mạng xã hội vốn phức tạp, nguồn vốn là cực kỳ quan trọng để nuôi dưỡng sản phẩm. Ngay từ đầu, Thùy đã lập kế hoạch tài chính chi tiết, trong đó những con số được đưa ra cụ thể.
Ba năm và 6 tỷ đồng
Đó là số nguồn quỹ dự trù cho thởi gian đầu phát triển dự án và Thùy không kỳ vọng con số thấp hơn bởi đã biết trước những thách thức phía trước. “Làm mạng xã hội cần rất nhiều thời gian bởi phải xây dựng cộng đồng đông thì mới hiệu quả và là mô hình kinh doanh lâu dài. Vì thế, việc không có doanh thu trong ba năm đầu là điều hiển nhiên phải biết trước và tôi đã có kế hoạch cho việc này”, anh cho biết.
Nhà sáng lập sinh năm 1977 làm toàn thời gian tại một công ty trong lĩnh vực hàng không để nuôi dưỡng đam mê khởi nghiệp. Quỹ thời gian cho Gody hầu hết là buổi tối và anh thường kết thúc công việc khi ngày mới đã bắt đầu gõ cửa khoảng vài tiếng. “Hơi cực nhưng đó là điều bắt buộc để dự án có thể chạy theo đúng lộ trình vạch ra”, anh nói và diễn giải đam mê khởi nghiệp và đặc biệt là Gody đã ăn sâu vào huyết quản, không thể nào bỏ được. “Đó là đứa con mình đẻ ra nên phải nuôi nấng và nuôi làm sao tốt nhất theo suy nghĩ của mình, có giao cho người khác thì cũng không an tâm”.
Bài học từ trải nghiệm khởi nghiệp thất bại vào 2011 đã giúp Thùy tích lũy nhiều kinh nghiệm cho hành trình dài hơi lần này. Sau hai năm theo đuổi và phải ngừng lại, anh nhận ra kinh nghiệm là điều cực kỳ quan trọng với bất cứ startup nào, không chỉ về mặt sản phẩm mà còn là hoạch định chiến lược và quản lý tài chính. Anh đánh giá nếu chỉ giỏi riêng về kỹ thuật thì chưa chắc sản phẩm có thể thành công mà còn phải dựa vào kinh nghiệm vận hành, bán hàng. “Sau khi va vấp tôi biết mình thiếu gì và khi thấy ổn thì mới tiếp tục startup”, đó là lý do anh dừng vài năm để đi làm, tích lũy kinh nghiệm, tham gia nhiều khóa học về quản trị để làm dày trải nghiệm từ đó tiếp tục sống với đam mê và vững vàng theo đuổi đến cùng giấc mơ ấy.
Anh chưa dám nhận định hành trình chạm đến mốc thành công nhưng “đã đi đúng hướng”. Bước sang giai đoạn thứ hai, Thùy vẫn chưa nghĩ đến việc kêu gọi đầu tư vì vẫn còn đủ nguồn quỹ trong một năm tới. Tuy nhiên, anh không loại trừ sẽ gặp gỡ một số nhà đầu tư vào năm sau với tham vọng tìm thêm người đồng hành giúp dự án ngày càng đi xa hơn. 
Đội ngũ 18 người của Gody hiện miệt mài làm việc cho từng bước nhỏ trong hành trình dài ấy. Với Thùy, nguồn khích lệ đến rất đơn giản chỉ bằng những phản hồi tích cực của người dùng và nhìn thấy các nội dung hữu ích trên mạng xã hội du lịch mà chính bản thân mình đang muốn tìm. “Tất cả cho tôi niềm cảm hứng với công việc”, anh nói không giấu nụ cười trên môi.
Theo VnExpress