Startup có nhất thiết phải IPO không và cần chuẩn bị gì cho quá trình đó?
IPO (Initial Public Offering) được xem là giấc mơ của mọi startup ngày nay. Bằng việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng, các startup có thể tăng uy tín và giá trị tài sản ròng, từ đó huy động được nguồn vốn nhanh và hiệu quả nhất. Thế nhưng, liệu startup có nhất thiết phải IPO không? Cần chuẩn bị gì cho quá trình đó? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
Startup có nhất thiết phải thực hiện IPO?
 
Cách đây không lâu, mọi người đều mong muốn startup của mình trở thành một công ty đại chúng và phát triển thành doanh nghiệp đa quốc gia. Việc lựa chọn IPO được xem là công cụ tối ưu để huy động vốn từ thị trường, mang lại cổ tức và tạo cú hích cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này lại thay đổi hoàn toàn trong những năm gần đây, bởi lẽ startup trước khi muốn thực hiện IPO phải vượt qua những rào cản sau:
 
Chịu áp lực to lớn về doanh thu: Là một vấn đề khó khăn đối với chủ startup khi phải luôn tìm cách để làm tăng thu nhập cho cổ đông trong dài hạn, tránh trường hợp họ bán cổ phần của công ty vì lợi nhuận.
Có nguy cơ bị thâu tóm: Điều này thường xuất phát từ các cổ đông đã hết tập trung vào tầm nhìn ban đầu mà chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt.
Rủi ro công bố thông tin tăng cao: Việc bắt buộc phải công khai các thông tin đòi hỏi sự chính xác cao sẽ làm các công ty Startup đối mặt với thách thức không nhỏ trước nhiều ý kiến trái chiều của các cổ đông và dư luận. Điều này dễ gây hiểu lầm hoặc thậm chí đối mặt với các cáo buộc hình sự nếu công bố sai lệch thông tin.
Khó đáp ứng những ràng buộc pháp lý: khi pháp luật chế tài ở các tiêu chí để đảm bảo sự an toàn cho công chúng đồng nghĩa với việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại 1 doanh nghiệp vừa sáng lập là điều khó xảy ra.
 
Ngoài ra, các vấn đề về việc có thể chịu thiệt hại trước biến động của thị trường chứng khoán hay bất đồng quan điểm giữa người sáng lập với cổ đông khi luôn chịu giám sát và phải báo cáo, đáp ứng yêu cầu của họ cũng dễ dàng khiến mâu thuẫn tăng cao.
 
Việt Nam tuy là nước sở hữu cộng đồng startup và doanh nghiệp có tốc độ phát triển hàng đầu. Tuy nhiên, ngay cả vậy thì IPO không thể thể diễn ra một sớm một chiều hay chỉ đơn giản là để thu hút đầu tư. Các startup nên chuẩn bị thật kỹ năng lực, tầm nhìn và chiến lược phù hợp để chuẩn bị cho quá trình IPO giảm thiểu tối đa những thách thức nêu trên.
 
Cần chuẩn bị gì cho quá trình IPO?
 
Theo luật chứng khoán, để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
 
Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký chào bán phải có ít nhất 10 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
Hoạt động bán hàng của năm liền trước phải có lãi.
Không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Công ty phải có phương án và kế hoạch cụ thể trước khi thực hiện IPO.
Nguồn vốn huy động được sau IPO phải được Hội đồng quản trị của công ty chấp thuận và được cam kết về trách nhiệm sử dụng.
 
Tuy nhiên, các startup IPO thì phải biết rằng, ngoài những yêu cầu về vốn và tỷ suất lợi nhuận nêu trên, công ty cần có chiến lược IPO phù hợp cũng như chuẩn bị một tâm lý vững chắc để vượt qua những căng thẳng, áp lực, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp. Hơn thế, mọi thứ cần sẵn sàng để minh bạch ra thị trường và hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp đã lường trước được những nguy cơ ấy. Đặc biệt, hãy xác định rõ ai là người mua cổ phiếu ngay từ đầu và đừng quên tạo được sự tin tưởng đối với với người mua.
 
Con đường IPO tại doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khó, với các startup lại còn khó khăn, chông gai hơn cả. Vì thế, đừng vội vàng IPO khi chưa đủ tiềm lực và chiến lược phù hợp để tránh những phiền phức, rủi ro mà quá trình lại mang đến.