Triển vọng về hợp tác KNĐMST giữa Việt Nam và thế giới
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là ưu tiên trong chiến lược phát triển giữa các quốc gia

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là ưu tiên trong chiến lược phát triển giữa các quốc gia

Trong vài năm trở lại đây, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là một từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại các quốc gia trên thế giới. Một trong những yếu tố cốt lõi để KNĐMST thành công là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Không chỉ đối với tiềm lực nội tại của mỗi một quốc gia mà KNĐMST vẫn luôn được đánh giá là vấn đề ưu tiên trong chiến lược hợp tác giữa các quốc gia. Trao đổi về nội dung này, phóng viên chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo – BK Fund

PV: Thưa ông, có thể cho biết hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam đang có sự hấp dẫn như thế nào đối với bạn bè quốc tế?

Ông Phạm Tuấn Hiệp: Tôi nghĩ là có ba điểm hấp dẫn. Điểm thứ nhất, Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động với quy mô dân số là 100 triệu người và với quy mô đấy thì hệ sinh thái cũng ở một cái tầm rất tiềm năng để có thể ươm tạo và hình thành những công ty startup. Thứ hai là, với quy mô thị trường như vậy và với tính tăng trưởng trẻ của thị trường trẻ, của dân số trẻ thành ra là chúng ta có một cái nguồn nhân lực dồi dào mà những cái bạn trẻ tài năng đầy tính sáng tạo sẽ tạo ra những ý tưởng mới những mô hình kinh doanh. Thứ ba là, đối với thị trường của Việt Nam thì các chi phí để đầu tư vào các công ty startup ở Việt Nam vẫn vô cùng hấp dẫn. Chẳng hạn như là đối với Canada hay đối với Mỹ thì để hình thành một công ty startup dựa trên công nghệ thông tin thì thường chi phí phải mất khoảng 200 đến 300 nghìn USD. Nhưng ở Việt Nam, chi phí chỉ dưới 100 nghìn USD thôi. Thành ra là nhà đầu tư họ chỉ cần một phần tiền nhỏ hơn để đầu tư cho startup ở Việt Nam là họ đã có thể sở hữu một lượng cổ phần lớn hơn. Bên cạnh đó là những chính sách đầy gợi mở đang ngày một thuận lợi hơn cho hệ sinh thái và cho cả nhà nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về những bước đi của Chính phủ hiện nay?

Ông Phạm Tuấn Hiệp: Chính phủ hiện đã có những hệ thống chính sách rất rõ ràng và được bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng về KNĐMST theo cấp độ hệ sinh thái. Thứ nhất là chính phủ có những cái đề án Quốc gia để giao cho từng đơn vị triển khai. Những đề án đấy đều có tinh thần là làm sao để hệ sinh thái thúc đẩy nhiều hơn vấn đề đổi mới sáng tạo, thúc đẩy những hoạt động hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp. Thứ hai, chúng ta có nhiều đề án tầm Quốc gia đều nằm trong lĩnh vực thúc đẩy KNĐMST và trao cho từng đơn vị thực hiện rất toàn diện trong hệ thống chính sách về triển khai phát triển kinh tế của Việt Nam.

PV: Thưa ông, để hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam phát triển bền vững thì chúng ta sẽ cần phải có những điều kiện gì?

Ông Phạm Tuấn Hiệp: Tôi tâm đắc nhất một giải pháp, đấy là chúng ta muốn có những công ty startup tốt, muốn có KNĐMST tốt thì chúng ta phải thúc đẩy một nền tảng đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải có nhiều ý tưởng mới về khoa học, về công nghệ, về sở hữu trí tuệ mà những ý tưởng đấy có khả năng ứng dụng được vào cuộc sống, có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, những mô hình kinh doanh tốt hơn. Để nền tảng đổi mới sáng tạo tốt thì cần nhiều giải pháp. Nhưng giải pháp quan trọng nhất theo tôi nghĩ đó là vấn đề về con người. Tức là chúng ta phải có những giải pháp về giáo dục, về nghiên cứu và thúc đẩy cơ chế để cho những người sáng tạo công nghệ được sở hữu tài sản trí tuệ đấy. Đấy chính là nền tảng đổi mới sáng tạo tốt.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!