Ưu, nhược điểm và ý nghĩa của IPO đối với doanh nghiệp
IPO (Initial Public Offering) là hoạt động phát hành lần đầu ra công chúng của một doanh nghiệp, việc này chỉ  việc phát hành cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán nhằm huy động vốn rộng rãi từ cộng đồng. Dù chịu tác động to lớn từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên, năm 2020 cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ IPO nổi bật, có thể kể đến nền tảng tiếp thị bán hàng ZoomInfo, dịch vụ du lịch Airbnb hay ứng dụng gọi đồ ăn Postmate,... Vậy, IPO có ưu điểm, nhược điểm gì và nó có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Ưu điểm vượt trội của IPO
 
Không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp nào khi phát triển đến một độ “chín” nhất định cũng có mong muốn được IPO sau quá trình tìm hiểu kỹ càng. IPO mang lại những ưu điểm như:
 
Giúp công ty nhanh cóng huy động lượng lớn vốn chỉ trong thời gian ngắn nhằm duy trì, cải thiện hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô phát triển.
Dễ dàng thu hút thêm các nguồn nhân lực, vật lực nhằm xây dựng đội ngũ nhân sự tiềm năng, thúc đẩy sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tăng chất lượng và độ chính xác của các báo cáo tài chính.
Giúp tăng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp.
Với việc cổ phần hóa, doanh nghiệp cũng dễ dàng giữ chân nhân viên trung thành bởi cho họ cảm giác được quản lý.
 
Nhược điểm của việc IPO
 
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, IPO cũng tồn tại những nhược điểm nhất định buộc doanh nghiệp phải đối mặt và vượt qua, điển hình như:
 
- Những người đứng đầu công ty sẽ bị chia sẻ quyền làm chủ cũng như không còn khả năng tự quyết. Hơn thế, họ còn phải chịu áp lực trong việc luôn phải duy trì quy mô và tỷ lệ tăng trưởng từ các thành viên trong hội đồng cổ đông.
- Có yêu cầu cao, khó đăng ký IPO bởi quy trình và pháp lý phức tạp. Đây là một trong những nỗ lực kiểm soát IPO để tránh làm loãng thị trường và bảo vệ trader (người giao dịch).
- Doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí phát sinh và phụ phí khác như: chi phí kiểm toán báo cáo tài chính, chi phí chuẩn bị tài liệu để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước,.. Việc này sẽ tốn kém hơn nhiều lần so doanh nghiệp với thông thường.
 
Hơn thế, do chính sách minh bạch về báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh,... buộc doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị lộ các thông tin không cần thiết. Điều này ít nhiều sẽ gây ra bất lợi cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh.
 
Ý nghĩa của IPO đối với doanh nghiệp Việt
 
IPO giúp doanh nghiệp khẳng định nguồn lực và sức mạnh, vị thế của mình thị trường cũng như định vị thành công thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng, từ đó làm gia tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị thương hiệu và nâng cao uy tín trong kinh doanh. Điều này được xem là mang lại nhiều giá trị vô hình cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh doanh, trở thành bước đệm nhằm phục vụ cho việc sáp nhập hay mua lại các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng trên thị trường.
 
Chính vì những ưu điểm và ý nghĩa mà IPO mang lại cho sự phát triển và định vị thương hiệu mà hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đã tiến hành triển khai IPO như một tấm vé thông hành và thu hút đầu tư danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, không phải quá trình IPO nào cũng sẽ tạo nên thành tích hấp dẫn, vì thế, người đứng đầu doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ càng và thận trọng trước khi quyết định IPO.