Startups trong từng giai đoạn phát triển cần ưu tiên những gì để ngày càng vững mạnh?
Khởi nghiệp kinh doanh - cụm từ không còn xa lạ với giới trẻ trong những năm gần đây, khi mà các hoạt động khuyến khích khởi nghiệp được xem là biện pháp quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất trên thế giới, tuy nhiên, có rất ít mô hình kinh doanh khởi nghiệp còn tồn tại sau từ 1-3 năm. Vậy, startups trong từng giai đoạn phát triển cần ưu tiên những gì để ngày càng phát triển vững mạnh và trụ được trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt như hiện nay? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
 Thông thường, bất kỳ một startup nào khi bắt đầu thực hiện kế hoạch khởi nghiệp đều phải trải qua 4 giai đoạn chính, bao gồm: khởi động, thử thách, ổn định và phát triển.
 
Giai đoạn khởi động - kế hoạch là thứ quan trọng nhất
 
Là giai đoạn quan trọng quyết định một nửa năng lực thành hay bại của một startup trong chặng đường thực hiện, vì thế, các startup không nên gấp gáp trong quá trình phác thảo kế hoạch mà hãy ưu tiên và dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện kế hoạch một cách tỉ mỉ, cẩn thận nhất.
 
Hãy xác định rõ ràng và trả lời cụ thể những câu hỏi sau:
Sản phẩm, dịch vụ công ty bạn hướng đến là gì?
Có bao nhiêu mục tiêu và mục tiêu ngắn hạn, dài hạn như thế nào?
Nhóm khách hàng bạn hướng đến là ai?
Giá trị mà sản phẩm, dịch vụ mang lại là gì?
Bạn mong muốn đạt được điều gì?
Những vấn đề của dự án là gì?
Những khó khăn mà họ bạn thể gặp phải là gì?
 
Giai đoạn thử thách - vấn đề quản lý nên được đặt lên hàng đầu
 
Đến giai đoạn này, doanh nghiệp đã hoạt động được một thời gian ngắn dưới sự tác động của nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan. Có khách hàng, có doanh thu và cạnh tranh đồng nghĩa với việc xuất hiện cả thời cơ và thách thức mới. Có doanh nghiệp biết cách tận dụng và cân bằng, tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp “vỡ mộng”. Đây chính là giai đoạn mà hầu hết các startup ở Việt Nam đều thất bại và thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi với ngoại cảnh.
 
Đứng trước điều này, ngoài bình tĩnh và quyết đoán, doanh nghiệp cần đặt vấn đề quản lý làm ưu tiên hàng đầu, bởi lẽ, với các vấn đề không đổi về thời cơ và các nguồn tài chính, chủ doanh nghiệp phải có phương pháp nhằm quản lý hiệu quả tài chính và nhân lực. Học hỏi để đào tạo nhân viên, nghệ thuật giao phó, uỷ thác hay áp dụng những hệ thống quản lý, phương pháp để vận hành tốt hơn chính là chìa khóa cho sự thành công của giai đoạn này.
 
Bên cạnh đó, để duy trì và tiếp tục đầu tư phát triển doanh nghiệp, nguồn vốn là điều không thể bỏ qua. Bạn có thể tận dụng các khoản vay từ ngân hàng, các nguồn viện trợ hay từ lợi nhuận, đối tác, thậm chí tìm kiếm nhà đầu tư hợp lý để có nguồn vốn ổn định.
 
Giai đoạn ổn định - cải thiện quy trình và năng suất là điều cần thiết
 
Vào giai đoạn này, công ty sẽ dần hồi phục và dần bắt đầu đi vào trạng thái ổn định theo mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên nghỉ ngơi quá sớm. Những vấn đề biến động trong kinh tế, tính cạnh tranh hay thay đổi xu hướng, thị hiếu của khách hàng luôn hiện diện, điều này có thể khiến doanh nghiệp của bạn lỗi thời, vì thế, hãy luôn nghiên cứu để cải tiến sản phẩm để không bị lỗi thời. Hơn thế, việc xem xét phân bổ cải thiện nguồn lực để ngày càng tốt hơn, mở rộng thị trường để nâng cao quy mô, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tự động và đổi mới các thiết bị nhằm cải thiện hiệu suất kinh doanh chính là những điều cần phải đầu tư để có bước tiến vững chắc ở giai đoạn kế tiếp.
 
Giai đoạn phát triển - tăng tốc mở rộng thị trường
 
Là giai đoạn trong mơ của hầu hết các startup. Tại giai đoạn này, doanh nghiệp thừa thắng tiến lên phía trước, ra sức chiếm thị phần bằng việc mở rộng thị trường các kênh phân phối và các kênh kinh doanh khác. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng không nên bỏ qua việc phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới tung ra thị trường hiện tại hoặc mạo hiểm mở rộng sang thị trường mới như thị trường nước ngoài để trở thành công ty đa quốc gia.
 
Tất cả những “quả ngọt” ở giai đoạn ổn định và phát triển đều bắt nguồn từ một chiến lược được nghiên cứu kỹ lưỡng, hướng đến tệp khách hàng phù hợp và thu hút nguồn vốn đầu tư ổn định. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn nếu đang có ý định thành lập startup để hiện thực hóa giấc mơ của mình.