Có nên thực hiện IPO đối với startup không và cần chuẩn bị gì để quá trình IPO thuận lợi?
Thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được xem là một cột mốc quan trọng, mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư từ công chúng. Thế nhưng, điều này đối với một doanh nghiệp startup là điều không hề dễ dàng bởi rào cản trong vấn đề pháp lý và kinh doanh. Vây, một startup non trẻ có nên thực hiện IPO và cần chuẩn bị những gì để quá trình IPO diễn ra thuận lợi, thành công? Hãy tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp startup có nên thực hiện IPO?
 
Nếu trước đây, IPO được xem là “giấc mơ trưa” mà bất kỳ startup nào cũng mong muốn thực hiện thì giờ đây, khi nhận thức rõ được cả lợi ích và rủi ro mà việc này mang lại, hầu hết doanh nghiệp đều không quá mặn mòi với IPO mà tìm hướng đi khác nhằm kêu gọi, thu hút vốn, điển hình như: tham gia vào các chương trình kêu gọi vốn cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm,....
 
Điều mà doanh nghiệp cần phải nắm rõ là các nhà đầu tư khi chấp nhận rót vốn vào công ty  (mua cổ phiếu IPO) đa phần vì lợi nhuận, không phải để thu cổ tức, mà là để tìm kiếm cơ hội bán được cổ phiếu với giá cao hơn thời điểm hiện tại. Chính vì thế, khi xác định IPO, những người đứng đầu công ty thường cảm thấy áp lực, căng thẳng bởi phải luôn tìm cách làm tăng doanh thu cũng như giữ cho công ty luôn ở trạng thái đi lên. Đặc biệt hơn, họ còn bị “tước quyền” quyết định trong mọi hoạt động và phải luôn giải thích, chiều lòng cổ đông để không bị rút vốn đột ngột. Vì vậy, IPO không phải là câu chuyện một sớm một chiều và dễ dàng thực hiện như lý thuyết, đặc biệt đối với doanh nghiệp non trẻ như startup.
 
Cần chuẩn bị những gì để quá trình IPO diễn ra thuận lợi
 
Theo các chuyên gia tài chính, IPO dù được xem "việc tốt nên làm" nhưng nếu có trường hợp sai sót xảy ra, cái giá phải trả là không hề nhỏ và không thể trông chờ vào vận may. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ càng từ tâm lý đến tài chính để mọi thứ được diễn ra thuận lợi, cụ thể:
 
Với các doanh nghiệp thông thường
 
Có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký IPO từ 10 tỷ đồng trở lên, số liệu dựa vào giá trị trên sổ kế toán.
Có phương án phát hành, sử dụng vốn thu từ đợt chào bán trước và được Hội đồng quản trị thông qua.
Cần có lãi, không có lỗ lũy kế trong các hoạt động kinh doanh trước năm đăng ký IPO.
 
Với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng:
 
Cần làm chủ dự án được cấp phép đầu tư và thực hiện xây dựng ít nhất 1 công trình cơ sở hạ tầng (công trình phải thuộc đề án phát triển kinh tế — xã hội)
Cam kết chịu trách nhiệm với các phương án khi phát hành cổ phiếu, có phương án sử dụng vốn thu hợp lý được Hội đồng quản trị và các cổ đông thông qua
Được bảo lãnh phát hành bởi các tổ chức tài chính hay sàn chứng khoán và các đợt chào bán cổ phiếu, sử dụng vốn cần được thực hiện dưới sự kiểm soát của ngân hàng.
 
Một ví dụ điển hình trong IPO thành công chính là Yeah1. Được biết, công ty này phải chuẩn bị đến tận 12 năm để thực hiện mục tiêu IPO, biến Yeah1 thành công ty đại chúng chứ không đơn thuần là công ty gia đình như lúc mới thành lập. Hơn thế, để đạt yêu cầu và minh bạch trong vấn đề tài chính, báo cáo,... doanh nghiệp này cũng đã thuê đơn vị kiểm toán nhằm chuẩn bị hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh. Tất cả đã khiến cổ phiếu của công ty này khi vừa ra mắt được đón nhận và đầu tư nhiệt tình, huy động được nguồn vốn khá đáng kể để mở rộng kinh doanh.
 
Có thể khẳng định rằng: IPO chính là mục tiêu tiên quyết mà doanh nghiệp nên thực hiện nếu muốn hướng đến phát triển thị trường, mở rộng quy mô và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm giúp doanh nghiệp mở rộng kênh tiếp cận vốn, IPO còn tiềm ẩn rất nhiều thách thức và rủi ro. Chính vì vậy, một doanh nghiệp startup non trẻ thay vì IPO ngay trong thời kỳ đầu, hãy tập trung phát triển sản phẩm, nâng cao doanh số, tích lũy thêm kiến thức & kinh nghiệm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng chờ thời cơ thích hợp để IPO. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị, giảm thiểu thua lỗ và thành công hơn mong đợi.